Kinh nghiệm nuôi heo nái

Như ở địa phương tôi (xã Ngọc Sơn, Thanh Chương - Nghệ An) cả làng ai cũng nuôi heo nái nổi tiếng cả một vùng. Ngoài nuôi heo thịt các hộ đều nuôi từ 1 đến 2 con heo nái. Do heo xuất chuồng đẹp lại chóng lớn nên các tay lái heo và những người dân tứ xứ thường tìm đến làng tôi mua tận nhà, ít khi dân làng tôi phải đem heo giống ra chợ bán. Tôi xin nêu một số kinh nghiệm nuôi heo nái của bà con địa phương, trong đó có gia đình tôi.

Khâu chọn con giống để làm nái:

Khâu này là quan trọng nhất. Con được chọn làm nái để sinh sản, về ngoại hình: Thân phải dài, lông thưa, có từ 10-12 vú, khoảng cách giữa vú này đến vú kia thưa và đều. Tai to, bụng phệ (bụng to), chân có móng chụm khít với nhau kiểu móng ngựa, không toè ra. Quan sát khi heo ăn không nhủi trong máng, nghe ăn bôm bốp, rung cả thân. Con heo chọn nuôi làm nái nhất thiết phải hiền từ và dạn người (để lúc heo đẻ người vào chuồng chăm sóc heo không làm dữ).
Chăm sóc thời kỳ heo chửa:

- Thời gian heo động đực từ 3-4 ngày (con động đực lần đầu 5-6 ngày). Cho heo giao phối hoặc thụ tinh vào những ngày về cuối heo thường đẻ nhiều con và nhiều con đực hơn.

- Thời gian heo mang thai là: 3 tháng 3 tuần 3 ngày (tính 1 tháng tròn 30 ngày), trước lúc heo đẻ và sau khi đã đẻ một tháng, thời gian này phải cho heo ăn tốt hơn, đủ chất, đủ lượng hơn các tháng khác. Thỉnh thoảng cho heo ăn thêm một số thức ăn như cua đồng, tôm tép, hoặc cá tạp để đề phòng heo mẹ bị bại liệt. Nếu heo đẻ nhiều con quá phải loại bớt. Thường để nuôi tính theo trọng lượng của heo mẹ tỷ lệ 10kg/1con, ví dụ: Heo mẹ có trọng lượng khoảng 100kg cần đề heo con là 10 con là vừa.

Chăm sóc heo con:

Cần nắm đúng thời gian heo đẻ để chăm sóc hỗ trợ. Heo thường đẻ vào ban đêm, thời gian đẻ khoảng 2 tiếng đồng hồ, nên người phải có mặt để heo con ra được con nào thì lấy giẻ lau sạch cho con đó, nhất là váng nhầy ở mũi và miệng, đề phòng ngạt thở. Đồng thời phát hiện con nào có răng nanh thì dùng kìm bấm răng đó đi, để khi heo con bú không làm heo mẹ đau vú (có trường hợp heo mẹ đau vú là do răng nanh của heo con gây nên, nên heo mẹ không cho bú cả đàn) làm hỏng đàn heo.

Phòng và chữa bệnh cho heo con:

Nếu nền chuồng bị ẩm ướt và không được sạch sẽ, nhất là về mùa mưa thì heo con dễ bị mắc bệnh ỉa chảy, như bệnh ỉa phân màu trắng sữa rất thối. Cần phải nhỏ thuốc phòng lúc heo mới đẻ mỗi con khoảng 14-15 giọt thuốc đặc trị như SFECTINOMCIN sáng và chiều, hai lần trong một ngày là được.
Heo con 25 ngày hoặc 1 tháng tuổi đã bắt đầu tập ăn. Những ngày đầu nên nấu cháo loãng thêm một ít đường để heo con ăn có cảm giác ngọt như sữa mẹ, heo sẽ ăn được nhiều hơn.

Khi heo ăn ngày càng được nhiều cần bổ sung thêm thức ăn cám con cò, có thể 30gam đến 50gam cho một con 1 ngày (tăng dần theo thời gian).
Sau 2 tháng tuổi heo con đạt trên 10kg con. Lúc này tách khỏi heo mẹ và đã có thể xuất chuồng, để heo mẹ động đực lại và mang chửa lần khác. Thời gian này cần chú ý, nếu heo con ỉa phân nhão có thể bị giun sán cần phải tiêm hoặc cho uống thuốc tẩy giun để chống heo bị còi cọc, chậm lớn.