Theo Võ Thị Thu Oanh (2003) thành phần bệnh hại trên cây sầu riêng tại thành phố Hồ Chí Minh có 8 loại bệnh hại, tất cả đều do nấm gây ra. Trong đó trên trái sâu riêng có 2 bệnh hại đó là: bệnh bồ hóng lớp (do nấm Capnodium sp.) và bệnh thối trái (do nấm Sclerotium rolfsii hoặc do nấm Phytophthora sp.), trong đó bệnh thối trái do nấm Phytophthora sp. rất phổ biến ở các vườn.
Nấm Phytophthora sp. là loài nấm gây bệnh nứt thân xì mủ cây sầu riêng, và gây thối cho nhiều loại trái như sầu riêng, mận, nhãn... Trên trái sầu riêng, bệnh thối trái có thể gây hại từ khi trái còn non cho đến khi chín. Bệnh làm thối một phần hoặc cả trái và lây lan sang trái khác.
Để phòng trừ bệnh thối trái sau thu hoạch, nông dân đã “sáng tạo” ra phương pháp dùng thuốc trừ bệnh cây đậm đặc bôi (trét) lên cuống trái để chống thối và hậu quả của sự “sáng tạo” này là các cơ quan chức năng đã phát hiện có hoạt chất Carbendazim trên vỏ trái, thịt trái sầu riêng.
Để hạn chế lây lan và thối hỏng trái sầu riêng sau thu hoạch, chúng tôi cung cấp một số thông tin để làm cơ sở thiết lập biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh thối trái sầu riêng do nấm Phytophthora sp. theo hướng an toàn - hiệu quả, như sau:
TRIỆU CHỨNG
Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận cây sầu riêng, bệnh nhẹ thì xuất hiện trên thân, cành (gọi là chảy gôm), bệnh nặng thì gây hại bộ rễ và gây ra hiện tượng chết rũ. Ngoài ra, còn gây hiện tượng thối trái cũng rất phổ biến.
- Trên rễ: tất cả bộ rễ đều bị bệnh, lông hút bị bệnh thối đen và xâm nhiễm vào rễ phụ cũng như rễ chính. Bộ rễ bị bệnh thường có màu đen, làm cho rễ không hút được nước và dinh dưỡng, kết hợp với các bộ phận thân, cành làm cho cây sớm bị tàn lụi và chết khô toàn cây.
- Trên thân: Nấm thường xâm nhập qua vết thương, vết nứt đỉnh sinh trưởng, mầm chồi trên cành. Trên thân, bệnh phát sinh chủ yếu trên phần thân cây từ mặt đất lên khoảng 1 m. Đầu tiên trên vỏ thân có các vết đậm màu, hơi ướt, sau đó có màu nâu đỏ, chỗ vỏ bị bệnh nứt ra và chảy nhựa màu vàng. Lâu ngày vết bệnh lan rộng và ăn sâu vào phần gỗ làm mạch dẫn bị đen, cản trở sự vận chuyển chất dinh dưỡng làm lá phía trên biến vàng, héo và rụng dần. Bị bệnh nặng một số cành chết khô hoặc chết cả cây.
- Trên hoa, ban đầu xuất hiện các vết đốm thấm nước, sau chuyển thành màu đen, trời ẩm gây thối ướt hoa và rụng. Trời khô hoa bị khô, bệnh làm giảm tỷ lệ đậu quả.
- Trên trái non ban đầu là các vết đốm thâm đen, sau đó lan rộng nếu trời ẩm. Nấm ăn sâu vào thịt quả gây biến màu thịt trái, sau đó chuyển màu đen, trái bị bệnh rụng trên vườn.
Nếu bệnh xảy ra muộn sẽ gây hư hại trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Đầu tiên trên trái có những vết nhạt màu, về sau chuyển sang màu nâu. Vào những ngày trời lạnh, ẩm độ không khí cao thấy có nhiều tơ nấm màu trắng như mạng nhện bao phủ trên vết bệnh.
TÁC NHÂN GÂY BỆNH
Tác nhân: Nấm Phytophthora palmivora var.
Lớp Nấm tảo: Phycomycetes.
Nấm hình thành phân sinh bào tử, rất ít khi hình thành noãn bào tử. Phân sinh bào tử
đơn bào, không màu, hình trứng, có 1 núm nhỏ ở đầu. Trong nước, phân sinh bào tử tạo thành các du động bào tử, hoặc nảy mầm trực tiếp xâm nhiễm gây bệnh. Du động bào tử kích thước nhỏ hơn, hình trứng, có 2 tiêm mao để di chuyển trong nước và cũng có thể nẩy mầm gây bệnh.
Nấm tồn tại trên tàn dư cây bệnh và trong đất dạng sợi, sau đó gặp điều kiện thích hợp thì sinh bào tử để lây nhiễm bệnh.
ĐIỀU KIỆN PHÁT SINH VÀ GÂY HẠI
- Nấm gây bệnh lây lan khi nhiệt độ cao và ẩm thấp. Bệnh nặng trong mùa mưa, bào tử phát tán theo gió và nước mưa lan truyền bệnh.
