Quản lý lúa cỏ

Đến nay lúa cỏ đã lây nhiễm ra khắp vùng ĐBSCL và gây hại rất lớn đến năng suất lúa, nghiêm trọng nhất là vào vụ lúa xuân hè vì vụ lúa này thường xảy ra hạn hán, nông dân không chủ động được nước và nhiều hộ nông dân đã phải bỏ trắng không thu hoạch được.

Đặc điểm sinh học của lúa cỏ:

Nhiều dòng lúa cỏ được thu thập ở những nơi bị lúa cỏ gây hại trong vùng ĐBSCL đã được trồng khảo 1quan1.jpgnghiệm trong nhà lưới cùng với một số giống lúa trồng tại Viện lúa ĐBSCL. Kết quả được ghi nhận như sau:

- Thời gian sinh trưởng (TGST): Lúa trồng có TGST ổn định từ 90-95 ngày, với lúa cỏ thì TGST biến động lớn, từ 90-115 ngàỵ

- Chiều cao cây: Trong ruộng lúa nhiễm lúa cỏ thì chỉ sau 40 ngày là đã xuất hiện lúa nhiều tầng. Đa số các dòng lúa cỏ có chiều cao cây lớn hơn lúa trồng, vì vậy trong ruộng lúa bị nhiễm lúa cỏ khi trổ ra thì tầng trên cùng thường là lúa cỏ. Lúa trồng có chiều cao trung bình 90-95 cm, lúa cỏ từ 120-150 cm, cũng có nhiều dòng lúa cỏ có chiều cao bằng lúa trồng.

- Khả năng đẻ nhánh: Lúa cỏ đẻ nhánh kém hơn lúa trồng. Với mức độ trồng 4 cây/chậu thì lúa trồng cho 10-12 bông/bụi, còn lúa cỏ chỉ có 5-6 bông/bụi. Trên đồng lúa với mật độ dày thì lúa cỏ chỉ có 2 tép/bụi.

- Chiều dài và rộng lá lúa: Lá lúa cỏ rất dài về chiều dài nhưng lại hẹp về bề ngang, chiều dài lúa cỏ đến 60 cm, lúa trồng chỉ 25-30 cm.

- Màu sắc lá lúa: Khi còn nhỏ màu sắc lá lúa cỏ và lúa trồng tương tự như nhau, nhưng từ sau 40 ngày thì khác. Lúc này là lúa cỏ vàng dần. Quan sát trên ruộng lúa thấy rất rõ hiện tượng nàỵ Những cây lúa có thân mảnh, lá dài và màu vàng hơn lúa trồng đều là lúa cỏ.

- Hình dạng và màu sắc hạt lúa: Hạt lúa trồng thường thon dài, tỷ lệ dài/rộng lớn hơn 3, màu sắc hạt lúa chủ yếu là vàng rơm, gạo lức màu trắng, trọng lượng 1.000 hạt từ 23-25 g. Trong khi đó thì hình dạng hạt lúa cỏ có nhiều dạng như rất dài nhưng bề ngang rất hẹp, tròn hoặc có bề dài và rộng lớn hơn rất nhiều, màu sắc hạt lúa cũng có nhiều kiểu như đen, vàng sẫm, nâu đen hoặc tím, đôi khi trên cùng một bông lúa cũng có nhiều hạt với những màu sắc khác nhau, gạo lức màu đỏ, trọng lượng 1.000 hạt biến động từ 15-28 g.

- Đuôi hạt lúa: Lúa trồng hạt không có đuôi, lúa cỏ thường có đuôi và chiều dài đuôi biến động từ 1-7 cm.

- Đặc điểm rụng hạt: Đây chính là nguyên nhân gây thất thoát năng suất cho ruộng lúa vì lúa cỏ trên đồng cũng hấp thu phân bón, ánh sáng, nước, cũng được chăm sóc như lúa trồng nhưng lại không cho sản phẩm. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ sau khi trổ 15 ngày, khi hạt lúa vừa vào chắc là bắt đầu rụng hạt, mức độ rụng hạt càng nhiều khi đến gần giai đoạn chín. Tỷ lệ rụng hạt trung bình là 50%, nhiều dòng dễ rụng hạt thì tỷ lệ này đến 90%. Những hạt lúa chắc ở đầu bông đều rụng hết, chỉ để lại một số ít hạt lửng lép ở cuối bông.

- Khả năng tồn tại trong môi trường: Lúa cỏ có khả năng tồn tại rất tốt trong môi trường như hạt cỏ. Sau mùa lũ ngập 2-3 tháng nhưng khi nước rút, điều kiện thuận lợi thì lúa cỏ lại nảy mầm và phát triển bình thường. Trong điều kiện chôn sâu dưới đất có ngập nước thì sau 1 tháng lúa cỏ vẫn có tỷ lệ nảy mầm trên 90%, còn lúa trồng thì đã bị hư hết.

