Những phương thức chăn nuôi vịt mới

Trước những khó khăn của người nuôi vịt, TS. Bùi Xuân Mến giới thiệu các giải pháp như sau:

Nuôi nhốt kết hợp chăn thả: phương pháp này, đặc biệt áp dụng vùng ven biển để nuôi vịt đẻ trứng ăn. Vịt nuôi nhốt trên bờ kênh, có lối cho vịt xuống nước. Thức ăn chủ yếu là lúa, hến (cào từ biển). Vào thời điểm vịt đẻ, người dân tận dụng đầu, ruột cá chế biến cho ăn. Giống vịt tàu địa phương, siêu trứng, giống lai hướng trứng được chọn nuôi. Vào mùa thu hoạch lúa thì thả vịt ra đồng.

Nuôi nhốt vịt: không có đồng chăn thả, có thể nuôi nhốt vịt hoàn toàn. Tuy nhiên cần cân nhắc kỹ vì mua thức ăn hoàn toàn, vịt tiêu tốn thức ăn nhiều hơn và có hệ số chuyển hóa thức ăn cao hơn gà nên giá thành cao. Trong tình hình có dịch cúm, nuôi nhốt kiểm soát tốt, người chế biến và người tiêu dùng an tâm hơn. Giống vịt nuôi nhốt hiệu quả hiện nay không dễ mua số lượng lớn, như vịt xiêm. Giống vịt lai ngày càng thoái hóa, năng suất và chất lượng thịt không cao.

Chăn nuôi vịt - cá kết hợp: thường áp dụng tốt cho trại vịt giống sản xuất con lai nuôi thịt. Chăn nuôi vịt trên ao cá, phân vịt cá ăn hoặc giúp phát triển nguồn sinh vật thủy sinh làm thức ăn cho cá. Giảm chi phí dọn chuồng, cung cấp nước uống. Nguồn nước ao là nơi vịt điều hòa thân nhiệt, nuôi ao thuận lợi việc phối giống. Vấn đề là phải giải quyết nước thải trong ao. Đây là phương pháp được khuyến cáo ở nhiều tỉnh, đàn vịt kiểm soát tốt.

Nuôi chung thả lan: thường những hộ có diện tích nhỏ nuôi từ vài con đến cả trăm con, nuôi chung gồm vịt xiêm, vịt ta, vịt tàu, cũng có khi nuôi vịt chung với gà trong sân vườn. Ăn chung rồi tự phân nhóm “sinh hoạt”. Phương pháp nuôi này tận dụng thức ăn thừa, phụ phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gia đình hoặc bán ở chợ nhỏ khi cần tiền. Cách nuôi này không được khuyến cáo, nuôi chung nhiều loại dễ lây lan bệnh cho nhau, khó áp dụng biện pháp nuôi dưỡng thích hợp, hiệu quả chăn nuôi thấp.

Theo Web báo Khoa học phổ thông