Kinh nghiệm trồng vú sữa Lò Rèn

Kinh nghiệm trồng vú sữa Lò Rèn Được sự giới thiệu của một cán bộ Hội Nông dân xã Mỹ Long huyện Cai Lậy (Tiền Giang), chúng tôi lần theo con lộ, rẽ vào tổ 4, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Long để thực hiện chuyến tham quan mô hình cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đó là mô hình trồng vú sữa Lò Rèn của anh Huỳnh Văn Sơn.

Qua trao đổi, anh Sơn cho biết, gia đình anh có 7 nhân khẩu với diện tích vườn trồng cây ăn quả  là 1,2 ha, trong đó, vú sữa Lò Rèn là cây chủ lực, hiện có 3.500 m2 đang cho thu hoạch với các cây trĩu cành nặng quả. Cách đây khoảng 14 năm, qua xem báo, nghe đài và thấy vùng đất Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang ở gần quê anh rất thích hợp với cây vú sữa Lò Rèn, giúp nhiều hộ chuyên canh có mức thu nhập khá cao. Từ ý tưởng ấy, anh đã mua 60 cây giống loại chiết cành trồng trên diện tích 3.500 m2. Riêng phần đất còn lại, anh trồng nhãn tiêu da bò và sa pô… mãi đến năm 2001, anh mới bắt đầu trồng xen cây vú sữa vào toàn bộ diện tích trên.

Về kỹ thuật trồng: anh xẻ liếp đôi rộng từ 10 – 12 m, mỗi liếp anh trồng thành hai hàng hai bên theo kiểu nanh sấu. Trước khi trồng, anh đắp mô cao 0,5 m, đường kính mặt mô = 1 m, mô được hình thành từ đất khô hoai đã xáo xới trộn đều với 15 kg phân chuồng hoai mục, giữa đỉnh mô, anh móc lỗ sâu 0,2 m, mỗi lỗ bón lót một nấm phân DAP và 300 g phân lân, đặt bầu cây thẳng đứng, để mặt bầu ngang với mặt mô, lấp đất đầy hố, cắm cọc cột dây cho cây không lung lay, xung quanh cắm tàu dừa che nắng, tủ gốc giữ ẩm bằng cỏ mục, rơm rạ ngày tưới 1 lần.

Ở giai đoạn cây còn nhỏ, anh tận dụng khoảng trống còn lại giữa các mô để trồng hoa màu phụ lấy ngắn nuôi dài. Khoảng hơn tháng sau, khi cây đã châm rễ bắt đất, anh ngâm phân DAP + urê hòa nước tưới xung quanh gốc mỗi tháng 2 – 3 lần để cây ra đọt non, phát triển cành lá. Từ khi cây được 1 – 3 năm tuổi, mỗi năm, anh xới gốc một lần bón 20 kg phân chuồng hoai và 3 đợt phân hóa học, mỗi đợt từ 1 – 1,5 kg hỗn hợp gồm DAP 18 - 46 - 0 + NPK 20 – 20 - 15 + Urê vào các tháng 1, 6 và 10 âm lịch. Trước khi bón phân, anh bơm nước cho ngập khỏa mặt liếp 0,5 cm. Chờ nước rút xong, anh bón phân ngay. Sau đó 3 –  4 hôm anh tưới lại ướt đẫm các gốc để cây hấp thu hết lượng phân. Hằng ngày vào mùa khô, anh vét mương bồi bùn lên mặt liếp, chờ bùn khô nứt nẻ, cho bùn khô vào nâng cấp mô, ngoài ra việc bồi bùn hàng năm còn nâng dần độ cao mặt liếp, cung cấp phần nào dưỡng chất cho cây trồng.

Tròn 4 năm tuổi, vú sữa đủ khả năng cho trái, mỗi năm anh làm gốc bón mỗi cây từ 2 – 3 giạ phân chuồng hoai, rơm rác mục và bón 4 đợt phân hóa học gồm: Bón xử lý ra hoa 3 kg hỗn hợp NPK 20 - 20 - 15 + Urê + Lân. Kế tiếp bón vào giai đoạn cây đậu quả to bằng nút áo gồm 2 kg Urê + DAP/1 gốc. Sau đó, anh bón thúc nuôi quả, khi quả non có đường kính từ 2 - 2,5 cm mỗi cây 2 kg NPK 20 - 20 - 15. Đợt chót, trước thời điểm cây cho thu hoạch khoảng 2 tháng, anh bón mỗi cây 2 kg NPK 20 - 20 - 15. Đồng thời phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho vú sữa. Với cách trồng và chăm sóc như trên, mùa vú sữa 2003 - 2004, trên diện tích 3.500 m2, anh thu hoạch được 900 giỏ, mỗi giỏ đựng 50 quả tương đương 45.000 quả, qui tiền tương đương 69 triệu đồng, trừ chi phí gần 9 triệu, anh còn thực lãi hơn 60 triệu đồng, với chừng ấy diện tích thu nhập như thế quả là không nhỏ.

( Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam, ngày 27/1/2005 Mạng vista )