Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017 “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Ô-xtrây-li-a khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm. Việt Nam hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn kể từ năm 1994 thông qua nhiều hoạt động thiết thực.
Chủ đề Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017 là “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải tại các khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển kinh tế, an sinh xã hội và hài hòa với thiên nhiên.
Thực hiện công văn số 4313/BTNMT-TCMT ngày 24/8/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và công văn số 3580/UBND-KTN ngày 6/9/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017; Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng đến các Sở, ban, ngành tỉnh; UBMTTQ Việt Nam tỉnh; các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp; UBND các huyện, thị xã, thành phố; trường học,… thực hiện một số nội dung:
- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường (Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Chương trình hành động số 18-Tr/TU ngày 16/9/ 2013 của Tỉnh ủy Vĩnh Long; Quyết định số 2896/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Long;…
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng thời lượng phát sóng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự vận động người dân thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường nhân sự kiện Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017.
- Xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết các vấn đề môi trường lớn, giải quyết triệt để những điểm nóng về ô nhiễm môi trường của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; lên án các hành động khai thác bừa bãi, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, tạo dư luận và áp lực xã hội lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, cộng đồng, người dân tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội trong đó có trách nhiệm bảo vệ môi trường.
- Tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: phổ biến pháp luật nhằm nâng cao năng lực giám sát, phản biện và tham vấn của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ môi trường; phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; mít tinh, ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức các lớp học phổ biến kiến thức về môi trường, lối sống xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng bền vững hệ sinh thái và tài nguyên đa dạng sinh học; trồng cây xanh; trao đổi sản phẩm tái chế; ngày hội sống xanh;...
- Tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân cùng hành động bảo vệ môi trường; tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
- Phát hiện, biểu dương, khen thưởng để động viên kịp thời những cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…
Trên đây là các hoạt động hưởng ứng nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải tại các khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng đất nước phát triển về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và hài hoà với thiên nhiên.
Triệu Uyên
Các tin khác








