Hội thảo “Ứng dụng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp”
Ngày 28/12/2018 tại Trung tâm học liệu - Trường Đại học Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “ Ứng dụng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp”, Hội thảo do trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Tham dự Hội thảo là lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các đơn vị có liên quan.
GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ phát biểu khai mạc: khái quát về công nghiệp 4.0, đặc biệt là công nghiệp 4.0 trong ngành nông nghiệp. Nhà trường đã chủ trì, phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu ứng dụng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các nội dung khác có liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Nhiều báo cáo tham luận đã được trình bày tại Hội thảo như: Hiện trạng và xu hướng tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp (điều khiển tưới thông minh cho vườn cây, giám sát thông số môi trường ao nuôi tôm, cá, tự động hóa trong chăn nuôi gia súc,…); Phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản – Công nghệ lọc sinh học và tuần hoàn nước; Một số ứng dụng cơ giới hóa trong chuổi giá trị nông nghiệp công nghệ cao (máy cấy lúa, máy cấy lúa kết hợp bón vùi phân, hệ thống gieo mạ khay, máy gặt đập liên hợp thế hệ mới với hệ thống định vị thông minh SA-R); Ứng dụng IIOT trong chuổi sản xuất nông nghiệp (tự động hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp, quản lý thông tin trong quá trình sản xuất dưới dạng số hóa, sản xuất với quy mô đa dạng từ nhỏ cho đến cực lớn,...); Giải pháp mạng cảm biến và IoT cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (giải pháp giám sát môi trường trên nền tác tử và IoT, ứng dụng mạng cảm biến và IoT trong nông nghiệp, hệ thống mạng cảm biến giám sát vùng nuôi thủy sản); Giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu (mô hình dự báo thời tiết, mô hình cảnh báo sâu bệnh, giám sát sinh trưởng cây trồng, giám sát sâu bệnh, giám sát nguồn nước tưới,…); Nhu cầu kết nối nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, cần quan tâm đến nhu cầu đào tạo và kết nối phát triển để có nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp.
Qua trao đổi, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết ứng dụng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, sẽ phối hợp với trường Đại học Cần Thơ, các đơn vị có giải pháp tốt để chuyển giao ứng dụng tại địa phương. Đồng thời nêu lên một số nhu cầu cần thiết cần ứng dụng trong thời gian tới trong sản xuất nông nghiệp./.
Triệu Uyên
Các tin khác







