Tạo giống cừu mới: Khoa học bắt kịp nhu cầu chăn nuôi!
-
Ngồi không cũng hốt bạc!
Những luống cỏ do anh Đương trồng để làm thức ăn cho cừu “Tôi vốn đâu có dự định nuôi cừu…” anh Thân Văn Đương, chủ một nông trại với một đàn cừu gồm 30 con, ở Nhơn Trạch, Đồng Nai cười, nói. Sau khi nguyên cả trang trại nuôi cút của anh bị thiêu hủy do dịch cúm gia cầm, anh đã lặn lội tìm ra Phan Rang để tìm hiểu mô hình nuôi dê, nhưng rồi anh lại phát hiện ra là nuôi cừu dễ hơn... nuôi dê! "...Thế là, tôi bỏ ra 106 triệu đồng để "đầu tư" mua 19 con cừu cái và 1 con cừu đực,” anh Đương kể. Với giá khoảng 5,3 triệu đồng/con, giá mua một con cừu cái sinh sản được rẻ gấp rưỡi, hay gấp đôi so với dê. Mà cừu cái khi mang thai lại rất khỏe. Cừu mẹ nuôi con giỏi hơn dê, do đó tỷ lệ hao hụt cừu con rất thấp. Sau khi sinh, cừu mẹ tự liếm láp, ấp và cho con bú không cần sự can thiệp của người. Cừu con sau 4 tháng có thể xuất chuồng làm giống. Lúc này, trọng lượng cừu đạt trên 14kg. “Sau khi nhập trại vào tháng 11/12004 và đến ngày 15/12/2004, con cừu con đầu tiên ra đời. Tức là cừu mẹ đã mang thai được hơn 4 tháng trong khi di chuyển từ nơi cung cấp giống từ Ninh Thuận về đến nông trại của tôi. Ấy vậy mà, sức khỏe cừu mẹ vẫn bình thường,” Anh Đương kể.
Anh Thân Văn Đương bên đàn cừu của mình
Không phải cơm nằm, cơm đứng gì trong việc nuôi cừu! Với kiểu chuồng dựng cách mặt đất khoảng 1,4m, chuồng trại nuôi cừu rất thoáng, trung bình 1m2 một con. So với cùng một diện tích nuôi 5 con heo, chất thải của 20 con cừu hầu như không để lại mùi hôi. Vệ sinh chuồng khá đơn giản. Mỗi tháng, chỉ phải rửa chuồng hai lần! Một trong những khâu quan trọng nhất, đỡ đẻ, cũng rất nhẹ nhàng. Sau chừng một giờ, cừu con đã có thể tự đứng dậy đi tìm vú mẹ. Nhìn chung, ngoài số tiền ban đầu cho đầu tư giống, cho đến thời điểm này, trang trại anh Đương không phải đầu tư thêm bất cứ một khoảng nào, ngoại trừ trồng cỏ làm thức ăn.
“Nói thiệt ra, ngay cả trồng cỏ cũng chẳng đòi hỏi công chăm bón. Chỉ cần đào đất, bỏ cỏ vào, bón thêm chút phân, có thể tận dụng phân cừu. Hàng ngày tưới nước. Vậy là xong!”, anh Đương truyền đạt lại kinh nghiệm của mình. Với mỗi cừu nái có thể sinh sản 5 con trong 2 năm, anh Đương đã có thêm 95 con cừu vừa đực, vừa cái (tỷ lệ khoảng 50%). Đối với cừu thịt, chỉ cần nuôi 8 tháng là đã có thể đạt 40kg/con và bán với giá 35.000 đồng/kg. Riêng cừu cái 8 tháng tuổi, giá mỗi con là 4 triệu đồng. Với tiền bán hơn 40 con cừu cái, anh Đương đã dư sức thu hồi vốn.
· Nuôi cừu: đang có hướng ra... xuất khẩu!
Cừu Phan Rang, hiện đang được lai tạo với giống cừu Úc để cho ra giống cừu mới, năng suất cao và thích nghi khí hậu nóng, ẩm ở Nam Bộ
Dù rằng ngành chăn nuôi cừu tại Việt Nam chưa phát triển mạnh nên chủng loại cừu không phong phú với chất lượng đàn không cao. Theo giới chuyên môn, hiện ở ta chỉ mới có khoảng 40.000 con cừu đang được nuôi trong các hộ dân. Cừu Việt Nam nhỏ con, chất lượng thịt không cao. Trong khi đó, nhu cầu thực tế tiêu dùng thịt cao cấp không những tại Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế không ngừng gia tăng.
Cừu là con vật dễ chăm sóc, ít khi xảy ra bệnh; ăn tạp và không kén các loại cỏ, thậm chí có thể ăn cỏ khô như bò. Đặc biệt cừu nhân đàn nhanh, mỗi năm trung bình đẻ 1,7 lứa, nên mau đem về lợi nhuận cho người nuôi. Tuy cùng có mức sinh sản 2 năm 3 lứa, cừu dễ nuôi hơn dê, tỷ lệ sống của cừu con sau khi sinh cũng cao hơn.
