Bảo quản sữa dê

Nghe nói sữa dê tốt hơn sữa bò, vậy giống dê nào có nhiều sữa hơn cả? Chu kỳ cho sữa kéo dài khoảng bao nhiêu? Phương pháp bảo quản, chế biến sữa tươi như thế nào?

Qua phân tích cho thấy, giá trị dinh dưỡng của sữa dê tốt hơn sữa bò. Ở dê, vật chất khô (VCK) 14 – 16%, protein 4,0 – 4,5%, mỡ sữa 5,5 – 6,5%, đường 4,3 – 4,6%, khoáng 0,8 – 0,96%... Còn ở bò, VCK 11,5 – 12,5%, protein 3,0 – 3,5%, mỡ sữa 3,2 – 3,7%, đường 4,0 – 4,5%, khoáng 0,7 – 0,8%...

Sữa dê dễ tiêu hóa và hấp thu nhờ những tinh thể hình cầu trong chất béo của sữa dê rất nhỏ (nhỏ hơn 3micromet), nhỏ hơn nhiều lần so với sữa bò. Sữa dê còn có ưu điểm hơn sữa bò là không gây dị ứng, thực tế cho thấy, nhiều người uống sữa bò bị dị ứng, nhưng khi uống sữa dê họ lại không bị dị ứng. Mặt khác, trong sữa dê hầu như không nhiễm vi trùng lao, trong sữa bò thì thường có.

Sữa dê rất tốt, tuy nhiên chất lượng sữa dê còn phụ thuộc vào giống, tháng cho sữa, thức ăn và dinh dưỡng.

- Giống: Mỗi giống dê có một loại sữa với chất lượng khác nhau. Dê cỏ, tỷ lệ chất béo cao hơn sữa của một số giống dê khác. Dê Bách Thảo, lượng protein cao hơn dê cỏ... tuy nhiên, mức độ chênh lệch đó thường không nhiều.

- Chu kỳ cho sữa: Chu kỳ sữa của dê thường kéo dài khoảng 5 tháng, thì tháng đầu và tháng cuối chất lượng sữa tốt hơn sữa ba tháng giữa chu kỳ. Mặc dù 3 tháng giữa chu kỳ sản lượng sữa nhiều hơn. Ngay trong ngày cho sữa, thì sữa vắt cữ chiều cũng tốt hơn sữa vắt cữ sáng.

- Thức ăn: Thức ăn đảm bảo dinh dưỡng tốt, mới có thể phát huy phẩm chất di truyền của giống. Thí dụ, đạm trong sữa chưa đạt mức mong muốn, ta có thể bổ sung đạm vào khẩu phần thức ăn cho dê, kết quả mức đạm trong sữa cũng tăng lên.

Sữa dê tốt hơn sữa bò nên nhiều nước trên thế giới đã và đang phát triển ngành nuôi dê, kể cả những nước đã có giống bò sữa nổi tiếng.

- Phương pháp bảo quản, chế biến sữa dê

Sữa tươi rất mau hư trong nhiệt độ bình thường, vì trong sữa tươi có nhiều chất bổ dưỡng nên dễ bị nhiễm khuẩn. Để hạn chế việc nhiễm khuẩn trong sữa dê, ta nên thực hiện các biện pháp sau: Lau sạch vú dê bằng khăn sạch trước và sau khi vắt sữa; tay người vắt sữa phải được rửa sạch bằng xà bông và quần áo cũng phải sạch sẽ; vắt bỏ những tia sữa đầu; dụng cụ đựng sữa như ca, nồi, xô... trước đó phải cọ sạch bằng xà bông, tráng lại bằng nước sôi và phơi kỹ ngoài nắng.

Những dụng cụ này sau khi sử dụng xong cũng làm vệ sinh kỹ như vậy. Khăn lược sữa phải giặt thật sạch rồi đem phơi nắng, sữa dê vắt xong luộc kỹ rồi đem giao ngay cho người thu mua. Nếu không đem chưng cách thủy, để nguội, sau đó chiết sữa vào chai cho vào tủ lạnh, tốt nhất là bảo quản sữa ở nhiệt độ lạnh khoảng 5 độ C.

http://www.bannhanong.com