Kỹ thuật “né rầy, ôm nước” trong phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long

Rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa đang là các đối tượng dịch hại nguy hiểm cho các vùng sản xuất lúa trên cả nước trong mấy năm trở lại đây.

Để phòng chống dịch bệnh lây lan, nhiều biện pháp kỹ thuật đã được nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đưa vào áp dụng và đem lại hiệu quả như: gieo sạ đồng loạt né rầy, dùng nước để che chắn bảo vệ cây lúa khi rầy di trú bất thường, áp dụng IPM, kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý rầy nâu hại lúa bằng biện pháp sinh học… Đặc biệt, kỹ thuật “né rầy, ôm nước” trong phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa được Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới. Thông tin Khuyến nông Việt Nam xin giới thiệu tóm tắt quy trình để bà con nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

1. Vệ sinh đồng ruộng, san bằng mặt ruộng và gia cố bờ thật tốt để chủ động điều khiển mực nước ruộng.

2. Gieo sạ đồng loạt trên diện rộng theo từng khu vực, mỗi đợt gieo sạ không kéo dài quá 10 ngày; Theo dõi bẫy đèn, khi rầy nâu vào đèn đạt đỉnh cao thì khuyến cáo nông dân chuẩn bị ngâm ủ giống và gieo sạ vào 2 – 3 ngày sau đó.

3. Thời gian gieo sạ không kéo dài quá 2 tháng mỗi vụ, thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần lễ để cày ải phơi đất và giảm áp lực sâu bệnh từ vụ này sang vụ khác.

4. Xác định bộ giống chủ lực của địa phương trên cơ sở bộ giống của Cục Trồng trọt đưa ra. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, giống chống chịu rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

5. Sử dụng một loạt giống không vượt quá 15 – 20% trong cơ cấu giống lúa, để hạn chế sự thích nghi của rầy nâu, tránh bộc phát dịch rầy nâu.

6. Xử lý giống bằng Risopla II để giúp cây mạ mọc mầm khoẻ, cứng cáp tạo tiền đề cho cây lúa khoẻ, tăng khả năng chống chịu khi gặp điều kiện bất lợi (ngập nước).

7. Trong trường hợp do điều kiện canh tác khó khăn không thể theo đúng lịch gieo sạ đồng loạt, hoặc do rầy di trú bất thường, cần che chắn cây lúa bằng cách điều khiển mực nước ruộng: Khi cây lúa đã mọc mầm, phát triển 1 – 5 lá mà rầy nâu tiếp tục di trú đến thì cần bơm nước ruộng cho ngập cháng 3 cây lúa để giảm sự đeo bám của rầy nâu trong suốt thời gian rầy tiếp tục đến. Đặc biệt, vào chiều tối, cần bơm nước phủ cả đọt lúa và ban ngày rút bớt xuống cháng ba.

8. Áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để giảm giá thành sản xuất, giảm áp lực sâu bệnh hại khác, tăng năng suất và chất lượng, hiệu quả sản xuất, an toàn môi trường.

Một số vấn đề cần chú ý khi áp dụng giải pháp kỹ thuật “né rầy, ôm nước”:

- Chú ý áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để tạo cây lúa khoẻ ngay từ đầu vụ canh tác (chọn giống tốt được xử lý kích kháng tạo cây mạ mập mạnh, cứng cáp và các giải pháp kỹ thuật liên hoàn tạo ruộng lúa khoẻ ngay từ khâu vệ sinh đồng ruộng, cắt đứt nguồn lây lan bệnh từ vụ trước, chuẩn bị đất, bờ bọng, chọn giống, xử lý kích kháng, gieo sạ né rầy, ôm nước, 3 giảm 3 tăng,…).

- Tăng cường hệ thống bẫy đèn ở các địa phương cấp huyện (vì rầy di trú có qui mô của vùng và còn di chuyển ở phạm vi địa phương), căn cứ theo dự báo về lứa rầy di trú cấp vùng (do Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật), cấp tỉnh (do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành) và Trạm Bảo vệ thực vật huyện theo dõi tình hình rầy vào đèn ở huyện và tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành chỉ thị về lịch gieo sạ.

Kỹ thuật “né rầy, ôm nước” trong phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long do nhóm tác giả: Phạm Văn Quỳnh, Nguyễn Thị Kiều, Nguyễn Thị Mỹ Sơn, Phan Văn Năm – Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Cần Thơ xây dựng.

(TTKNQG)