Tuy giống cừu nhiệt đới có bộ lông không có giá trị kinh tế, nhưng thịt cừu và sữa cừu cũng là những thương phẩm rất có giá trị. Thịt cừu, như giàu đạm, tính mát, ít cholesterol, mùi vị thơm ngon đặc trưng… đã được cộng đồng người tiêu dùng thể giới thừa nhận từ lâu, và thịt cừu cùng với thịt bò, là loại thịt ít bị biến động về giá nhất. Cho đến nay, nhiều quốc gia có cả nền công nghiệp sản xuất và tiêu thụ thịt cừu như New Zealand, Úc, Mỹ, Canada… và nhiều nước Châu Á như Malaysia, Indonesia.
Thế nhưng, giống cừu Phan Rang do lai tạo cận huyết nên phần lớn giống bị thoái hóa. Hiện nay, TS Đoàn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện Chăn nuôi Gia súc lớn (RRTC) thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam đang theo đuổi đề tài nghiên cứu cấp bộ “Lai tạo giống cừu ở Việt Nam”. TS Đoàn Đức Vũ đã tiến hành lai tạo giống cừu Phan Rang với 2 giống cừu Úc là Dopper và White Suffolk nhằm đa dạng hóa nguồn gen, góp phần nâng cao chất lượng đàn cừu địa phương. Đồng thời, đề tài còn nhằm tạo ra một giống mới thích nghi với nơi khí hậu có độ ẩm cao, như đồng bằng sông Cửu Long hay Đông Nam Bộ; lớn con, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon… cho giới chăn nuôi Việt Nam. Sau 9 tháng tuổi, cừu cái trưởng thành sẽ nặng 45 – 50kg/con, nặng hơn cừu Phan Rang 10kg, còn cừu đực từ 65 – 70kg/con, so với giống Phan Rang, nặng hơn 20kg.
Cuối năm 2003, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đã cho phép nhập 30 con cừu Úc giống Dopper và White Suffolk (15 con cừu đực và 15 con cừu cái). Số cừu này đã được trực tiếp nuôi khảo nghiệm tại Trại chăn nuôi An Xuân (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận); số còn lại chuyển giao đến các hộ gia đình có điều kiện chăn nuôi ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Đề tài dự kiến kết thúc vào cuối năm 2005, và TS Đoàn Đức Vũ đang tiếp tục xin Bộ cấp kinh phí cho một đề tài nuôi cừu lớn hơn nhằm áp dụng nuôi cừu ở diện rộng tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Theo kết quả tổng hợp, tính đến nay số cừu cái giống tại trại chăn nuôi An Xuân (11 cừu cái, 4 cừu đực) và cừu nuôi tại các nông hộ (11 cừu đực và 4 cừu cái) đã sinh sản 7 con cừu giống Ôxtrâylia thuần; thể trạng chúng không kém gì cừu bố mẹ; các cừu giống mẹ địa phương đã sinh 117 con cừu lai F1; tỉ lệ thụ thai của cừu mẹ đạt 89%; tỉ lệ nuôi sống đạt 87%; trọng lượng cừu sơ sinh lai đạt bình quân 3,4kg/con, tăng 1,2 kg/con so với cừu sơ sinh giống địa phương.
Không những các nhà khoa học đang chuẩn bị cải thiện lại giống cừu Việt Nam, Trung Tâm Khuyến Nông và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh phía Nam cũng đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ thịt cừu nhằm phát triển ngành nghề chăn nuôi mới. Ngày 24/3 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai đã làm việc với công ty ANFA, một công ty Tư vấn Nông nghiệp tại TP.HCM. Theo thông tin ban đầu, công ty ANFA đang xây dựng một dự án bảo hộ thị trường thịt cừu, nhằm đến một thị trường rộng lớn là các quốc gia Hồi giáo vốn ưa chuộng thịt cừu. với một nhà máy giết mổ năng suất 200 con/ngày. Sau khi bàn bạc và ký kết một văn bản liên doanh sơ bộ với công ty Farm Fresh, một công ty thực phẩm đa quốc gia, thuộc Tiểu Vương quốc Ả Rập, công ty ANFA sẽ bảo đảm đầu ra cho người nông dân, cả về mặt kỹ thuật lẫn nơi tiêu thụ. Theo kế hoạch, Farm Fresh sẽ hợp tác cùng công ty ANFA để xây dựng một nhà máy giết mổ, chế biến thịt cừu, công suất 200 con/ngày, đặt tại ngoại thành TP.HCM trong vài năm tới đây
(Theo Viet Nam Net)
Các bài viết khác...
- - Kỹ thuật chăn nuôi dê
- - Bệnh tiêu chảy ở heo con do Isospora Suis
- - Từ con bò sữa đến sữa bò
- - Tiêu chuẩn "vòng 1" của bò cái cho sữa
- - Quy trình xây dựng chuồng trại cho chăn nuôi lợn nái giống và lợn nái ngoại
- - Bệnh phù ở heo con (Edema Disease)
- - Nuôi bò sữa theo quy trình mới
- - Trại bò sữa “kỹ thuật số”
- - TP. HCM: Mô hình nuôi thỏ sinh sản
- - Tổ chức công việc cho trại heo
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...