Chăn nuôi gia cầm trong chuồng kín

Chăn nuôi gia cầm trong chuồng kín là một giải pháp góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa. Ðây là phương thức chăn nuôi tiên tiến đang được ứng dụng tại nhiều địa phương trong nước, nhất là tại một số tỉnh miền Ðông Nam Bộ như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai...

chuongkin.bmp

Chủ trang trại nuôi gà tại ấp Bình Trung, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu, Ðồng Nai) Nguyễn Văn Ngọc khẳng định, người chăn nuôi thu nhập ổn định không kể thời tiết và mùa vụ là hiệu quả nổi bật của chăn nuôi trong chuồng kín. Ðây là một loại chuồng kiên cố, xây bê-tông, khung sắt, mái tôn cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài; trang thiết bị phục vụ chăn nuôi, từ hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống, điều hòa nhiệt độ... đều được cài đặt tự động theo độ tuổi của gà. Gà nuôi trong chuồng kín được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài nên không bị tác động bởi nhiệt độ và thời tiết của môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại khá cao, thấp nhất cũng 500 triệu đồng, cao nhất đến hơn một tỷ đồng cho mỗi nhà nuôi 10.000 con gà thịt, gấp từ hai đến năm lần đầu tư chuồng hở. Ðể tiết kiệm chi phí ban đầu, anh Ngọc chọn loại chuồng thiết kế hai tầng và đầu tư bảy tỷ đồng, xây bốn dãy trại nuôi tổng cộng 120 nghìn con gà thịt. Khi chuồng trại hoàn thành, anh ký hợp đồng nuôi gia công với Công ty TNHH Emivest Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn Ma-lai-xi-a tại Khu công nghiệp Trảng Bom. Theo hợp đồng, phía đối tác cung cấp con giống, thực phẩm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và chịu trách nhiệm thú y. Sau 45 ngày, trại giao lại trọng lượng gà tương ứng với số lượng thực phẩm đã nhận và được trả công nuôi 4.000 đồng/con. Tất nhiên hợp đồng còn có điều khoản thưởng phạt sòng phẳng. Và anh đã thực hiện đạt hầu hết những thông số kinh tế kỹ thuật do đối tác đưa ra ngay từ hợp đồng đầu tiên, như trọng lượng xuất chuồng đạt từ 2,5 kg đến 2,8 kg/con, tiêu tốn 2 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng, tỷ lệ hao hụt 5%, tỷ lệ gà còi 1%... Khi được hỏi về hiệu quả, anh cho biết, quan trọng nhất là không sợ dịch bệnh yên tâm sản xuất, mỗi năm bốn lứa tổng cộng gần một triệu con, thu nhập ổn định 1,5 tỷ đồng, đạt tỷ suất lợi nhuận bình quân 30% một năm. Hiện tại anh đang đầu tư xây mới hai dãy chuồng, nâng tổng đàn lên 50%.

Chúng tôi cũng gặp anh Âu Thành Long, chủ trang trại 130 nghìn con gà thịt cũng ở tại ấp Bình Trung, huyện Vĩnh Cửu khẳng định hiệu quả đầu tư phụ thuộc rất lớn vào trình độ tiên tiến của công nghệ chăn nuôi. Do đó, khi chuyển sang chăn nuôi chuồng kín, anh không nóng vội đầu tư ồ ạt mà tập trung vốn và vay thêm ngân hàng, đủ để đầu tư hiện đại một chuồng 1.400 m2, nuôi 16.000 con, có tích lũy mới từng bước phát triển dần. Nhờ vậy, sau sáu năm tổ chức chăn nuôi, chuồng trại vẫn sử dụng tốt, chẳng xảy ra dịch bệnh. Ðặc biệt, trại của anh Long đạt được những thông số kinh tế, kỹ thuật chăn nuôi như tại trại của Thái-lan, gà 42 ngày trọng lượng 2,6 kg, tiêu tốn 1,8 kg thức ăn cho một kg tăng trọng, tỷ lệ hao hụt chỉ 3%, độ đồng đều 98%, tốc độ tăng trọng bình quân hằng ngày 62 g, chi phí vắc-xin và thuốc khoảng 700 đồng/con/lứa. Ở Ðồng Nai, trại Tân Hiệp Phát (khu Quảng Ngãi, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) của ông Mai Ðình Phồn và trại của ông Trần Bá Tiến (ấp Tân Lộc, xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) cũng đã được đầu tư dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại, có hệ thống điều khiển tự động, kết nối với máy tính trung tâm tại văn phòng... trị giá hàng chục tỷ đồng, sản xuất mỗi năm gần một triệu con gà thịt và hơn 25 triệu quả trứng chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ðể tạo được vốn đầu tư, cả hai ông đã tìm được sự trợ giúp của một doanh nghiệp Thái-lan đứng chân tại địa bàn và họ sẽ thu hồi dần vốn bằng sản phẩm.

Giảm ô nhiễm môi trường cũng là một thế mạnh của chăn nuôi chuồng kín. Theo anh Âu Thành Long, nhờ hệ thống máng ăn uống tự động, hệ thống máy làm mát hoạt động liên tục ngày đêm khiến giòi, bọ, ruồi, nhặng không thể sinh sôi. Môi trường bên ngoài, thậm chí ngay tại nơi đặt quạt hút, cũng không bị nặng mùi. Còn chất thải rắn, chất thải lỏng? Anh Lâm Thanh Ðức, chủ một trang trại ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) cho biết, chăn nuôi gà hầu như không có chất thải lỏng, bởi vấn đề vệ sinh chuồng trại được xử lý khô và phun hóa chất diệt khuẩn, chất thải rắn gồm phân gà và trấu độn chuồng được dọn ba ngày một lần đối với gà đẻ và một chu kỳ nuôi (45 ngày) đối với gà thịt để đưa vào cơ sở sản xuất phân vi sinh.

Trưởng phòng kinh tế huyện Trảng Bom Ðặng Thanh Tùng cho biết, huyện đã quy hoạch vùng khuyến khích chăn nuôi tại năm xã Cây Gáo, Thanh Bình, Sông Trầu, Sông Thao và Bàu Hàm để thu hút những dự án chăn nuôi. Tại xã Cây Gáo hiện đã có 130 dự án tổng đàn 1,5 triệu con. Xã vẫn tiếp tục tiếp nhận những dự án mới và đang hình thành "thành phố gà". Khi được hỏi về môi trường nếu mật độ gà trong "thành phố gà" quá dày, anh Trần Bá Tiến chủ trang trại 200 nghìn con cho biết, mỗi trại phải tự xử lý tốt môi trường trong hàng rào để không ảnh hưởng đến môi trường chung. Và chắc chắn các trang trại phải làm một cách nghiêm túc, bởi đó là tài sản của chính họ.

                                                                                                                                                                   Theo: Web báo Nhân dân