Những bệnh thường gặp trên ếch nuôi
Hiện nay nuôi ếch ở qui mô hộ gia đình khá phổ biến ở ĐBSCL. Nuôi ếch đồng đã đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà nông, giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, cũng nhiều người do nuôi theo phong trào, ít kinh nghiệm nên đã thất bại do dịch bệnh. Khi xảy ra dịch bệnh người nuôi cũng không biết bệnh gì và cách điều trị ra sao. Xin giới thiệu nguyên nhân và một số loại bệnh hại chính khi nuôi ếch.
Những nguyên nhân chính dẫn đến ếch bị bệnh:
- Môi trường nuôi không tốt: Đây là yếu tố rất quan trọng dẫn đến việc nuôi ếch thành công hay thất bại. Các yếu tố môi trường như đất (đất phèn), nước bị ô nhiễm sẽ là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh. Thời tiết quá nóng hay quá lạnh cũng là nguyên nhân bất lợi đến sinh trưởng của ếch.
- Ao nuôi ếch bị nhiễm bẩn do nhiều nguyên nhân nguồn nước lấy vào không tốt, phân ếch thải ra, thức ăn thừa không được lấy đi hàng ngày.
- Mật độ nuôi quá cao: Nuôi với mật độ quá dày làm cho môi trường nhanh bị ô nhiễm, ếch cạnh tranh nhau về thức ăn, chỗ ngủ theo hướng bất lợi cho cả bày đàn.
- Thức ăn kém chất lượng: Thức ăn chất lượng kém làm ếch còi cọc, tăng trưởng chậm, sức đề kháng kém. Thức ăn bị thiu thối, ẩm mốc sẽ chứa nhiều loại vi sinh vật gây bệnh cho ếch.
- Con giống chất lượng kém: Nhiều người nuôi ếch không thành công là do mua con giống ở những cơ sở không có uy tín. Con giống kém cũng là nguyên nhân rất đến thất bại khi nuôi ếch.
Những loại bệnh chính:
1. Bệnh lở loét, đỏ chân: Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Khi môi trường nước nuôi ếch bị ô nhiễm thì loài vi khuẩn này sẽ phát triển rất mạnh và gây bệnh cho ếch. Ếch bị bệnh sẽ xuất hiện những nốt chấm đỏ trên thân, gốc đùi có tụ huyết, chân bị sưng, ếch bỏ ăn, chậm di chuyển, lờ đờ, giải phẫu thấy có hiện tượng xuất huyết trong ổ bụng, trong xoang bụng thường thấy máu và dịch lỏng màu vàng. Khi dịch bệnh xảy ra, nếu không có biện pháp phòng trị kịp thời ếch sẽ chết hàng loạt.
Phòng bệnh này bằng cách thường xuyên kiểm tra môi trường nước nuôi, nếu thấy nước dơ cần thay ngay bằng nước sạch, nuôi mật độ vửa phải, không gây ồn ào khiến ếch bị sốc. Bổ sung N9.100, Vitamin C Antistress vào thức ăn của ếch để tăng sức đề kháng. Trị bệnh: Phát hiện bệnh sớm, điều trị sẽ rất hiệu quả. Dùng kháng sinh Kamoxin F, Oxytetracycline (3-5 g/kg thức ăn) hoặc Doxery trộn vào thức ăn dùng liên tiếp 5 - 7 ngày. Ngâm ếch trong dung dịch Vime - Iodine 200 1 lít cho 500 - 700 m3/ 30 phút.
2. Bệnh chướng hơi: Thường xảy ra với ếch ở giai đoạn nhỏ, nguyên nhân là do ếch ăn không tiêu hóa được, ăn quá nhiều. Do thức ăn bị ôi thiu, nguồn nước bị dơ cũng làm ếch bị trướng hơi sình bụng.
