Bảo quản, tồn trữ lúa giống trong mùa lũ

Hằng năm, cứ đến mùa nước nổi, bên cạnh việc khai thác nguồn lợi thủy sản khá dồi dào, phù sa bồi đắp để ruộng thêm màu mỡ thì nông dân ĐBSCL có nhiều nỗi lo để thích nghi với lũ, trong đó có chuẩn bị giống để gieo trồng cho vụ đông-xuân

Sau trận lũ lớn năm 2000, nông dân ĐBSCL đã có nhiều kinh nghiệm sống chung với lũ, giảm nhẹ thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Trong những năm tiếp theo, diện tích lúa hè-thu bị thiệt hại do lũ giảm nhanh đáng kể, Nhà nước đã đầu tư nhiều công trình đê bao khép kín để nông dân bố trí thời vụ hợp lý, thu hoạch lúa trước khi nước lên. Tuy nhiên việc giữ giống cho vụ sau vẫn còn gặp khó khăn, trước hết nếu may mắn thu hoạch lúc nắng ráo để phơi thật nhanh, thì việc tồn trữ giống trong mùa mưa bão trong thời gian 4-5 tháng sau đó cũng là trở ngại lớn đối với nhiều nông dân.

Trước hết về mặt sinh lý, hạt lúa sau khi thu hoạch phải phơi, sấy ngay để hạ ẩm độ hạt xuống còn 14% có thể làm giống, nhưng nó chỉ giữ được 3 tháng trong điều kiện ẩm độ không khí trên 80% và nhiệt độ 28-300C. Tuy nhiên sau đó hạt lúa nhanh chóng hút ẩm trở lại để đạt ẩm độ cân bằng 16%, khi ấy thời gian tồn trữ lúa giống chỉ còn 1 tháng, đây là trở ngại lớn không những của nhiều nông dân mà còn nhiều doanh nghiệp giống. Đặc biệt vào giai đoạn 2-3 tháng trở đi tùy thuộc vào ẩm độ hạt, tỷ lệ nảy mầm của hạt lúa giảm rất nhanh, chỉ trong 1 tuần từ 80% xuống còn 5%.

Như vậy, nguyên nhân chính của việc rút ngắn thời gian tồn trữ là ẩm độ không khí cao trong mùa lũ, đã làm hạt giống lúa hút ẩm nên mất sức nảy mầm. Có một số giải pháp khắc phục như sau:

- Trước hết về mặt nguyên tắc, nếu hạ ẩm độ hạt giống xuống còn 1%, thời gian tồn trữ sẽ kéo dài 2 tháng, do đó nông dân cố gắng phơi, sấy lúa thật khô. Nếu lúa thu hoạch vụ đông-xuân chỉ cần ẩm độ hạt 14% thì vụ hè-thu phải dưới 13,5% mới có thể giữ được 4 tháng. Về lĩnh vực này, Tiến sĩ Trần Đăng Hồng, Giáo sư Trường Đại học Reading (Anh quốc) đã đưa ra phương trình toán học dựa vào ẩm độ và nhiệt độ để biết được thời gian tồn trữ giống.

- Nhưng sau thời gian 1 tháng, trong điều kiện tự nhiên, hạt lúa hút ẩm để đạt ẩm độ cân bằng khoảng 15,0-15,5%. Để tránh hiện tượng này, nông dân nên cho lúa giống vào bao PE (ni-lon trong) loại tốt, hàn kín miệng, hoặc buộc thật chặt sau đó cho vào bao xác rắn. Tại các nước có loại bao ni-lon đặc biệt, chỉ cho ẩm độ từ bên trong bao thoát ra chớ không cho ẩm độ từ bên ngoài đi vào. Viện Lúa Ô Môn đang quan hệ với các công ty nhựa để sản xuất loại bao này.

Kỹ thuật cho lúa vào bao li-lon hàn kín miệng hiện được các công ty giống áp dụng vì rẻ tiền so với phương pháp sấy bảo quản hoặc tồn trữ trong kho lạnh. Nó giúp cho nông dân vùng lũ giữ được lúa giống trong thời gian 3-4 tháng.

- Nếu tồn trữ trong lu hoặc thùng phuy, cần hàn kín miệng, phía dưới nên lót tro, trấu hoặc vôi để hút ẩm.

- Nơi tồn trữ phải lựa chỗ thật khô ráo, phải kê kích cẩn thận, tránh hơi nước dưới đất bốc lên làm lúa mất sức nảy mầm. 

                                                             (Báo Ninh Thuận)