Bảng quảng cáo
PHỔ BIẾN THÔNG TIN KHCN
Điều tra cơ bản, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và xác định các vấn đề ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học
 
PGS. TS. Trương Hoàng Đan
 
2018
 
Tài nguyên - Môi trường
 
Trường Đại học Cần Thơ
 
 
 
Đạt
 

Mục tiêu của đề tài nhằm khảo sát đánh giá, lập bản đồ đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (KBTTNLNH); thống kê và phân loại hiện trạng đa dạng sinh học KBTTNLNH; phân tích các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, đặc biệt là các hoạt động sinh kế nông nghiệp, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục
Qua triển khai nhóm thực hiện đã rút ra được những kết quả nghiên cứu quan trọng như sau:

- Về chất lượng đất, nước: kết quả đánh giá chất lượng môi trường đất cho thấy các thông số hóa học phản ánh chất lượng đất tại các điểm khảo sát qua các đợt thu mẫu đều ở mức khá phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây, ngoại trừ pH và hàm lượng CHC trong đất thấp. Các thông số chất lượng nước đều cho thấy có khả năng tác động tiêu cực đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật thủy sinh.

- Về hiện trạng đa dạng sinh học: kết quả khảo sát đa dạng sinh học theo mùa trên từng sinh cảnh (rừng tràm, nông nghiệp, mặt nước và đất khác) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho thấy, tuy diện tích trong khu bảo tồn tương đối nhỏ nhưng thành phần loài động thực vật tại đây rất đa dạng. Với hơn 978 loài đã được ghi nhận trong đó thực vật bậc cao có 352 loài, Nấm có 57 loài, động vật đất có 59 loài, nhóm nhện có 61 loài, côn trùng 100 loài, 13 loài thân mềm, 20 loài động vật đáy. Bên cạnh đó, kết quả còn ghi nhận được 78 loài tảo lam và 95 loài tảo lục, 75 loài cá hiện diện trên các thủy vực tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Ngoài ra cũng ghi nhận được 72 loài chim trong đó có 21 loài mới xuất hiện tại Lung Ngọc Hoàng.

Trong các loài động thực vật tìm được tại Khu bảo tồn, có đến 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới như Lúa ma (Oryza rufipogon Griff), Quao nước (Dolichandrone spathacea (L.f.) K.Schum), cá Trê trắng (Clarias batrachus), chim Điêng Điểng (Anhinga melanogaster)… Nghiên cứu cũng phát hiện 8 loài ngoại lai xâm hại đang sinh trưởng và phát triển tại Khu bảo tồn như cá Lau Kiếng (Pterygoplichthys disjunctivus), cá Trê Phi (Clarias gariepinus), ốc Bưu Vàng (Pomacea canaliculata), cỏ tranh (Imperata cylindrica (L) P. Beauv)…

- Về hiện trạng kinh tế xã hội: kết quả khảo sát điều kiện kinh tế xã hội cho thấy, sinh kế người dân ở mô hình lúa, mía đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình nuôi cá vèo. Phần lớn các hộ được phỏng vấn đều có trình độ từ cấp 1 đến cấp 2. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn ghi nhận được người dân sử dụng nhiều loại thuốc BVTV trong quá trình canh tác, trong đó có nhiều loại nằm trong mức độc hại I, II. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường cũng như hiện trạng đa dạng sinh học tại KBTTNLNH

- Về xây dựng bản đồ chi tiết hạ tầng đa dạng sinh học: đã xây dựng được 12 bản đồ chuyên đề về đa dạng sinh học và 1 bản đồ về cơ sở hạ tầng. Bộ cơ sở dữ liệu và các bản đồ chuyên đề tại Khu bảo tồn được xây dựng trên cơ sở đồ họa thể hiện sự phân bố theo dạng vùng từng sinh cảnh, theo dạng đường thể hiện tuyến bìa sinh cảnh, tương ứng thể hiện mức độ, độ lớn về số lượng thành phần loài và số lượng cá thể động thực vật. Ngoài ra, bộ cơ sở dữ liệu hạ tầng giúp cho công tác quản lý, truy cập thông tin hạ tầng thuận lợi hơn theo thời gian. Những điều này có thể hỗ trợ thuận lợi cho công tác quản lý tại Khu bảo tồn được dễ dàng hơn.

- Về triển khai tập huấn chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật phương pháp nghiên cứu: đề tài đã tập huấn về quan trắc, theo dõi thành phần loài, số lượng động thực vật, ứng dụng GIS trong quản lý, tổ chức các chuyến tham quan trao đổi kinh nghiệm giữa Ban quản lý Khu bảo tồn và Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim.
 
NOFILE Download
 

Back !

Thống kê truy cập
Hiện có 16 khách Trực tuyến