Nuôi dê sữa bách thảo

Làm chuồng nuôi dê

Dê sữa Bách Thảo có thể nuôi nhốt hoàn toàn hoặc kết hợp với chăn thả. Chuồng dê phải đóng sân rộng, có chia ngăn chuồng để nhốt từng con. Mỗi ô có chiều cao 1,6 - 1,8m, rộng 1,2 - 1,4m; sâu 1,3 - 1,5m. Đảm bảo diện tích cho mỗi con giống là 1,5 - 1,8m2. Chuồng dê phải gắn liền với sân chơi để chúng vận động, đảm bảo ấm về mùa đông và mát về mùa hè.

2. Chọn giống

Dê Bách Thảo có tầm vóc to lớn và khả năng cho sữa cao. Đây là quần thể dê lai nên màu lông đa dạng, tai to và cụp.

- Phải chọn dê khỏe mạnh, lông mượt, chân cứng cáp, thân hình cân đối, phát triển mạnh về phía sau.

- Bầu vú mềm, hai vú đều đặn, da vú hồng, cơ quan sinh dục bên ngoài phát triển.

Chọn dê cái giống cần chú ý các chỉ tiêu như khả năng sinh đẻ, sức khỏe, thể chất, tuổi, lượng sữa thực tế. Tính mắn đẻ là tình trạng cơ bản để chọn dê sữa. Con dê mà động dục, thụ thai đều đặn và hàng năm đều đẻ là dê cho sữa tốt. Tỷ lệ thụ thai phải đạt trên 90%, những lứa đầu phải có 1/4 và từ năm thứ hai trở đi phải có 2/3 số lứa đẻ sinh đôi và sinh ba. Thể chất tốt thể hiện khả năng sản xuất bền vững. Con mẹ trưởng thành đạt 50kg là khả năng cho sữa tốt.

Dê hậu bị đạt từ 7 - 8 tháng tuổi có thể phối giống được. Những con còi cọc thì phải 18 tháng tuổi mới cho phối giống. Khả năng sinh sản tốt của con cái thường vào lúc 3 - 5 tuổi. Khi đến 7 - 8 tuổi nên loại thải, trường hợp đặc biệt có thể đến 10 - 15 năm.

Chọn dê đực chủ yếu dựa vào khả năng thụ tinh tốt. Ngoại hình dê đực có đầu ngắn, rộng, thân hình cân đối, tứ chi khỏe mạnh, hai tinh hoàn cân đối. Con đực 7 - 8 tháng tuổi có thể phối giống được. Thời gian sử dụng 6 - 7 năm. Tỷ lệ đực cái trong đàn phối theo kế hoạch là 1/30 - 1/40 con. Mỗi ngày chỉ cho con đực phối tối đa 6 lần.

3. Nuôi dưỡng dê lớn

Mỗi con dê nếu nhốt cả ngày cần cấp đủ khoảng 7 - 8 kg lá xanh. Nếu chăn thả một buổi thì chỉ cần cung cấp khoảng 3 - 4 kg lá. Khi dê đẻ có thể cho ăn thêm các loại thức ăn bổ sung như ngô, cám, khoai, sắn. Cho dê ăn thêm chất khoáng như bột sò, bột xương trộn với cám, ngô nghiền, thêm 8 - 10 gam muối ăn/ngày pha vào nước uống. Nhu cầu nước uống 3lít/ngày.

4. Nuôi dưỡng chăm sóc dê mới sinh

Dê con sơ sinh lau khô nhớt ở mồm, mũi, buộc, cắt và sát trùng rốn bằng dung dịch sát trùng (cồn, iốt 5%, ôxy già, thuốc đỏ) và cho dê con bú sữa đầu của mẹ ít nhất 3 ngày. Trường hợp dê con bú không hết sữa phải vắt hết sữa vú đó để tránh viêm vú.

Dê con từ 3-90 ngày tuổi bú sữa bằng bình bú hoặc uống chậu. Trong tháng đầu nên cho bú 3 lần/ngày (500 ml/con/ngày), sau đó giảm dần. Từ tháng tuổi thứ hai tập cho dê con ăn thức ăn tạp như cám trộn hỗn hợp như cháo, ngô, đậu nành... và các loại lá, cỏ non. Cai sữa lúc 75 - 90 ngày tuổi khi dê con ăn uống thành thạo.

5. Thao tác vắt sữa

Thao tắc vắt sữa bằng tay phải bảo đảm nhanh, nhẹ nhàng, đều đặn, yên tĩnh. Mười ngày đầu nếu đẻ 2 - 3 con thì không vắt sữa, để con tự bú hết. Nếu đẻ một con thì vắt 1 - 2 lần/ngày. Từ ngày thứ 11 - 60 sau khi đẻ thì vắt 2 lần/ngày. Từ tháng thứ ba trở đi là giai đoạn tiết sữa ít dần nên chỉ vắt một lần vào buổi sáng và gần hết kỳ tiết sữa thì vắt một lần cách nhật.

So sánh khả năng cho sữa/kg thể trọng của dê với bò thì dê cho lượng sữa nhiều hơn. Ví dụ: ở thời kỳ cao nhất (một ngày dê có thể cho 3,9 kg sữa/kg thể trọng), (bò cho 2,2 kg sữa/kg thể trọng). Sữa dê bổ, thơm và bùi hơn sữa bò.

6. Phòng trị bệnh

- Cần tránh bệnh thối móng cho dê bằng cách làm chuồng có giắt sàn (không để cho dê đứng trực tiếp trên đất hay trên sàn xi măng. Phía dưới sàn có khoảng trống để thu dọn phân và thức ăn thừa).

- Vệ sinh chuồng trại hàng ngày, tẩy uế định kỳ bằng vôi bột.

- Để diệt ve rận, dùng dung dịch Dipterex 0,1% phun thẳng vào ổ của chúng

- Không cho dê ăn thức ăn mốc hoặc ẩm ướt để phòng ngộ độc, chướng hơi.

- Dùng cây dược liệu như lá ổi, vỏ cây so đũa, quả hồng xiêm xanh... đun nước cho dê uống. Khi dê bị đầy hơi chướng bụng thì cho uống nước tỏi có pha chút muối là khỏi.

Nguồn: Hướng dẫn làm kinh tế gia đình phát triển VAC. NXB phụ nữ, tr. 136 - 140