Khi bị trướng hơi thấy bụng ếch phồng lên, nằm yên một chổ, vận động khó khăn. Một số con có hậu môn lòi ra, ruột bị sưng lên, mỏng và có màu đỏ. Trong ruột có dịch lỏng có lẫn một ít thức ăn. Phòng bệnh này bằng cách vệ sinh kỹ môi trường nuôi, cho ăn thức ăn đảm bảo vệ sinh, chất lượng. Nên cho ăn nhiều lần trong ngày, không nên cho ăn quá dư thừa. Nên sử dụng thức ăn chuyên dùng cho ếch có hàm lượng protein cao, dễ tiêu hóa hơn so với các chất tinh bột trong thức ăn cho cá. Thức ăn phải được bảo quản kỹ không bị ẩm mốc, hôi thối, không quá hạn sử dụng. Sau khi cho ăn 4 – 6 giờ phải dọn sạch thức ăn thừa, vệ sinh sàn ăn và phơi cho khô ráo. Định kỳ trộn các men (enzymes) tiêu hóa vào thức ăn của ếch (2 - 3 g men Lactobacillus trong 1 kg thức ăn). Thay nước thường xuyên và giữ nước nuôi sạch. Khi thấy ếch bị bệnh thì ngưng cho ăn 1 - 2 ngày, làm vệ sinh thật kỹ môi trường nuôi. Trộn vào thức ăn Anti - Red và Trimesul, V 200 cho ăn liên tục 5 ngày.
3. Bệnh phù mắt, quẹo cổ:
Có thể do vi khuẩn Pseudomonas sp gây ra.
- Khi ếch bị bệnh có triệu chứng mắt có mủ ở mí mắt, mắt bị viêm sưng, trắng đục. Thông thường xảy ra trên một mắt trước rồi sau đó lây qua mắt còn lại làm mù cả hai mắt.
- Cột sống bị biến dạng làm cho cổ quẹo, thân hơi cong nghiêng, ếch không bơi lội được bình thường mà chỉ xoay tròn hoặc nằm ngữa bụng. Ếch bị bệnh không ăn mồi được và chết sau vài hôm.
Phòng bệnh bằng cách trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn để phòng vi khuẩn xâm nhập. Cô lập ao nuôi bị bệnh, nếu bị nặng thì có thể hủy bỏ để khỏi lây lan sang ao nuôi khác.
Điều trị bệnh bằng cách loại bỏ những con đã mắc bệnh. Khử trùng ao nuôi bằng Iodine (PVP Iodine) liều lượng 5 -10 ml/m3 nước hoặc dùng Vetidine (3-7 ml/m3) nước tạt khắp nơi trong ao, bể, sau 6 giờ thay nước và bón vôi bột (10g/m3) xử lý liên tục 3 – 4 ngày. Những con bị nhẹ có thể tắm bằng nước muối 2% trong vòng 10 phút.
4. Ếch ăn nhau
Thường xảy ra khi thiếu thức ăn, thức ăn không đủ chất lượng và nuôi quá dày, kích cỡ nuôi không đồng đều. Khi đói những con ếch to có thể ăn thịt những con nhỏ hơn.
Phòng chống hiện tượng này bằng cách nuôi với mật độ vừa phải, cho ăn đủ lượng và đủ chất, chia đều trong ngày không để ếch bị đói. Khi ếch có chênh lệch kích cỡ thì phân đàn, chọn những con cùng cỡ nuôi chung một bể.
Nguồn www laođong.com.vn
Các bài viết khác...
- - Mô hình nuôi nhím trong hộ dân ở thành phố
- - Mô hình nuôi tắc kè hoa của một nông dân
- - Cà Mau: Đột phá lúa – tôm
- - Kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang và hổ trâu
- - Nuôi lợn tập trung an toàn sinh học
- - 6 bệnh ở thỏ
- - Nuôi nhím làm giàu
- - Qui trình công nghệ chế biến rơm theo phương pháp đóng bánh
- - Mô hình nuôi dê - cá an toàn sinh học
- - Kinh nghiệm thuần dưỡng và thả giống lươn
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...