Bảng quảng cáo
PHỔ BIẾN THÔNG TIN KHCN
Điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên cát đen khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh và đề xuất hướng khai thác sử dụng
 
PGS.TS. Nguyễn Văn Lập
 
15/7/2015,
 
Tài nguyên - Môi trường
 
Viện Địa lý Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh
 
 
 
Khá
 

1. Sự cần thiết phải thực hiện đề tài:
Trong vùng ven biển tỉnh Trà Vinh, theo kết quả khảo sát sơ bộ tháng 01/2011 của Viện Địa lý Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh cho thấy cát đen được tìm thấy khá phổ biến dạng xâm tán hoặc tập trung kiểu nhiều lớp mỏng khoảng 0,4 - 2 cm ở bãi triều xã Trường Long Hòa và Dân Thành. Đặc biệt ở ấp Cồn Trứng xã Trường Long Hòa, cát đen tập trung dạng lớp với chiều dầy 15 - 35 cm và kéo dài liên tục khoảng 40 - 60 m. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng cát đen tập trung khá cao khoảng 70 - 85%. Điều nầy cho thấy tiềm năng cát đen có trong trầm tích ven biển tỉnh Trà Vinh. Vấn đề khai thác ồ ạt cát đen trên một diện tích rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên và môi trường ven biển. Nhất là khi vị trí khai thác lấn sâu vào chân đê biển, rừng phòng hộ và khu vực bãi bồi ven biển nơi sử dụng nuôi nghêu. Mặt khác đến nay, chưa có tài liệu hoặc nghiên cứu đánh giá phạm vi phân bố và hàm lượng tài nguyên cát đen khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh. Vì vậy việc điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên cát đen, đề xuất hướng khai thác sử dụng hợp lý và bảo vệ môi trường góp phần định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển là rất cần thiết.
2. Mục tiêu và nội dung nghiên cứu:
2.1. Mục tiêu:
- Nghiên cứu đặc điểm phân bố cát đen trong trầm tích ven biển tỉnh Trà Vinh.
- Đánh giá sơ bộ trữ lượng và chất lượng tài nguyên cát đen và đề xuất hướng khai thác sử dụng.
2.2. Nội dung:
- Nghiên cứu các đặc điểm địa mạo và trầm tích chứa cát đen khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh.
- Xây dựng sơ đồ phân bố cát đen khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh.
- Đánh giá sơ bộ trữ lượng và chất lượng tài nguyên cát đen.
- Nghiên cứu và đề xuất hướng khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên cát đen ven biển và bảo vệ môi trường.
3. Kết quả nghiên cứu:
Đề tài được thực hiện từ tháng 01 năm 2013 đến tháng 12 năm 2014 bằng các phương pháp nghiên cứu như: Thu thập tài liệu, khảo sát thực địa và lấy mẫu tại hiện trường (Điều tra thu thập tài liệu; Khoan, đào khảo sát các mặt cắt, vết lộ địa chất và lấy mẫu trầm tích. Lấy mẫu sa khoáng cát đen và phân tích sơ bộ tại hiện trường); Phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm (Cắt và mô tả địa tầng mẫu lõi khoan, tổng hợp tài liệu vẽ cột địa tầng lõi khoan; Phân tích môi trường trầm tích; Phân tích hàm lượng 300 mẫu trọng sa); Tổng hợp tài liệu viết báo cáo,… để thực hiện các nội dung nghiên cứu. Các số liệu được xử lý trên các phần mềm phân tích thống kê và đồ bản phù hợp nên kết quả có độ tin cậy cao.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã tổng quan được các yếu tố về tự nhiên và xã hội liên quan đến hiện trạng tài nguyên cát đen khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh. Kết quả nghiên cứu cho thấy sa khoáng cát đen có thành phần chủ yếu là magnetit, hematit, ilmenit, rutin, leucoxen, anatas và zircon, trong đó khoáng vật chứa titan là ilmenit, rutin, leucoxen, anatas và khoáng hiếm là zircon. Đã xây dựng sơ đồ phân bố cát đen ven biển tỉnh Trà Vinh tỷ lệ 1:50.000 và 8 khu vực trọng điểm tỷ lệ 1:10.000. Đặc điểm phân bố cát đen được xác định, đánh giá sơ bộ hàm lượng và trữ lượng cát đen và đề xuất hướng khai thác sử dụng hợp lý. Tổng trữ lượng sa khoáng cát đen trong trầm tích bãi triều là khoảng 505.424 tấn trong đó sa khoáng cát đen chứa titan là khoảng 168.100 tấn và zircon là 67.350 tấn. Trong 8 khu vực chứa sa khoáng cát đen có khu vực 6 và 7 thuộc ấp Cồn Tàu xã Trường Long Hòa và ấp Mù U xã Dân Thành có trữ lượng tập trung chiếm 97- 98% toàn khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh. Trên cơ sở đó tạo cơ sở khoa học cho việc định hướng khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản ven biển, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh.
 
NOFILE Download
 

Back !

Thống kê truy cập
Hiện có 165 khách Trực tuyến