Hướng đi mới cho nông dân nuôi heo

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên heo ngày càng phát tán mạnh làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của đàn heo và giá heo hơi. Thêm vào đó, giá thức ăn chăn nuôi thì không hề giảm. Chính vì vậy, người chăn nuôi heo bị lỗ gặp phải rất nhiều. Tuy nhiên, cách nuôi heo của anh Võ Quang Tân ở Khu phố 2- Thị trấn Chơn Thành, Bình Phước chưa bao giờ bị lỗ, ngược lại cách làm của anh rất đặc biệt, có thể là kinh nghiệm cho nhiều người học tập.

huongdi.bmpTham gia quân ngũ 3 năm, anh lính trở về đời thường làm kinh tế với hai bàn tay trắng. Chỉ có số tiền dành dụm ít ỏi cùng vốn kinh nghiệm chăn nuôi heo có được lúc còn làm Tiểu đội trưởng chăn nuôi ở Cục Hậu cần, cộng thêm bản tính thích chăn nuôi, trồng trọt để gần gũi gia đình. Năm 2003, anh đã quyết định gầy dựng cơ nghiệp bắt đầu từ 5 con heo nái và chuồng trại đơn sơ. Lấy ít nuôi nhiều, chịu cực vượt khó anh đã nuôi thành công, chưa một lần thất bại cho đến nay. Hiện tại, anh đã gây dựng được 15 nái và hệ thống chuồng trại rất sạch sẽ, thoát nước tốt. Mỗi bầy heo con xuất chuồng ít nhất bán được 2,5 triệu, trừ chi phí sản xuất thu lãi bình quân một năm gần 100 triệu đồng.

Không chỉ nuôi heo, mà anh còn tìm hiểu qua sách báo, đài, truyền hình thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng tre lấy măng. Đây là loại cây trồng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc nên không mất nhiều thời gian. Đầu ra của sản phẩm măng có thể bán ngay tại địa phương. Chính vì vậy, thu nhập từ tre sẽ ổn định hơn các loại cây khác. Năm 2006, anh đã tự mình nhân giống tre tàu từ vườn của gia đình ra 200 gốc. Tận dụng phân heo đem ủ hoai để bón lót cho tre. Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, cứ cách ngày lại có thương lái vào thu mua măng một lần khoảng 250kg, với giá chỉ 2.300đ/kg, mỗi ngày cũng được gần 600 nghìn đồng, tính ra một năm thu được 50 triệu đồng từ việc bán măng, trong khi chẳng phải bỏ ra chi phí gì, chỉ lấy công làm lãi.

Khi được hỏi về bí quyết để nuôi heo nái thành công, anh cho biết: Muốn nuôi heo nái tốt, đầu tiên phải chọn giống tốt sạch bệnh. Anh thường mua heo giống ở Trại giống có uy tín nên đã được tiêm Vacxin phòng bệnh. Sau đó lại tuyển chọn heo giống từ đàn heo của Trại như xem chân, chọn vú qua 2 - 3 giai đoạn mới tìm ra được giống tốt. Gần như năm nào, cũng xảy ra dịch tai xanh, lở mồm long móng hay tiêu chảy, dịch cúm,... Nhưng chuồng heo nhà anh chưa khi nào bị dịch bệnh. Anh rất kỹ tính về việc bảo vệ sức khỏe cho đàn heo. Chúng tôi có đọc thấy cách chuồng heo khoảng 5m, có một bảng cắm “Không phận sự miễn vào”. Đến nỗi, việc nuôi heo chỉ có mình anh đảm nhiệm, ngoài ra trong gia đình không ai được phép tới. Gia đình anh, cũng rất ít khi mua thịt heo ở chợ về ăn, vì sợ gieo bệnh cho đàn heo nhà. Anh nói, đôi lúc cũng làm phật lòng bạn bè tới chơi nhưng mọi người phải thông cảm, vì đó là cả cơ nghiệp của anh.

Ngoài việc quản lý được dịch bệnh bằng cách hạn chế tối đa người ra, vào khu vực chăn nuôi, anh còn thường xuyên vệ sinh chuồng trại luôn sạch sẽ, rắc vôi sát trùng toàn bộ 1 tuần/lần.

Có thể nói mô hình nuôi heo nái, trồng tre lấy măng của anh Tân đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập gần 150 triệu/năm với diện tích 1ha. Ở mô hình này, anh đã biết kết hợp hiệu quả giữa sử dụng phế phụ phẩm từ gia súc để làm thức ăn cho cây trồng, làm giảm chi phí bón phân, không gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, tỉnh Bình Phước là tỉnh có thị trường tiêu thụ rau rất tiềm năng. Do đặc thù nông nghiệp phát triển cây công nghiệp, chưa chú trọng nhiều đến trồng rau an toàn. Nên măng tre có thể được coi là nguồn rau tự nhiên an toàn và sạch cho cuộc sống của chúng ta. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi và giá heo thịt lên, xuống thất thường thì việc nuôi heo nái kết hợp trồng tre lấy măng là rất nên nhân rộng. Tuy nhiên, nhân rộng như thế nào là đặc thù của mỗi địa phương, tùy thuộc vào kinh tế gia đình, thị trường bao tiêu sản phẩm và nguồn nhân lực của nông hộ để mỗi bà con có thể chọn cho mình một phương thức sản xuất phù hợp.

                                                                                                                                                                 Nguồn khuyennongvn.org