- Tính cạnh tranh và gây hại: Lúa cỏ mang đặc tính hoang dại nên chúng có khả năng sinh trưởng rất mạnh, lấn át lúa trồng. Trên ruộng lúa có nhiều lúa cỏ thì sau khi trổ là lúa cỏ đổ ngã và thường kéo theo sự đổ ngã của lúa trồng. Với mức độ 100 hạt/m2 (số hạt tương đương của một bông lúa) thì lúa cỏ đã gây thiệt hại cho lúa trồng 30%, còn ở mức 1.000 hạt/m2 thì lúa cỏ làm giảm năng suất đến 90% so với đối chứng.

Phương pháp quản lý lúa cỏ:

Thật là khó khăn cho bà con nông dân để diệt được lúa cỏ trong ruộng lúa của mình vì chưa có loại thuốc diệt cỏ đặc trị nào có thể diệt được lúa cỏ mà không ảnh hưởng đến lúa trồng. Hạt lúa cỏ luôn có sẵn trong đất, khi có điều kiện là chúng nảy mầm và phát triển. Khi xuống giống cần chú ý những phương pháp canh tác. Có thể áp dụng những biện pháp sau để hạn chế lúa cỏ.

- Diệt lúa cỏ trước khi xuống giống: Tạo điều kiện cho lúa cỏ mọc trước, như mùa khô thì bơm nước lên ruộng rồi rút đi đủ ẩm lúa cỏ và cỏ dại sẽ mọc, mùa nước thì bơm nước ra khỏi ruộng, để khô mặt ruộng lúa cỏ cũng sẽ mọc. Sau khi lúa cỏ mọc đều dùng thuốc cỏ triệt sinh Glyphosate để diệt rồi mới tiến hành làm đất xuống giống (cần tiến hành phun thuốc trước 7-10 ngày).

- Làm đất kỹ và trang ruộng bằng phẳng: Biện pháp này nhằm vùi sâu hạt lúa cỏ vào đất, không tiếp xúc được với ánh sáng, hạt lúa cỏ sẽ không nảy mầm và giúp lúa trồng mọc đều, sinh trưởng và phát triển nhanh sẽ tạo tán che phủ làm giảm khả năng mọc và phát triển của lúa cỏ.

- Chuyển đổi phương pháp canh tác: Có thể chuyển từ phương pháp sạ lan sang cấy để hạn chế lúa cỏ. Trong ruộng lúa cấy nếu luôn giữ được nước sẽ không có lúa cỏ mọc, lúa cấy phát triển trước cũng hạn chế được lúa cỏ.

- Hớt hết lúa cỏ trước khi chúng rụng hạt: Khi lúa cỏ trổ được ít ngày dùng liềm hớt hết những bông lúa cỏ, việc này rất dễ thực hiện bởi hầu hết lúa cỏ đều ở tầng trên, nếu làm triệt để sẽ giảm được rất nhiều lúa cỏ ở vụ sau. Nông dân những vùng bị nhiễm lúa cỏ thường áp dụng biện pháp này.

- Luân canh cây trồng: Không nên trồng vụ lúa xuân hè trên những khu ruộng mà vụ đông xuân để lại nhiều hạt lúa cỏ. Có thể chuyển sang trồng các loại cây màu như đậu nành, đậu xanh, mè, bắp. Sau khi được tưới nước cho cây màu thì lúa cỏ sẽ mọc rất nhiều và việc diệt lúa cỏ cho các loại cây màu thật dễ dàng bằng các loại thuốc như Onecide, Nabu, Select (chỉ áp dụng cho các cây họ đậu, không dùng trên cây bắp). Sau một vụ màu thì quỹ hạt lúa cỏ trong đất giảm đi rất nhiều trong vụ lúa hè thu.

- Dùng giống lúa thuần sạch cỏ và lúa cỏ: Không nên dùng lúa ăn để làm giống, bà con nông dân có thể tự làm giống sạch cho mình bằng cách cấy riêng lúa giống trong diện tích nhỏ hoặc khử thật kỹ một phần ruộng lúa làm giống trước khi thu hoạch.

- Sử dụng thuốc diệt cỏ Sofit: Thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm Sofit cũng có tác dụng hạn chế lúa cỏ. Thuốc được áp dụng lúc 1-3 ngày sau khi sạ trên lúa sạ ướt được đánh bùn thật kỹ, lượng thuốc sử dụng là 1,2 lít/ha.

Theo www.nongnghiep.vn