Nên phòng trị bù lạch hại xoài như thế nào?

Không rõ tại sao vài năm gần đây trên cây xoài ở vườn nhà tôi thường bị hiện tượng như sau: trên chóp lá và bìa của lá non bị héo, mầu đỏ nâu sau đó khô đi và phát triển không bình thường. Những cây bị hiện tượng này khi ra bông, thì bông dễ bị khô và rụng. Người bán thuốc trừ sâu coi lá xòai rồi nói đó là do con bù lạch gây hại. Nói vậy có đúng không? Nếu đúng xin được nói rõ về con bù lạch này và cách phòng trị chúng?

Huỳnh Văn Hương (Cao Lãnh, Đồng Tháp)

Trả lời: Qua mô tả của bạn, kết hợp với những điều chúng tôi biết được về diễn biến của sâu bệnh hại trên cây xòai trong mấy năm gần đây, theo chúng tôi có lẽ những điều mà người bán thuốc trừ sâu đã nói với bạn là đúng đấy.

Bù lạch hại xoài (Scirtothrip  dorsalis)  là một lòai côn trùng đa thực, ngòai cây xòai còn thấy chúng gây hại trên nhiều lọai cây trồng khác như những cây thuộc nhóm cây có múi như cam, quýt, chanh, bưởi, trên một số cây rau đậu, cây công nghiệp như cao su, bông vải, điều, thầu dầu… và cả một số lòai cỏ nữa.

Loài côn trùng này đã có trên cây xoài từ lâu, nhưng tác hại của chúng không nhiều lắm khiến nhà vườn không mấy chú ý. Nhưng vài năm gần đây, có lẽ một mặt do diện tích trồng xoài gia tăng, đã thế nhà vườn lại bằng mọi cách xử lý cho xòai ra trái nghịch mùa theo ý muốn để bán được giá cao, khiến cho cây xoài ra bông ra trái quanh năm, làm cho nguồn thức ăn của con bù lạch liên tục có mặt trên vườn cây, mặt khác để thu được nhiều huê lợi trên một đơn vị diện tích  nhà vườn đã không ngừng đầu tư thâm canh cao, trong đó có việc sử dụng rất nhiều lọai và dùng không đúng thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần hủy diệt tập đòan thiên địch của con bù lạch  có trong vườn xoài...nên vài năm gần đây bù lạch hại xòai có cơ hội phát triển rất nhanh và gây hại rất nhiều  cho nhiều vùng xoài ở Nam bộ. Đã có những vườn xoài chủ vườn phải chịu thất trắng do cái con vật nhỏ xíu này.

Theo kết quả nghiên cứu của Tiến sỹ Thu Cúc  và công sự (Trường Đại học Cần Thơ) thì con bù lạch có kích thước rất nhỏ (chiều dài khỏang 0,6-0,8ly), mầu vàng đến vàng cam. Trứng được đẻ trong mô của lá non. Con ấu trùng rất nhỏ, cơ thể hình ống tròn.

Cả con trưởng thành và con ấu trùng đều tập trung ở những bộ phân non của cây như đọt non, lá non, nụ hoa, hoa và trái để chích hút nhựa, sau khi chích chúng để lại những chấm nhỏ lấm tấm như mũi kim chích mầu nâu đen nằm rải rác trên những bộ phận bị hại. Nếu nặng sẽ làm cho chóp và mép bìa lá non bị héo và khô đi, hoa sẽ bị khô và rụng, nếu trái còn non có thể làm trái bị khô, rụng, nếu trái đã lớn mới bị hại thì chúng sẽ để lại những vết chấm mầu nâu đen, tạo thành những vùng “da cám” xung quanh cuống trái.

Để hạn chế tàc hại của bù lạch, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

- Cố gắng xử lý cho xòai ra trái tập trung thành những thời vụ rứt điểm, không nên cho ra trái lai rai quanh năm. Biện pháp này nếu vận động được nhiều chủ vườn cùng tiến hành trên diện rộng thì mới có kết quả cao.

- Sau mỗi vụ thu họach nên cắt tỉa bỏ những cành nhánh không cần thiết, tạo cho vườn luôn thông thóang, cắt đứt nguồn lây lan của bù lạch.

- Vào những thời điểm xòai ra đọt non, lá non, ra hoa kết trái nên kiểm tra bù lạch thường xuyên (bằng kính lúp học sinh hoặc bằng kính lão có độ phóng đại lớn), để phát hiện sớm và có biện pháp diệt trừ kịp thời.

- Khi phát hiện có bù lạch có thể dùng máy bơm nước tưới vườn có áp suất cao phun xịt lên những bộ phận  thường có bù lạch bu bám, sẽ có tác dụng rửa trôi bớt bù lạch, trong thực tế sản xuất biện pháp này thường mang lại hiệu quả rất cao.

- Nếu phát hiện có nhiều bù lạch bạn có thể  sử dụng một trong các lọai thuốc sau đây để phun xịt: Marshal 200SC; Oncol 20EC hoặc 25WP; Trebon 10EC hoặc 20WP; Bascide 50EC; Regent 5SC; Admire 50EC; Confidor 100SL; ...Do bù lạch có tính kháng thuốc rất mạnh, và rất bền vững nên bạn cần phải thường xuyên luân phiên xử dụng thuốc, không nên chỉ phun xịt một lọai thuốc (dù thuốc đó rất có hiệu qủa). Về liều lượng và cách sử dụng bạn có thể đọc hướng dẫn có in sẵn trên nhãn thuốc./.