Tăng cường hợp tác quốc tế giúp các tỉnh phía Nam phát huy tiềm năng kinh tế vườn

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) cho biết: Viện đang mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm giúp các tỉnh thành phía Nam khắc phục các mặt hạn chế, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng kinh tế vườn theo hướng hội nhập và phát triển bền vững để nhà vườn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trước mắt, SOFRI đã hợp tác với Úc và Nhật triển khai đề tài nghiên cứu trồng ổi xen trong vườn cây ăn quả có múi nhằm ngăn chặn rầy chổng cánh phát tán vi rus gây bệnh vàng lá Greening tại hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.

Đây là các địa phương có nhiều diện tích vườn cây ăn quả có múi đang bị bệnh vàng lá Greening gây hại nặng nề. Có thể nói, trồng ổi xen canh cây ăn quả có múi đã mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn chặn rầy chổng cánh gây hại. Đề tài nghiên cứu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật đang được chuyển giao ra diện rộng. Đồng thời, các nhà khoa học Hoa Kỳ cũng đã trực tiếp đến tham quan, học tập mô hình để về nghiên cứu áp dụng tại nước họ.

Ngoài ra, Úc cũng hỗ trợ SOFRI triển khai dự án chống ruồi đục trái gây hại trên trái cây và các loại rau quả. Kết quả sự hợp tác nghiên cứu giữa hai bên đã cho ra đời chế phẩm sinh học có tên gọi Sofri Protein có nhiều ưu điểm trong phòng trừ ruồi đục quả trên rau quả. Cụ thể như trước đây nhà vườn phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần để phòng trừ ruồi đục quả vừa tốn kém, không an toàn, hiệu quả không cao.

Hiện nay, với chế phẩm sinh học mới, hiệu quả phòng trừ ruồi đục quả nâng lên mà rất an toàn cho con người cũng như môi trường. SOFRI còn hợp tác với New Zealand triển khai trồng thanh long theo hướng GAP nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu của loại trái cây đặc sản này.

Thông qua hợp tác trong giai đoạn 2006 – 2009, Thanh long Bình Thuận đã được cấp chứng nhận Global GAP - một giấy thông hành quan trọng cho cây ăn quả thời kỳ hội nhập. Trong năm 2009, SOFRI và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ký kết Dự án “Cải thiện hệ thống khuyến nông để áp dụng hệ thống canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả hơn cho nông dân nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long” với tổng kinh phí lên đến 3,9 triệu USD và 5 tỉnh được hưởng lợi là Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre.

Dự án sẽ hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây có múi cho nông dân nghèo các tỉnh trong khuôn khổ những hoạt động: thiết lập hệ thống vườn ươm, chăm sóc sức khỏe cây trồng, mô hình vườn kiểu mẫu, kiện toàn mạng lưới khuyến nông - khuyến viên...được triển khai giai đoạn 2009 – 2014.

SOFRI cũng hợp tác với nhiều nước khác như: Anh, Đài Loan, Ấn Độ, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)...trên các lĩnh vực: đào tạo cán bộ chuyên ngành, chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây ăn quả, kiện toàn bệnh viện cây trồng...mà nước ta đang rất cần.Với việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, SOFRI hy vọng cùng các tỉnh thành phía Nam khắc phục được các mặt hạn chế, phát huy được tiềm năng kinh tế vườn đóng góp vào việc xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như đảm bảo an sinh xã hội trong thời kỳ mới.

Các tỉnh, thành phía Nam có tiềm năng phát triển kinh tế vườn rất lớn với trên 282.000 ha vườn cây ăn quả các loại, chiếm trên 61% tổng diện tích vườn cây ăn quả hiện có của cả nước. Nơi đây tập trung nhiều loại cây ăn quả chất lượng ngon không thua kém các nước khác trên thế giới. Điển hình như: sầu riêng hạt lép RI6, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), chôm chôm nhãn Tân Phong (Tiền Giang), dứa, đu đủ, măng cụt, chuối cau...

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của nhà vườn tại đây là sản xuất manh mún, không tập trung; trình độ thâm canh không đồng đều đưa đến chất lượng nông sản chưa được qui chuẩn; thiếu sự liên kết tiểu vùng, liên kết vùng; chi phí sản xuất cao; đầu ra nông sản bấp bênh; điệp khúc trúng mùa - mất giá luôn là nỗi lo của bà con..../.

               Theo: TTXVN