- Những vườn cây trồng mật độ dày, có tàn lá rậm rạp, đất ẩm thấp đọng nước thường bị bệnh nặng.
- Vườn đất kém thoát nước, đất có khả năng giữ nước cao bệnh nặng hơn.
PHÁT HIỆN BỆNH TRÊN ĐỒNG RUỘNG
- Trên các cây thấy các cành khô chết từ ngọn vào gốc cành thường phát hiện các vết chảy gôm. Trái trên các cành này cũng thường bị bệnh.
- Trên trái phần cuống cũng dễ bị bệnh, tuy nhiên tất cả các phần trên trái đều ghi nhận triệu chứng đốm đen, sau đó trái thối khi chín.
- Trên thân và cành đều ghi nhận hiện tượng chảy gôm nhất là các phần tiếp giáp với mặt đất.
- Dưới đất, rễ cây cũng bị bệnh. Thông thường rễ chuyển màu đen và phần rễ nào bị bệnh thì tán cây phần rễ ấy cũng bị hiện tượng khô cành.
PHÒNG TRỪ BỆNH
Phòng trừ bệnh thối trái phải dùng biện pháp tổng hợp và chú trọng biện pháp canh tác, cụ thể như sau:
Trồng mới cây sầu riêng:
- Vườn trồng phải cao ráo, thoát nước tốt trong mùa mưa và cách mực nước cao nhất hằng năm từ 70-100cm.
- Chọn giống chống chịu bệnh cao làm gốc ghép.
- Trồng quá dày sẽ thiếu ánh sáng cho cây quang hợp và còn làm vườn ẩm thấp tạo điều kiện bệnh hại xâm nhiễm, lây lan. Khoảng cách 8-10m/cây.
- Tỉa cành tạo tán: Đây là công việc cần làm thường xuyên nhằm loại bỏ cành bên trong tán, cành mọc chồng chéo lên nhau, cành bị sâu bệnh…giúp cây có bộ tán thông thoáng, cân đối hạn chế đến mức thấp nhất nơi trú ngụ của dịch hại. Các cành, lá sầu riêng sau khi tỉa bỏ cần thu dọn và tiêu huỷ.
- Bón phân cân đối NPK, bón thêm phân hữu cơ, nhất là phân gà đã ủ hoai mục cho đất tơi xốp và tăng nguồn vi sinh vật đối kháng trong đất để hạn chế nấm phát triển.
- Thiết kế hệ thống tưới tiêu và thoát nước tốt để hạn chế ẩm độ cao, nhất là trong mùa mưa.
Vườn sầu riêng đang cho trái:
- Hệ thống thoát nước thật tốt để tránh thối rễ do ngập nước hay ẩm thấp.
- Dọn sạch cỏ dại để vườn cây thông thoáng khô ráo quanh gốc.
- Hạn chế di chuyển của kiến, mối,…từ đất lên thân cây.
- Phát hiện thật sớm cây bị chảy mủ. Cạo sạch vết bệnh và dùng thuốc Ridomil Gold, Aliette, Mataxyl liều lượng từ 30-50g/lít nước để quét lên vết bệnh. Có thể dùng các loại thuốc trên tưới xung quanh gốc theo liều lượng 30-50g/10 lít nước. Bơm thuốc Phosphonate vào thân cây để ngừa bệnh.
- Khi có trái, nhất là trong mùa mưa, dùng Aliette hoặc các thuốc trừ nấm: Manzate, Copper B, Mexyl –MZ... phun ướt đều lên tán lá, chùm quả, mỗi tháng phun 1-2 lần tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết hoặc áp lực bệnh.
- Treo trái sầu riêng bằng cách dùng dây nilon buộc cuống treo vào cành để khi trái chín không rụng giữ an toàn cho người và trái không bị giập nứt ảnh hưởng đến chất lượng.
- Nên thay đổi cách thu hoạch, nên thu trái từ trên cây bằng cách trèo lên cây cắt từng trái, nên cắt xa cuống, bỏ vào túi thả theo dây xuống gốc cây, có người hứng, không để trái chạm đất và xếp vào sọt có lót rơm hoặc bao. Chải sạch rửa nước rồi hong khô.
- Ngoài ra sự va chạm giữa các trái sầu riêng trong quá trình vận chuyển đến chợ sẽ làm xây xát trái, cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng nhiễm bệnh Phytophthora palmivora var. Nên cắt bẹ chuối hoặc dùng rơm, bao và lót giữa hai trái sầu riêng, điều này hạn chế sự nhiễm bệnh.
- Không để trái có dấu hiệu bệnh xen lẫn với trái không bệnh, để hạn chế sự lây lan bệnh trong quá trình vận chuyển đến chợ.
- Không nên để sầu riêng chín lâu quá mới sử dụng vì lớp vỏ sẽ tự tách, vi khuẩn dễ xâm nhập làm mất hương vị của trái.
Nguồn: http://www.mard.gov.vn