Canh tác lúa ít khí thải nhà kính tạo ra sản phẩm mới

         Việc sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống tạo ra nhiều khí thải nhà kính như bón phân quá liều lượng, tưới tiêu không hợp lý, sử dụng thuốc bảo vệ một cách tùy tiện, việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch..vv...vv.... là một trong những nguyên nhân làm cho trái đất nóng lên, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu. Do đó, việc canh tác lúa ít khí thải nhà kính vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí đồng thời tạo ra sản phẩm mới từ việc tập hợp lượng giảm phát thải để bán ra thị trường carbon tự nguyện trên thế giới giúp cho các nước phát triển có cơ hội thực hiện nghĩa vụ thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trong nước và các cam kết quốc tế.

Từ đầu năm 2010, Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long  của Trường Đại học Cần Thơ cùng với Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, Quỹ Bảo vệ Môi trường Mỹ chuẩn bị một dự án chung nhằm ứng dụng các kinh nghiệm và kỹ thuật cải tiến về canh tác lúa ít phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Dự án tập trung vào hai mục đích là canh tác lúa giảm chi phí sản xuất và giảm phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính vốn chưa được quan tâm khai thác từ trước đến nay. Trước mắt, dự án sẽ được khởi động thí điểm tại An Giang thông qua các mô hình: tưới tiết kiệm nước, bón phân đúng liều lượng, đúng thời điểm và sử dụng hiệu quả rơm rạ sau thu hoạch làm phân hữu cơ để góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Dự án sẽ triển khai thực hiện với quy mô 100 ha để đo đếm, thẩm định lượng khí thải trong canh tác lúa theo các quy chuẩn quốc tế, chuẩn hóa mô hình để nông dân áp dụng theo đúng quy trình.

Dự án canh tác lúa ít khí thải nhà kính với mục đích chính là vận động hướng đến nền sản xuất ít phát thải và năng lượng sạch, cũng là xu hướng phát triển của thế giới. Theo tổng kiểm kê khí nhà kính theo quy chuẩn Liên hiệp quốc, của Việt Nam công bố năm 2000, thì khí phát thải trong ngành nông nghiệp là cao nhất chiếm 43,1% trong tổng lượng khí phát thải, trong đó lúa nước chiếm 57,5% cũng cao nhất trong tổng lượng khí thải trong nông nghiệp. Trong lịch sử tổ chức sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, An Giang đã và đang tiếp cận đúng hướng, đã thích ứng với dự án canh tác lúa ít khí thải nhà kính đã được Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long-Đại học Cần Thơ, Đại học Thủy lợi Hà Nội và Quỹ môi trường của Mỹ tại Việt Nam (EDF) đã trình bày tại hội thảo trong ngày 25/08/2010 tổ chức tại An Giang. Dự án rất hấp dẫn nhưng chắc chắn có nhiều thách thức khi tổ chức thực hiện, nhất là đòi hỏi mạnh mẽ của sự tham gia, đặc biệt là tham gia của nông dân với tinh thần tự nguyện và doanh nghiệp với tư cách các nhà thầu tham gia thị trường mua bán chứng chỉ phát thải.

Trong những năm gần đây, An Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL đã chủ trương giúp hạ giá thành sản xuất cho nông dân trồng lúa bằng chương trình xã hội hóa giống, 3 giảm - 3 tăng, sau đó nâng cấp lên thành 1 phải 5 giảm. Trong đó, biện pháp giảm phân đạm vô cơ và tưới tiêu nước hợp lý được nông dân ứng dụng khá thành công. Vì vậy, khi dự án được mở rộng, tin rằng nông dân sẽ thích ứng rất nhanh và đây sẽ là động lực quan trọng, là đòn bẩy giúp cho các tỉnh ĐBSCL tăng nhanh diện tích ứng dụng 1 phải – 5 giảm. Bởi vì, ngoài việc tăng thu nhập từ tiết giảm chi phí trong sản xuất, người nông dân còn có cơ hội hưởng lợi từ dự án thông qua việc hình thành thị trường carbon vùng trồng lúa.

Với những ý nghĩa trên, UBND tinh An Giang rất hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với Trường Đại học Thủy lợi và Quỹ Bảo vệ Môi trường Mỹ (EDF) tại Việt Nam thực hiện ứng dụng các kinh nghiệm và kỹ thuật mới về canh tác lúa ít phát thải khí nhà kính tại An Giang.

Để triển khai thí điểm dự án canh tác lúa ít khí thải nhà kính tại An Giang ở giai đoạn 1 (2010-2013), UBND tỉnh An Giang giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Ban Quản lý cho Dự án canh tác lúa ít khí thải nhà kính của tỉnh, trong đó chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật là đơn vị thường trực và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT là Trưởng ban, mời thêm đại diện doanh nghiệp tham gia ban quản lý dự án. Kinh phí hoạt động của Ban Quản lý dự án tỉnh được chi từ nguồn ngân sách tỉnh. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng liên quan đến sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh cử 01 người cụ thể, đại diện của Công ty tham gia vào giai đoạn đầu của dự án để theo dõi, trao đổi thông tin với nhóm dự án, việc này giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên lạc với các doanh nghiệp để có một danh sách cụ thể.

                                                                                                  http://sokhoahoccn.angiang.gov.vn