Nuôi gà dưới tán cây

Ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) có nhiều hộ nông dân đã thử nghiệm mô hình “nuôi gà dưới tán cây” và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nuôi gà dưới tán cây, tán rừng sẽ giúp nông dân tận dụng được đất đai tăng thêm nguồn thu nhập.

* Từ chương trình thoát nghèo

Được hỗ trợ 100 con gà giống và 105 kg thức ăn từ Trung tâm khuyến nông Đồng Nai, chị Bùi Thị Thu Phương ở ấp 9 , xã Nam Cát Tiên, đã làm chuồng ở ngay đồi đất trống và thử nghiệm nuôi gà dưới tán vườn điều. Chị Phương cho biết, lần đầu nuôi thử nghiệm nên thiếu kinh nghiệm, chăm sóc không được chu đáo. Mặc dù vậy, qua hơn 2 tháng đàn gà của chị Phương đạt tỷ lệ sống trên 95% và phát triển khá đồng đều. Đến nay, gà đã xuất chuồng với con lớn nhất đạt tới 2,5 kg. Với giá bán hiện nay 45 ngàn đồng/kg, chị Phương lãi trên 4 triệu đồng. Chị Phương nói: “Ở đây quanh năm làm ruộng vườn nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Nhận được chương trình hỗ trợ gà giống, gia đình tôi đã nuôi và thấy hiệu quả. Mô hình này dễ nuôi, làm chuồng trại cũng đơn giản và chỉ sau thời gian ngắn đã cho khoản thu nhập đáng kể. Với đà này, thì không bao lâu nữa gia đình tôi sẽ thoát nghèo bền vững”.

Không chỉ có gia đình chị Phương mà chương trình “nuôi gà dưới tán cây”được Trung tâm khuyến nông Đồng Nai triển khai trong năm 2010 trên địa bàn huyện Tân Phú cho 40 hộ ở 2 xã Nam Cát Tiên và Phú An đều đạt hiệu quả. Đây là 2 xã nghèo đồng thời có diện tích vườn cây, rừng bao phủ lớn nhất trong toàn huyện nên rất thích hợp để nuôi gà dưới tán cây.

* Hướng đến sản xuất bền vững

Anh Mai Thiên Tường, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Cát Tiên, cho biết: “Đời sống của người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. 13 hộ dân ở Nam Cát Tiên được hỗ trợ nuôi gà rất hiệu quả. Xã sẽ tiếp tục tổ chức cho bà con học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này”.

Với kết quả bước đầu hơn cả sự mong đợi, một số nông dân đã bắt đầu tính đến chuyện đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Nếu tính bình quân nuôi 1.000 con gà, chỉ hơn 2 tháng nuôi, sau khi trừ đi chi phí gà giống và thức ăn, nông dân có thể lãi trên 20 triệu đồng. Một năm có thể nuôi từ 3 - 4 lứa. Ông Nguyễn Hùng, Trưởng trạm khuyến nông huyện Tân Phú cho biết “Nếu bà con nông dân muốn mở rộng quy mô chăn nuôi thì Trạm khuyến nông sẽ tổ chức tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật, đồng thời tăng cường tổ chức cho bà con đi tham quan những mô hình đã đạt hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm. Loại gà này về mật độ đẻ trứng gấp 2 lần so với gà ta, tuy nhiên khả năng tự ấp nở rất thấp. Nếu nông dân muốn tự chủ nguồn giống thì có thể đầu tư máy ấp gà. Điều này thuận lợi cho việc chăn nuôi và tiêm phòng vaccine khi hướng đến sản xuất quy mô lớn”.

Việc nuôi gà dưới tán cây, tán rừng là một cách làm hay cho hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, mô hình này không chỉ dừng lại là chương trình thoát nghèo bởi khi nông dân tiếp cận được khoa học kỹ thuật thì có thể đầu tư với quy mô lớn và hướng đến sản xuất chăn nuôi bền vững.

Báo Đồng Nai