Kinh nghiệm để luôn '' thắng'' trong chăn nuôi

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, chọn nguồn con giống tốt, chú trọng các khâu vệ sinh và phòng bệnh, trại chăn nuôi lợn công nghiệp của anh Nguyễn Hoà, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) luôn đạt hiệu quả kinh tế cao, với mức thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Nhiều người dân ở Bình Sơn nói vui rằng, anh Hoà nhưng chưa bao giờ ''hoà'', mà luôn ''thắng'' trong chăn nuôi lợn và là người dẫn đầu trong chăn nuôi lợn ở địa phương.

Cẩn thận khử trùng từng người một khi vào khu trại nuôi lợn để phòng dịch bệnh cho đàn lợn, anh Hoà cho biết: anh từng làm công tác thú y, mở đại lý thức ăn chăn nuôi tổng hợp, song kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn lắm. Từ 2001, anh phát triển chăn nuôi lợn để cải thiện kinh tế gia đình, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ. Đến năm 2005, anh mở rộng quy mô nuôi 3 lứa lợn/năm, bình quân 40 con lợn/lứa, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 20 tấn lợn thịt, chủ yếu tại địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch "tai xanh" và người tiêu dùng e ngại sử dụng thịt lợn, giá cả biến động lên xuống liên tục, có lúc chỉ còn 12.000 đồng/kg thịt lợn hơi, giá thức ăn cũng liên tục tăng, việc chăn nuôi của gia đình anh không đạt hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2007, học tập mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp ở Đồng Nai, từ nguồn vốn tích luỹ và vay thêm ngân hàng, anh đầu tư gần 130 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi công nghiệp có diện tích trên 250 m2, với 3 khu riêng biệt dành cho lợn nái sinh sản, lợn con giống và lợn thịt; đồng thời mua nguồn con giống chất lượng cao tại Trung tâm huấn luyện chăn nuôi Bình Thắng (Đồng Nai). Có nguồn con giống tốt, anh thực hiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi rất nghiêm ngặt, lợn con sau 30 ngày tuổi thì tiêm phòng lần 1 và 60 ngày tuổi thì tiêm lần 2, sử dụng nguồn thức ăn đảm bảo. Bên cạnh đó, anh còn chú trọng các khâu vệ sinh khu vực chuồng trại 3 lần/ngày, 1 tuần khử trùng tiêu độc 1 lần và hạn chế người ra vào khu chuồng trại. Nhờ vậy, đàn lợn của gia đình anh luôn phát triển tốt và ít bị dịch bệnh, lợn con giống 12 - 13 kg/con, lợn thịt xuất chuồng sau 4,5 tháng nuôi đạt trọng lượng 90 - 100 kg/con. Năm 2007, gia đình anh đạt doanh thu từ bán lợn con giống, lợn thịt gần 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi hàng trăm triệu đồng. Nguồn lợn giống, lợn thịt của gia đình anh chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh và Khu kinh tế Dung Quất, với giá bán 42.000 - 45.000 đồng/kg thịt lợn hơi và 1,5 triệu đồng/lợn con giống 12 - 13 kg. Hiện nay, trong trại anh nuôi 90 con lợn thịt và lợn nái sinh sản. Anh vừa mới xuất bán lứa đầu 48 lợn thịt và lợn giống, thu về gần 180 triệu đồng và chuẩn bị xuất chuồng lứa thứ 2.

Theo anh Hoà, những yếu tố quan trọng quyết định sự thắng lợi trong chăn nuôi đầu tiên là khâu chọn con giống phải đảm bảo, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn lợn.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam