Mô hình nuôi nhím trong hộ dân ở thành phố
Nhím nguyên là động vật hoang dã, mươi năm lại đây một số cơ sở thuần dưỡng thành “nhím nhà” như một loại vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao. Những mô hình thành công nuôi nhím bao gồm nuôi trang trại ở đồi núi, thôn quê, thành phố và cả ở các hộ nuôi một hai cặp. Nhiều hộ dân thành thị cũng đã thành công nuôi nhím trong các ô chuồng nhỏ trong khuôn viên gia cư, kể cả đặt chuồng nhím trên sân thượng.
Cặp nhím sinh sản, nhím cái có dấu sơn
Những mô hình từ thực tế
Hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh có vài mô hình nuôi nhím. Là nghề mới, thông tin đến với người nuôi chỉ là truyền khẩu. Trang trại nuôi nhím để bán giống cho rằng nuôi nhím quá dễ, chi phí thức ăn, chuồng trại và cả công lao động ít, dễ tiêu thụ sản phẩm. Trường hợp Trại chăn nuôi động vật hoang dã Ba Huệ, 31 tỉnh lộ 9, ấp 1, Bình Mỹ, Củ Chi có mặt bằng, trang trại lớn, vốn và phương tiện đủ, cho dù nhím con chưa bán được thì nuôi tiếp, càng lớn càng có giá (cặp nhím giống nhỏ hơn chục triệu, cặp lớn hai mấy triệu, cặp nhím có chửa ba mấy triệu) “vốn vẫn sinh lời đều đều”. Bà Nguyễn Thị Bình, cán bộ hưu trí ở Q.4, đã nuôi nhím trong nhà nửa năm cho biết: nuôi một cặp nhím không có gì khó, chỉ cần siêng ra chợ “chồm hổm” lượm rau củ quả phế thải, dành cơm nguội cho nhím là nuôi được. Vợ chồng tài xế Hoàng Văn Kha, Q.7, vừa bắt hai cặp nhím có chửa về nuôi. Sau khi cân nhắc rất kỹ về vốn, mua hai cặp nhím giống hơn 60 triệu đồng (đã mang thai) chưa tính chi phí chuồng trại. Vốn quá lớn biết đến bao giờ mới thu hồi? Chật chội, chuồng hai cặp nhím nằm trong rẻo đất đuôi nheo kẹp giữa hai hộ, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 1 m. Từ hôm bắt nhím về, vợ chồng cứ ngay ngáy lo cái mùi khăn khẳn chuồng nhím ảnh hưởng không khí trong nhà và hàng xóm, 10 giờ đêm phải dội nước chuồng lần cuối, đóng cửa sổ thông qua chuồng nhím mới đi nằm. Ngày nào đi làm về Kha cũng chở về một bịch vỏ dừa hơn chục trái, còn vợ anh phải dành ra nửa giờ để gọt vỏ, chẻ tư chẻ tám sọ dừa cho nhím cạp… Anh chị Kha còn hàng chục cái lo chưa rõ khác về cặp nhím sắp sinh, tốn mấy chục cuộc điện thoại đến trại cung cấp giống vẫn chưa yên tâm. Có lúc phải dong xe cả ngày xuống Củ Chi để hỏi kinh nghiệm.
