Sóc Trăng có đàn heo giống tốt nhất miền Tây
NHỮNG KẾT QUẢ BẤT NGỜ
Sau nhiều năm âm thầm nỗ lực và bứt phá vượt lên từ một tỉnh thuần nông nghèo khó, ngày nay tỉnh Sóc Trăng đang tiến tới mục tiêu đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp và nông sản hàng hóa đạt phẩm chất cao. Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đã thực hiện thành công tham vọng phát triển đàn heo giống tốt nhất miền Tây. Chỉ trong vòng 10 năm qua (2000-2009), tỉnh Sóc Trăng đã có đàn heo giống chiếm trên 50% tổng đàn heo giống gốc ở ĐBSCL. Đặc biệt, Sóc Trăng còn là tỉnh duy nhất trong vùng hình thành Hội chăn nuôi heo với 150 trang trại chăn nuôi công nghiệp phát triển theo định hướng của Bộ NN-PTNT.
Nhớ lại trước đây, Sóc Trăng từng có giống heo Ba Xuyên (lợn đen đốm trắng, bụng xệ, ục ịch) nổi tiếng. Thế nhưng mãi tới những năm cuối thế kỷ XX chăn nuôi heo ở Sóc Trăng vẫn loay xoay chủ yếu là giống heo địa phương hoặc heo ngoại lai. Heo ngoại thuần chiếm tỉ lệ thấp. Hơn nữa, với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chăn nuôi theo kiểu bỏ ống, tận dụng cơm thừa canh cặn nên năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm chăn nuôi cao. Trong những năm này tỉ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp của tỉnh chiếm chưa tới 10%. Thế nhưng từ năm 2000-2008 khởi đầu chương trình thực hiện dự án cải tiến chất lượng đàn heo giống của tỉnh triển khai thông qua Trung tâm giống vật nuôi (TTGVN) Sóc Trăng và đặc biệt từ năm 2006-2009 cùng với Dự án Nâng cao chất lượng Cây trồng Vật nuôi do CIDA (Canada) tài trợ, cả hai dự án song hành, hỗ trợ tạo cho hoạt động chăn nuôi heo Sóc Trăng đạt bước tiến nhanh vượt bậc.
Đúc kết 10 năm phát triển chăn nuôi heo, KS Trương Văn Đúng, Phó Giám đốc TTGVN Sóc Trăng cho biết, đúng như quy luật khi hòa nhập với thế giới, chăn nuôi heo phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, lợi nhuận nuôi heo giảm khiến cho chăn nuôi nhỏ lẻ dạng gia đình cũng giảm sút theo. Tuy nhiên, xu hướng phát triển trang trại chăn nuôi heo công nghiệp trong tỉnh lại tăng lên. Nhờ kỹ thuật chọn giống và các công thức lai thương phẩm trên nền heo ngoại được sử dụng phổ biến, đàn giống cải thiện, kỹ thuật chuồng trại heo được nuôi lồng, sử dụng thức ăn công nghiệp, kỹ thuật kiểm soát dịch bệnh, sử dụng hầm ủ biogas…
Kết quả các chỉ số kỹ thuật đạt được cao hơn nhiều so hồi trước năm 2000, tỉ lệ nạc trước đây chiếm 43% thì nay tăng lên 57%; độ dày mỡ lưng từ 42mm nay giảm còn 27,8mm; thời gian nuôi heo thịt đạt 100kg từ 230 ngày với hệ số chuyển hóa thức ăn từ 3,8kg thức ăn/kg tăng trọng thì hiện nay thời gian nuôi giảm còn 172 ngày (rút ngắn 58 ngày) và hệ số chuyển hóa thức ăn giảm xuống còn 2,8kg thức ăn/kg tăng trọng. Hiệu quả kinh tế ghi nhận từ nhiều chủ trang trại trong tỉnh cho biết mỗi đầu heo nuôi thương phẩm đạt lợi nhuận bình quân 200-300 ngàn đồng.
BẮT ĐẦU TỪ CÔNG TÁC GIỐNG
Quá trình xây dựng và phát triển chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh, tỉnh Sóc Trăng chọn điểm khởi đầu từ công tác giống. Tỉnh xây dựng TTGVN trên phần đất rộng 13ha, trong đó có phòng học huấn luyện kỹ thuật chăn nuôi, phòng xét nghiệm và trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, huấn luyện cùng với các dãy chuồng trại 9.830m2 quy mô ban đầu 300 heo nái. Tiếp đó, hợp phần chăn nuôi của Dự án nâng cao chất lượng cây trồng vật nuôi Sóc Trăng chuyển giao cho trung tâm 222 con heo ngoại gồm các giống Yorkshire, Landrace, Duroc nhập từ Canada.
