Chăm sóc thỏ sau cai sữa

Khi thỏ được 5 -6 tuần tuổi thì có thể cai sữa mẹ và hoàn toàn ăn thức ăn cứng. Phải chăm sóc hết sức cẩn thận đàn thỏ con mới được cai sữa. Giai đoạn này thỏ con rất dễ bị ốm, chết, bởi vì cơ thể chưa phát triển hoàn hảo lại bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh mới như thức ăn, không khí, lồng chuồng v.v...

Cho nên, phải quét dọn chuồng sạch sẽ, thức ăn nước uống phải sạch và thay mới hàng ngày. Không nên vận chuyển thỏ trong giai đoạn này. Nên để đàn con ở ngay tại lồng chuồng thỏ mẹ đến 8 tuần tuổi mới chuyển đi nuôi vỗ béo ở lồng chuồng khác hoặc xuất bán thỏ giống.

Tăng lứa sinh sản cho thỏ mẹ

Thông thường cho thỏ phối giống lại vào chu kỳ động dục lần thứ hai sau khi đẻ khoảng 16 - 18 ngày. Như vậy thỏ có thể đẻ được 6 -7 lứa/năm. Tuy nhiên, đối với đàn thỏ giống nuôi thương phẩm, khoẻ mạnh và được cho ăn thức ăn dinh dưỡng cao thì có thể cho đẻ liên tục, tức là cho phối ngay lần động dục đầu tiên, sau khi đẻ 1 - 3 ngày. Như vậy thỏ có thể đẻ được 8 - 9 lứa/năm. Nếu gia đình mới nuôi thỏ lần đầu thì nên cho thỏ đẻ thưa 4 - 5 lứa/năm là vừa. Khi có kinh nghiệm đáp ứng đủ nguồn thức ăn có dinh dưỡng tốt thì có thể cho thỏ đẻ dầy hơn. Khi phối giống đưa con cái đến lồng con đực và theo dõi kết quả phối giống. Nếu con cái chịu đực thì dừng lại, nâng mông để thỏ đực nhảy phối. Nếu thỏ đực giao phối được thì ngã trượt xuống một bên con cái, có tiếng kêu. Sau một phút thì đưa con cái về lồng của nó và ghi ngày phối vào phiếu để dự kiến ngày thỏ đẻ. Thời gian cho phối giống tốt nhất là buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tối. Sau khi cho thỏ cái vào lồng thỏ đực khoảng 5 phút mà không phối được thì đưa thỏ cái trở lại lồng chuồng của nó và cho phối lại vào ngày hôm sau. Đôi khi thỏ cái có động dục nhưng vẫn cứ nằm sát vào góc lồng chuồng để trốn thỏ đực. Khi đó ta nên giúp chúng bằng cách: một tay nắm da gáy con cái, tay kia luồn xuống bụng, nâng mông nó lên để thỏ đực nhảy phối được dễ dàng.