Hội thảo :“Kết quả phân tích tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ tại Vĩnh Long”
Việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất rau, củ tại Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung được coi là biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ, sản xuất rau, củ hàng năm. Với tâm lý “càng phun nhiều thuốc người dân càng an tâm” nên vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau, củ ngày càng trở nên khó kiểm soát và gây nên nhiều tác động ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, Hội thảo chuyên đề về “Kết quả phân tích tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ tại Vĩnh Long” trong khuôn khổ đề tài “Xây dựng quy trình xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phổ biến trong rau củ tại Vĩnh Long bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC)”, do PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Vân, trường Đại học Y Dược Cần Thơ chủ nhiệm, vừa được tổ chức ngày 14/12/2018 tại hội trường Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long.
Tham dự Hội thảo có hơn 30 đại biểu đến từ Sở Y tế, sở Nông nghiệp, Sở KH&CN, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, hội nông dân trường CĐ Y tế Cần Thơ, Hội Nông dân …
Sau thời gian thực hiện phân tích tồn lưu 10 loại thuốc bảo vệ thực vật phổ biến trên rau, củ thu hái trên 180 hộ nông dân thuộc 6 xã (Thuận An, Tân Bình, Tân Lược, Phước Hậu, Thạnh Đức, Long Mỹ) của tỉnh Vĩnh Long bằng phương pháp sắc ký lỏng (LC-MS), nhóm nghiên cứu đã rút ra kết luận: Tất cả các hộ nông dân trồng rau đều có ý thức về đảm bảo thời gian cách ly theo quy định của Bộ nông nghiệp. Trong 180 mẫu rau phân tích 10 loại thuốc trừ sâu, cải xanh và cải ngọt là 2 loại rau có số loại thuốc trừ sâu được sử dụng nhiều hơn 4 loại rau còn lại do đây là vùng trồng thuộc 2 xã chưa vào hợp tác xã, nông dân chưa được tập huấn về hướng dẫn sử dụng thuốc trừ sạu an toàn. Đối với đậu bắp hầu như không phát hiện thuốc trừ sâu tại thời điểm thu hoạch; khoai lang có 5/30 hộ nhiễm thuốc trừ sâu nhưng thuộc nhóm cúc tổng hợp được phép sử dụng trên rau, củ; Xà lách xoong là loại rau không nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu cả 2 nhóm hộ nông dân hợp tác xã và hộ nông dân tự trồng. Kết quả phân tích thống kê cho thấy có mối liên quan giữa số loại thuốc trừ sâu nhiễm trên mỗi loại rau và việc tham gia hợp tác xã. Hộ nông dân trồng trong hợp tác xã có số loại thuốc trừ sâu sử dụng thấp hơn của hộ nông dân tự trồng.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các đại biểu tham dự là các ban, ngành có liên quan cũng như các hộ nông dân được khảo sát và lấy mẫu, từ đó giúp nhóm thực hiện hoàn chỉnh hơn kết quả, chuẩn bị cho đề tài nghiệm thu đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.
Triệu Uyên
Các tin khác








