Xây dựng hệ thống tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp…
Ngày 14/8/2020, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học thuộc Đề tài cơ sở “Xây dựng hệ thống tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp sử dụng Internet of Things (IoT) giám sát hệ thống tại Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ” do Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Vĩnh Long chủ trì thực hiện và ThS. Lý Minh Phương làm chủ nhiệm.
Toàn cảnh Hội thảo
Đề tài nhằm xây dựng hệ thống quản lý giám sát và điều khiển tưới tự động từ xa qua Internet được ứng dụng quản lý cây trồng (dưa lưới) tại nhà màng Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ với 02 chế độ tưới: đối với chế độ tự động, hệ thống dựa vào giá trị đo độ ẩm trong đất, khi các chỉ số vượt ngưỡng cho phép (cây trồng thiếu nước), máy bơm nhỏ giọt sẽ tự động kích hoạt để cung cấp nước cho cây trồng cho đến khi chỉ số độ ẩm đạt đạt yêu cầu (đủ lượng nước) thì máy bơm tự động tắt, giúp giảm công lao động và điện năng tiêu thụ; đối với chế độ thủ công người quản lý có thể tắt/mở các thiết bị như máy bơm nhỏ giọt, bơm tưới phun, quạt thông gió… trên màn hình điện thoại thông minh (smartphone) hoặc máy tính có kết nối internet.
Bên cạnh điều khiển tưới tự động, hệ thống còn có các chức năng giám sát như: thu thập dữ liệu môi trường trong nhà màng từ lúc mới gieo trồng cho đến khi thu hoạch, dữ liệu này bao gồm các thông số đo được từ các bộ cảm biến độ ẩm trong đất tại gốc cây trồng, nhiệt độ và ẩm độ không khí trong nhà màng, nồng độ dinh dưỡng trong nước tưới TDS/EC; cập nhật dữ liệu nhật ký chăm sóc cây trồng tại mỗi thời điểm bón phân hay cung cấp dinh dưỡng cho cây (thời gian cung cấp, thành phần, hàm lượng dinh dưỡng và chi phí), đây là nguồn dữ liệu quan trọng và làm cơ sở cho truy xuất nguồn gốc nông sản; lưu trữ dữ liệu các trạng thái tắt/mở thiết bị trong nhà màng giúp việc theo dõi lịch sử hoạt động của các thiết bị trong từng vụ sản xuất. Ngoài ra, người quản lý có thể theo dõi dữ liệu môi trường dạng biểu đồ để có khung nhìn trực quan để đánh giá mức độ ảnh hưởng của môi trường trong nhà màng đến cây trồng.
Qua báo cáo kết quả thực hiện và kiểm tra thực tế đề tài, đại biểu cho rằng, đề tài thực hiện đạt mục tiêu và nôi dung theo đề cương thuyết minh, tuy nhiên, nhóm nghiên cứu có thể xem xét hoàn chỉnh một số nội dung: việc vận hành hệ thống (đo đạc về độ ẩm đất, nhiệt độ và ẩm độ không khí, nồng độ dinh dưỡng trong nước tưới TDS/EC) theo chế độ chăm sóc tự động; đề tài có thể phát triển theo hướng phù hợp với từng loại cây trồng như trồng rau ăn lá, nhà trồng nấm và các loại rau màu khác…, đặc biệt có thể xem xét mở rộng thu thập thông tin cảm biến cường độ ánh sáng, độ mặn nước tưới…
MINH PHƯƠNG
Các tin khác