Nhiều yêu cầu kỹ thuật cần đảm bảo
Nhím khá hiền, thích sống yên tĩnh giống như thỏ. Do có bộ lông nhọn, cứng như những mũi tên, khi bị chọc giận xù lên là chó cũng phải khiếp. Vị trí đặt chuồng nuôi nhím ở chỗ càng ít tiếng động, càng ít có người dòm ngó hay súc vật qua lại càng tốt. Có mặt bằng thì xây trại nuôi nhím lợp bốn bề, nóc thông gió theo hướng khí sinh học (hút lên) và lấy ánh sáng gián tiếp vào các ô chuồng như mô hình của ông Ba Huệ (31, ấp 1, Bình Mỹ, Củ Chi). Nên xây chuồng nhím bằng gạch, tô hồ mác cao phòng nhím cắn phá vách chuồng. Diện tích các ô chuồng nuôi nhím lọt lòng 1,2 x 1,5 m đủ cho một cặp nhím bố mẹ. Diện tích như vậy có thể nuôi 4 - 6 nhím thương phẩm; khi còn nhỏ 6 con, lớn 4 con là vừa. Nếu chỉ xây vài ba ô chuồng nuôi nhím nhỏ lẻ vẫn phải đảm bảo các ô chuồng “nửa sáng nửa tối”, tránh ánh nắng trực tiếp, tránh nóng, tránh mưa tạt, bảo đảm thoáng mát, nền chuồng khô sạch. Xây vách các ô chuồng bằng gạch chỉ, khi xây chừa các lỗ thông thoáng gió cách mặt sàn 10 -15 cm. Vách ô chuồng cao 0,8 - 1 m là vừa. Dùng vật liệu lợp 2/3 ô chuồng phía trong, 1/3 còn lại làm sân ăn có nắp đậy bằng lưới chống đạn B40 để nhím không thoát ra ngoài. Nền chuồng đúc bằng bê tông, bề mặt gia cố không trơn, không thấm và không đọng nước. Có thể làm sàn chuồng bằng gạch men không quá bóng, độ nghiêng khoảng 3 - 5% hướng ra cửa, nối với máng tiêu nước và gom chất thải. Ngoài sân chuồng xây máng dài 40 cm, rộng 20 cm, cao 20 - 25 cm có vách ngăn làm hai, nửa nhỏ chứa nước uống, nửa lớn đựng thức ăn. Trong chuồng nên để một khúc gỗ hoặc cục gạch, cục đá gan gà, đá liếm, xương trâu, bò để tăng vi lượng và cho nhím mài răng.
Nhím thuộc loài gặm nhấm, ăn tạp, ngủ ngày, ăn đêm. Thức ăn của nhím là các loại ngũ cốc (lúa, khoai, bắp, đậu); các loại rau củ quả (kể cả rễ, thân, lá quả), khô dầu dừa, đậu phộng. Nhím rất thích cơm dừa tươi, bí rợ, cà rốt, khoai lang và cám viên hỗn hợp – loại cám heo. Định lượng phần ăn được thức ăn trung bình 2 kg thức ăn/con/ngày.
Khẩu phần thức ăn cơ bản hàng ngày cho mỗi con nhím có thể tham khảo (tính theo kg) (rau, củ, quả + cám viên hỗn hợp + lúa, bắp, đậu các loại + khô dầu, dừa, đậu phộng):
- Nhóm 1 - 3 tháng tuổi: 0,3 + 0,01 + 0,01.
- Nhóm 4 - 6 tháng tuổi: 0,6 + 0,02 + 0,02 + 0,01.
- Nhóm 7 - 9 tháng tuổi: 1,2 + 0,04 + 0,04 + 0,02.
- Nhóm 10 - 12 tháng tuổi: 2 + 0,08 + 0,08 + 0,04.
- Nhóm trên 12 tháng tuổi: 2 + 0,10 + 0,10 + 0,05.
Nhím cần trung bình 200 ml nước uống/con/ngày.
Về bệnh tật, qua ghi nhận các trại rất ít nhím bị bệnh, cả năm chỉ một vài ca nhím bệnh. Xin tham khảo kinh nghiệm xử lý bệnh nhím của trang trại nhím Ba Huệ: nhím có thể bị bệnh tiêu chảy nếu thức ăn không cân đối và mất vệ sinh; trường hợp này dùng một hay vài thứ: lá ổi, trái ổi xanh, trái sung, lá sapô, cà rốt, rễ rau, rễ dừa cho mhím ăn sẽ hết tiêu chảy sau vài giờ. Bệnh thứ hai dễ gặp là nhặm mắt; dùng thuốc nhỏ mắt của người nhỏ ngày 2 lần sẽ hết trong 1 - 2 ngày. Bệnh phù đầu sưng mặt, dùng nước cốt hoặc thuốc viên xuyên tâm liên cho uống. Bệnh ký sinh trùng ngoài da do ve, mò cắn gây nên ghẻ lở, dùng thuốc bôi.
Để đảm bảo vệ sinh, cần cọ rửa quét dọn sạch sẽ sàn chuồng ngày 2 lần.
Theo: www.khoahocphothong.com.vn
Các bài viết khác...
- - Mô hình nuôi tắc kè hoa của một nông dân
- - Cà Mau: Đột phá lúa – tôm
- - Kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang và hổ trâu
- - Nuôi lợn tập trung an toàn sinh học
- - 6 bệnh ở thỏ
- - Nuôi nhím làm giàu
- - Những bệnh thường gặp trên ếch nuôi
- - Qui trình công nghệ chế biến rơm theo phương pháp đóng bánh
- - Mô hình nuôi dê - cá an toàn sinh học
- - Kinh nghiệm thuần dưỡng và thả giống lươn
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...