Thiên địch làm sạch rau

"Mỗi người dân xã Đặng Xá hãy là một giám sát viên trong sản xuất rau an toàn". Khẩu hiệu đó được  treo khắp nơi, từ mái hiên trụ sở HTX đến những cột điện trong các thôn làng ở Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội).

Mô hình hay…

Nhằm giảm thiểu những rủi ro từ thuốc bảo vệ thực vật, người dân Đặng Xá sớm ý thức phát triển sản xuất những ruộng rau đảm bảo an toàn vì sức khoẻ người tiêu dùng và vì lợi nhuận của chính mình. Tuy nhiên, buổi đầu phát triển trồng rau, người dân cũng chủ yếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ khi có các nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu về triển khai thí điểm mô hình sản xuất rau sạch thì việc sử dụng các chế phẩm sinh học thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật mới được phổ biến ở các ruộng rau Đặng Xá.

Đặng Xá có khoảng 100 ha đất chuyên canh rau quả. Hiện, Chi Cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội, đang triển khai lớp tập huấn nuôi thả bọ đuôi kìm trên ruộng đậu đũa tại thôn Đổng Xuyên. Mô hình thí điểm thả bọ đuôi kìm bắt sâu trên đậu đũa nhằm hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, đem lại sản phẩm rau quả sạch, an toàn cho người sử dụng.

Trước đó, vụ Đông năm 2006, Phòng Côn trùng Thực nghiệm thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, đã tiến hành thử nghiệm mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thả thiên địch trên ruộng rau của một số hộ thôn Đổng Xuyên. Theo đó, các nhà khoa học mang những con ong mắt đỏ, bọ rùa đã được nhân nuôi tại phòng thí nghiệm sang thả tại các ruộng rau thí điểm. Với diện tích 5 sàođược triển khai, những con sâu hại rau như sâu tơ, rệp, muội… đã trở thành thức ăn  cho ong mắt đỏ và bọ rùa.

 Qua ba vụ thử nghiệm cho thấy, diện tích rau quả được thả thiên địch so với diện tích đối chứng (diện tích rau trồng phát triển tự nhiên, không được can thiệp bằng bất kỳ biện pháp phòng trừ sâu bệnh nào) có những tiêu chí phát triển tốt rõ rệt, rau quả tươi, sạch sâu, quả đẹp, cho thu hoạch nhiều lần. Quan trọng hơn, người trồng rau giảm được công lao động, không tốn tiền mua thuốc trừ sâu, rau quả đảm bảo an toàn với người sử dụng, các cửa hàng rau sạch sẵn sàng mua với giá cao hơn nhiều lần rau sản xuất đại trà khác.

Nhưng khó phổ biến

Đánh giá mô hình thử nghiệm thả thiên địch bắt sâu, cả người nông dân,  cũng như các nhà khoa học đều khẳng định sự thành công và hiệu quả tốt. Song, vấn đề đặt ra là, thí điểm xong thì mô hình cũng kết thúc. Đã hơn hai năm sau 3 vụ thử nghiệm, mô hình tốt nhưng chưa được nhân rộng ra các diện tích khác. Bà Nguyễn Thị Ngư ở thôn Đổng Xuyên - người có 3 sào ruộng liên tiếp tham gia tất cả các mô hình thử nghiệm, cho biết, khi kết thúc thời gian thử nghiệm, các nhà khoa học mang những con bọ trở lại viện nghiên cứu, trên ruộng vẫn còn lại những con thiên địch được sinh ra sau. Nhưng chúng không thể tồn tại được khi những ruộng rau bên cạnh đó vẫn có thuốc trừ sâu.

Còn theo ThS Nguyễn Quang Cường, Phòng Côn trùng Thực nghiệm (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), sở dĩ khó nhân rộng phổ biến các mô hình nuôi thả thiên địch trên đồng ruộng là vì chi phí cho nguồn thiên địch còn nhiều tốn kém. Chẳng hạn, để phòng trừ dệp, muội trên rau quả, cần thả thiên địch với mật độ 1,5 con/m2, tương đương 1 sào rau phải có 300 con thiên địch, trung bình thiên địch có giá từ 2.500đ - 3.500đ/con. Như vậy, 1 sào rau cần chi phí khoảng 900.000đ, trong khi nếu sử dụng thuốc trừ sâu thì chỉ cần vài chục nghìn là đủ cho mấy sào rau. Cũng theo ông Cường, để có thể nhân nuôi thành công thiên địch như bọ rùa, hay ong mắt đỏ, cần đầu tư một loạt trang thiết bị tốn nhiều kinh phí như nhà lưới, điều hoà, cabin nuôi…

 Có thể nói, việc các mô hình nuôi thả thiên địch có khả thi hay không phụ thuộc vào nguồn cung thiên địch. Hay nói cách khác, để các phòng thí nghiệm, các Viện nghiên cứu có thể nhân nuôi thành công nhiều thiên địch có ích, cần đầu từ kinh phí hỗ trợ cho các nhà khoa học. Đồng thời, người trồng rau cũng cần được tuyên truyền để có thể ý thức hơn nữa trong việc phát triển, sản xuất rau an toàn. Không thể tồn tại ruộng rau có thiên địch bên cạnh những ruộng rau vẫn sử dụng thuốc trừ sâu.

                               Nguồn khoahocphattrien.com.vn