Bệnh ngã nước ở trâu, bò

Hội chứng ngã nước do ký sinh trùng đường máu, do một trong những đơn bào như: tiên mao trùng, biên mao trùng, lê dạng trùng gây nên. Mùa phát bệnh thường là vào mùa nóng ẩm, mưa nhiều từ tháng 4-9. Thời gian này, các điều kiện sinh thái thuận lợi cho các loài ruồi, mòng phát triển, hoạt động hút máu và truyền bệnh tiên mao trùng, các loài ve, bét hút máu truyền bệnh biên trùng, lê dạng trùng cho đàn trâu, bò, ngựa...

Triệu chứng

Trâu, bò sốt cao 40- 41 độ C, các cơn sốt thường gián đoạn không liên tục, không theo quy luật. Khi sốt cao, con vật thường biểu hiện trạng thái thần kinh như mất thăng bằng, quay cuồng, đi vòng tròn hay run rẩy từng cơn.

Trâu, bò biểu hiện trạng thái thiếu máu, niêm mạc mắt, mũi, miệng nhợt nhạt, một số con biểu hiện trạng thái viêm kết mạc mắt và giác mạc mắt (mắt đỏ, niêm mạc sưng đỏ và chảy dử liên tục).

Trâu, bò thường đi ỉa chảy kéo dài sau những cơn sốt. Hầu hết trâu, bò suy nhược, mất dần sức đề kháng, thường chết do kiệt sức.

Điều trị

Sử dụng các loại hoá dược sau để trị bệnh: Naganol 1g/100kg thể trọng, pha với nước cất hay nước sinh lý tiêm tĩnh mạch tai, niêm 2 lần cách nhau một ngày.

Trypadium liều 1g/100kg thể trọng pha với nước cất hay nước sinh lý thành dung dịch 2% tiêm tĩnh mạch tai hoặc tiêm sau vào bắp thịt, tiêm 1 lần.

Azidin 1 lọ (1,18g) pha với 20ml nước sinh lý tiêm tĩnh mạch tai hay tiêm sâu vào bắp thịt cho 150kg thể trọng. Sau khi tiêm 15 ngày nếu bệnh chưa khỏi, tiêm nhắc lại lần thứ 2.

Trong thời gian điều trị phải cho trâu, bò nghỉ làm việc. Cần lưu ý trước khi tiêm vào tĩnh mạch cần tiêm thuốc trợ sức, trợ tim (nong não hoặc cafein) cho trâu, bò. Ngoài ra phải chăm sóc và nuôi dưỡng cho tốt.