Đến nay nâng tổng đàn giống gốc hiện có 127 con heo cụ kỵ, 422 ông bà, bố mẹ và đã cung ứng 898 con heo ông bà và bố mẹ cho các mô hình, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các trung tâm giống, cơ sở chăn nuôi các tỉnh lân cận trong vùng như Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu... Đến nay, Sóc Trăng đã chuyển giao 3.215 con heo đực giống, cái hậu bị và đực gieo tinh nhân tạo; xây dựng mạng lưới 72 hộ nuôi heo nái sản xuất giống, 115 hộ nuôi heo đực phối trực tiếp và 23 điểm gieo tinh nhân tạo.
PGS.TS Võ Văn Sơn, Phó khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ: “Sóc Trăng là địa phương có hệ thống nhân giống rộng. Mặt khác, đàn heo của Sóc Trăng có tỷ lệ nạc cao, mỡ giảm. Kỹ thuật chăn nuôi, chuồng trại, kỹ thuật sử dụng thuốc thú y… đều có bước tiến đáng kể. Mặt khác tỉnh Sóc Trăng đã hình thành được hội chăn nuôi, tạo được chỗ ngồi chung của những người cùng nghề. Đây là cách tổ chức chăn nuôi giải quyết tốt các vấn đề kỹ thuật”. |
Nói về nuôi heo giống mới, điển hình có ông Châu Minh Đức, chủ trang trại nuôi heo qui mô lớn tại xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên là người chăn nuôi heo nhỏ lẻ vừa mới nâng lên qui mô nuôi trang trại từ năm 2004 đến nay. Theo ông, nuôi theo kỹ thuật và phương pháp mới, nuôi có ghi chép phả hệ và nhất là được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật của tỉnh nên hiệu quả lợi nhuận hơn hẳn cách nuôi theo tập quán cũ. Như từ một con heo lai nuôi trong 4 tháng đạt 100kg. Còn nuôi heo giống mới theo mô hình nuôi ba máu thì thời gian nuôi rút ngắn xuống còn 3 tháng 4 ngày đạt 100kg/con. Nhiều nông dân nuôi heo thịt giống mới cho biết hiệu quả cao hơn heo lai 100-200 ngàn đồng/con là chuyện bình thường. Bởi vậy bây giờ heo giống mới đắt tới 70.000đ/kg heo hơi giống và phải đặt mua trước 20 ngày hoặc một tháng.
Anh Trương Văn Hải, chủ trang trại giống ở Mỹ Xuyên so sánh: “Tôi từng nuôi heo giống lai cũ và trực tiếp nuôi heo giống mới. So sánh thấy nuôi heo giống ba máu có ba mặt lợi: nuôi heo lai cũ 3kg thức ăn cho 1kg heo hơi. Còn heo giống mới 2,7kg cho 1kg heo hơi. Tính ra 300kg thức ăn cho 100kg, chênh lệch đã rõ, giảm được 18kg thức ăn và thời gian nuôi rút ngắn làm giảm giá thành đáng kể và bán lại được giá cao hơn, heo giống mới bán được 29.700 đ/kg, còn giống cũ chỉ bán được 28.000 đ/kg".
Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN Sóc Trăng nhận xét: Chương trình cải thiện giống heo ở Sóc Trăng thật sự làm thay đổi ý thức của người chăn nuôi, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, hướng tới phát triển chăn nuôi trang trại quy mô 100-200 con đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, chất lượng thịt tốt, hạ giá thành và thực tế cho thấy các chỉ số kỹ thuật cao từ đàn heo thịt ba máu đã làm tăng năng lực cạnh tranh với thịt heo đông lạnh nhập khẩu. Đây là nền tảng để Sóc Trăng hướng tới nuôi heo công nghiệp theo công nghệ cao và bước đầu tỉnh đã tổ chức mô hình sản xuất heo thịt theo VietGAP đạt hiệu quả cao ở 9 trang trại.
Nguồn www.nongnghiep.vn
Các bài viết khác...
- - Kỹ thuật chăn nuôi dê
- - Bệnh tiêu chảy ở heo con do Isospora Suis
- - Từ con bò sữa đến sữa bò
- - Tiêu chuẩn "vòng 1" của bò cái cho sữa
- - Quy trình xây dựng chuồng trại cho chăn nuôi lợn nái giống và lợn nái ngoại
- - Bệnh phù ở heo con (Edema Disease)
- - Nuôi bò sữa theo quy trình mới
- - Trại bò sữa “kỹ thuật số”
- - TP. HCM: Mô hình nuôi thỏ sinh sản
- - Tổ chức công việc cho trại heo
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...