Vĩnh Long: Đem gà h’mông về đồng bằng

Gà H’Mông là giống gà của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nuôi. Loại gà này là thịt có màu đen, chân đen, xương cũng đen như gà ác, con lớn nhất cũng chỉ 2 kg. Gần đây một số hộ dân ở xã Chánh An (Mang Thít - Vĩnh Long) mang giống gà H’Mông (đọc là Hơ Mông) về nuôi thử và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Người mang giống gà H’ Mông về đồng bằng

Đó là chú Nguyễn Văn Lai (ấp Chánh Hòa, xã Chánh An, Mang Thít), một nông dân rất mê nuôi gà. Chú Lai cho biết, trước đây chú nuôi gà Lương Phượng, công nghiệp, tàu thả vườn... nhưng do tình hình dịch bệnh liên tiếp xảy ra, giá cả lại không ổn định nên chú phải mất ăn mất ngủ và sau nhiều đợt xuất chuồng chú còn bị lỗ vốn. Vốn “nặng nợ” với con gà, chú Lai bỏ ra nhiều công sức đi tìm giống gà mới để thay thế, nhưng vẫn chưa có...

Một lần nghe người ta bảo muốn gì “lên mạng” tìm thì có hết, chú liền “nhảy lên mạng” để tìm giống gà mới. Hăng hái lên mạng nhưng mù vi tính nên chuyện “nhảy lên mạng” tạm xếp lại, chờ chú đi học vi tính. Có chút ít kiến thức về vi tính, chú Lai thường hay “lang thang trên mạng” và trong một lần tình cờ chú phát hiện giống gà H’Mông của người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Chú Lai bắt đầu tìm hiểu thêm giống gà này qua sách báo, tài liệu có liên quan và biết được điểm bán giống ở tận ngoài Hà Nội.

Đường xa không ngăn được bước chân người nông dân có cơ duyên với những chú gà. Hồi tháng 4, chú Lai gom góp được một ít vốn rồi quyết định khăn gói mua vé tàu hỏa ra Hà Nội. Chú Lai cười, kể lại: Bà con ở địa phương biết được ý định đi Hà Nội tìm gà H’Mông mua về nuôi của chú, ai cũng nói chú “ngông”. Loại gà này sống ở vùng rừng núi, mang về biết nó có thích nghi với thổ nhưỡng của đồng bằng không. Bà con nói cũng có cơ sở, chú cũng lo lắm, nhưng lòng đã quyết rồi thì phải làm. Từ trước đến nay, chú chỉ biết Hà Nội qua tivi. Bây giờ khăn gói đến đó, thấy cái gì thấy cũng lạ huơ lạ hoắc. Chú đón xe mấy lượt mới tới được điểm bán gà giống. Lúc đó, giá gà giống vài tuần tuổi tới 15.000 đ/con, nhưng ra tới đây rồi, đành bấm bụng làm liều rinh về 3.000 con. Vậy là chú đem hơn 45 triệu đồng đưa vào “canh bạc gà H’Mông” với niềm tin nuôi thử thành công.

“Làm luôn Câu lạc bộ nuôi gà H’Mông!”

Khi đi vào thực tế nuôi giống gà lạ nước lạ cái này, chú Lai càng lo hơn vì không có kinh nghiệm, chỉ được người bán hướng dẫn qua loa. Ngành chăn nuôi địa phương cũng còn mơ hồ về giống gà này nên chú vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Chú Lai cho biết: “Gà H’Mông quen với khí hậu núi rừng nên những ngày đầu về nó bị “chói nước”, hao hớt một phần nhưng sau này, gà dần dần quen và phát triển nhanh như gà ta mình vậy”. Rồi nỗi lo khác lại đến, bởi gà lớn lên có hình dạng rất xấu, chân đen, thịt cũng một màu đen thui, bà con lại cười cho rằng giống gà này khó tiêu thụ. Nhưng, lo thì lo, chú có niềm tin khác.

Gà đến lứa xuất chuồng, chú Lai mang gà ra chào hàng các nhà hàng lớn ở Vĩnh Long. Nhờ chất lượng thịt gà săn chắc, da dày giòn ngon hơn loại gà khác, nên nhà hàng chấp nhận. Hiện giá gà H’Mông khá cao từ 70.000 – 80.000 đ/kg. Ở các nhà hàng, quán nhậu, gà H’Mông đang có tiếng khi được chế biến thành món nướng, hấp hành... và được thực khách ưa chuộng.

Chú Lai cũng chia sẻ kinh nghiệm: Gà H’Mông giống như động vật hoang dã, cơ thể đề kháng rất mạnh, nên ít bị bệnh. Thức ăn của gà chủ yếu là tấm cám, bắp, cỏ ngoài thiên nhiên. Trung bình gà 4 tháng tuổi đạt trọng lượng từ 1 – 1,2 kg/con là có thể xuất chuồng được. Song để nuôi gà H’Mông đạt hiệu quả cao, thì cũng cần diện tích đất khá rộng, có cây tre mát để tạo môi trường sống như ngoài thiên nhiên...

Do gà giống khan hiếm, chủ yếu mua từ Hà Nội nên vận chuyển khá vất vả. Để có nguồn giống tại chỗ, chú Lai tuyển chọn 200 gà bố mẹ để nhân giống cung cấp cho bà con có nhu cầu nuôi. Nhà chú Lai trở thành điểm thu mua gà H’Mông thịt của bà con. Bình quân mỗi tháng chú Lai cung cấp trên 400 con gà thịt cho các nhà hàng ở Vĩnh Long.

Thấy nuôi gà H’Mông có hiệu quả kinh tế, nhiều bà con địa phương đến học hỏi và mua con giống về nuôi thử. Anh Nguyễn Hữu Thông (ấp Chánh Hòa, Chánh An) nuôi 400 con gà H’Mông vừa mới xuất chuồng xong, lời gần chục triệu đồng. Sau đợt gà này, anh Thông đang chuẩn bị mở rộng chuồng để nuôi thêm gà. Hiện nhiều người ở địa phương khác cũng đến tham quan mô hình nuôi gà H’Mông ở xã Chánh An của chú Lai.

Được biết chú Lai hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi gà H’Mông ở xã Chánh An gồm 6 thành viên. Tuy nhiên, chú Lai cũng khuyến cáo việc mở rộng phát triển giống gà này ở đồng bằng cũng cần cân nhắc vì nuôi lâu có thể phát sinh dịch bệnh và nghiên cứu kỹ cung cầu thị trường, để không bị ép giá.

                                                                                                             http://www.vietlinh.vn/