Sau 2 năm triển khai, dự án đã đáp ứng khá tốt mục tiêu và sản phẩm phải đạt so với thuyết minh phê duyệt và hợp đồng ký kết, cụ thể:
a) Về mức độ thực hiện nội dung và quy mô so với hợp đồng:
- Mức độ thực hiện nội dung, quy mô và sản phẩm, kết quả việc chuyển giao công nghệ so với hợp đồng:
Tiếp nhận và chuyển giao 15 quy trình công nghệ, gồm 3 quy trình nhân giống, 8 quy trình nuôi trồng (thiếu QTCN nuôi trồng nấm linh chi thu hồi bào tử), 3 quy trình chế biến và 1 quy trình xử lý bã thải sau thu hoạch. Tuy nhiên, các loại nấm kim châm, ngọc châm, đùi gà, nấm mỡ còn đang tiếp tục nghiên cứu nên chưa được triển khai nhân rộng.
Xây dựng 1 mô hình sản xuất giống nấm gồm 2.000 ống giống nấm cấp I, 4.000 ống giống nấm cấp II và 56 tấn giống nấm cấp III; 1 mô hình nuôi trồng nấm tập trung sản xuất 344,5 tấn nấm tươi/năm; 10 mô hình phân tán sản xuất 90 tấn nấm tươi/năm; 1 mô hình chế biến và sơ chế tập trung sản xuất 18 tấn muối và 10 tấn nấm mộc nhĩ, linh chi khô.
Đào tạo 4 KTV tại Hà Nội nắm vững các quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm, 6 KTV tại An Giang nắm vững các quy trình công nghệ nuôi trồng và chế biến nấm; tập huấn các quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm với 10 lớp và 300 lượt nông dân tham gia.
- Đánh giá hoạt động chuyển giao công nghệ: Giảng viên hướng dẫn nhiệt tình; nội dung đào tạo được xây dựng khoa học, trực quan; thời gian được bố trí thích hợp; phương pháp truyền đạt trực quan sinh động, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, tạo điều kiện cho học viên thực nghiệm, trực tiếp thực hiện một số khâu kỹ thuật cơ bản để nắm vững quy trình và thực hành thuần thục các động tác kỹ thuật.
- Mức độ tiếp thu, làm chủ công nghệ của cá nhân, đơn vị tiếp nhận công nghệ: Qua thực tế đánh giá thì 10 cán bộ kỹ thuật khá thành thạo về quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm, có khả năng hướng dẫn kỹ thuật cho người khác đặc biệt là nông dân; 300 lượt người dự tập huấn cũng đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi trồng nấm, trong đó có trên 10 nông hộ xây dựng mô hình nuôi trồng và sản xuất có lãi. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì còn huấn luyện được cho trên 30 lượt công nhân lành nghề làm việc tại mô hình sản xuất, nuôi trồng và chế biến tập trung.
b) Về phương pháp tổ chức, quản lý, chỉ đạo thực hiện dự án:
- Cơ quan chủ trì đã sớm thành lập Ban quản lý dự án gồm 6 thành viên theo Quyết định số 47/QĐ-DA ngày 29/4/2012 để khẩn trương triển khai các nội dung thực hiện của dự án.
- Mô hình sản suất, nuôi trồng và chế biến nấm tập trung được xây dựng tại ấp Bình Hòa, xã Mỹ Khánh, Tp. Long Xuyên thay vì ở khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành như trong thuyết minh. Điều này là phù hợp với thực tế triển khai dự án và được chấp thuận của cơ quan quản lý theo quy định.
- Trong quá trình triển khai, cơ quan chủ trì đã thông tin kịp thời, báo cáo tiến độ theo quy định và phối hợp với cơ quan quản lý giám sát định kỳ các nội dung thực hiện của dự án.
c) Về tình hình sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách và huy động kinh phí đối ứng để thực hiện dự án:
- Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách đã cấp là 4,32 tỷ đồng, Cơ quan chủ trì đã sử dụng 4,3189 tỷ đồng đúng mục đích và thanh quyết toán đúng hạn, không vi phạm nguyên tắt tài chính theo quy định.
- Về kinh phí đối ứng, cơ quan chủ trì đã sử dụng 8,1858 tỷ đồng, vượt 0,5058 tỷ đồng so với thuyết minh phê duyệt.
d) Về hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường của dự án:
- Dự án đã tạo việc làm ổn định tại mô hình sản xuất, nuôi trồng và chế biến nấm tập trung là 20 người với mức lương từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, trên 60 lao động thời vụ có thu nhập từ 2,7 - 3 triệu đồng/tháng.
- Bên cạnh đó, dự án còn tạo thêm việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động làm việc tại các mô hình phân tán cho thu nhập thêm 3 triệu đồng/tháng, gần 200 lao động thời vụ tham gia ở các mô hình phân tán cho thu nhập thêm 2,5 triệu đồng/tháng.
- Dự án đã góp phần cải thiện môi trường do tận dụng được nguồn phế phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa; góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Phế thải từ sản xuất nấm còn được sử dụng để bón cho cây trồng.