Sản xuất rau theo hướng hữu cơ

Lương thực, thực phẩm ô nhiễm đang là mối lo thường ngày không chỉ riêng của người nội trợ, mà là của toàn xã hội. Với mục đích lâu dài nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng, Viện Nghiên cứu Rau quả bắt đầu nghiên cứu sản xuất rau theo hướng hữu cơ (2005 – 2007).

Đây là biện pháp trồng trọt không sử dụng hoá chất như phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng. Canh tác hữu cơ là đỉnh cao của sự phát triển nông nghiệp bền vững để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như các loại sản phẩm rau quả “siêu sạch”, đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và cộng đồng.

Trồng rau theo hướng hữu cơ có thể được áp dụng ở mọi nhà, mọi lúc, mọi nơi, ngay tại các hộ dân từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo, đất cát, đất mặn, ngoài đồng ruộng, mảnh vườn nhỏ thậm chí cả trên ban công, tầng thượng khu chung cư...

Các loại phụ phẩm nông nghiệp có thể tận dụng để ngâm ủ, bổ sung hàm lượng mùn, đạm hữu cơ cho cây trồng như cỏ rác, rơm mùn, bã đậu, xác tôm cá, rong tảo biển...

Cách thức sản xuất đơn giản, dễ áp dụng cho qui mô nhỏ hộ gia đình. Có thể trồng ngoài đồng hay bằng chậu, vại, liếp... trên đất hoặc sử dụng giá thể hữu cơ SAPRO-01 của Hà Nội Organic hay GT-05 của Viện Nông hoá Thổ nhưỡng; sử dụng chậu đất nung, xi măng, nylon ... (đường kính x chiều cao: 35 x 25 cm - đối với cải ngọt; miệng hẹp và sâu hơn đối với dưa chuột 25 x 35 - 40 cm).

1. Sản xuất rau cải ngọt theo hướng hữu cơ

* Trồng trong chậu: Đất: 5 – 6 kg đất/chậu; giá thể: 3,5 - 4 kg/chậu (có thể trồng liên tiếp 3 - 4 vụ, vụ sau chỉ cần bổ sung 0,5 – 1,0 kg/chậu). Nếu trồng trên đất nên bón lót 0,4 – 0,5 kg/chậu phân chuồng ủ mục; 10 g phân vi sinh BIOGRO bón qua gốc/chậu; nếu trồng trên giá thể nên bón 0,1 kg phân chuồng ủ mục/chậu. Gieo 25 – 30 hạt/chậu, phủ đều trấu hoặc rơm mùn lên mặt chậu. Tưới nước sạch ngày 1 - 2 lần, bằng ô doa; lượng tưới vừa phải.

* Trồng ngoài đồng: Bón lót: 40 – 50 tấn phân chuồng ủ mục/ha; phân vi sinh bón qua gốc: 1 - 3 tấn/ha, lượng hạt gieo 0,5 – 1 g/m2. Tưới luân phiên dinh dưỡng bổ sung (nước đậu tương ngâm, phân chuồng ngâm hoặc axit Humic 0,6%) 2 – 4vụ/ lần khi trồng trên đất; 1 - 2 lần/vụ khi trồng trên giá thể.

Nhổ tỉa thu hoạch rau mầm ngay sau khi gieo 10 – 20 ngày. Giai đoạn sau chỉ nên để lại 10 cây/chậu, tiếp tục thu hoạch trong khoảng thời gian 25 - 35 ngày sau gieo tùy theo thời vụ và mức độ tiêu thụ.

2. Sản xuất dưa chuột theo hướng hữu cơ

Chọn hạt giống lai F1, F2 khoẻ, sinh trưởng tốt, hạt giống không xử lý hoá chất bảo quản, không phải giống chuyển gen, chống chịu sâu bệnh.

* Trồng trong chậu vại: Sử dụng đất: 6 kg đất/chậu; sử dụng giá thể: 4,5 - 5,0 kg/chậu.

Bón lót: Khi trồng trên đất nên bón 1,8 - 2,1 kg phân chuồng ủ mục/chậu; 75 - 80 g/chậu; phân vi sinh BIOGRO bón qua gốc; trồng trên giá thể nên bón 0,7 – 0,8 kg phân chuồng ủ mục/chậu. Gieo trồng: 1 - 2 cây/chậu; phủ gốc bằng rơm mùn.

b) Trồng ngoài đồng: Cày phơi ải, làm đất nhỏ, lên luống rộng 1,2 - 1,4 m; rãnh sâu 25 - 30 cm, rộng 30 cm. Bón lót: Phân chuồng ủ mục: 50 - 60 tấn/ha; phân vi sinh bón qua gốc: 2 tấn/ha; tro bếp: 1,0 – 1,5 tấn/ha. Khoảng cách trồng 70 - 80 x 35 - 45 cm. Tưới luân phiên dinh dưỡng bổ sung 7 - 10 ngày/lần từ đầu đến cuối vụ.

Thu hoạch: Thu quả hàng ngày (sáng sớm hoặc chiều mát) từ 25 - 30 ngày sau trồng và thường kéo dài 1 – 2 tháng tùy theo mùa vụ, chế độ chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Sử dụng vật dụng thu hái, chuyên chở hợp lý, đảm bảo vệ sinh.

Quản lý dịch hại khi trồng rau theo hướng hữu cơ: Mật độ sâu bệnh hại thấp. Trên cải ngọt chỉ có sâu xanh, sâu tơ gây hại; có thể bắt bằng tay hoặc phun 1 lần, 1 loại thuốc sinh học như Vineem, Vibamec... Trên dưa chuột, nên phun dung dịch chiết xuất của tỏi, thuốc lá để xua đuổi bọ phấn; Vineem, Abamectin, V- Bt, TP - Thần điền... để phòng trừ rệp, sâu xanh; mức độ hại của các bệnh hại như sương mai, phấn trắng không cao, có thể sử dụng TP - zep (thuốc thảo mộc).

Nguồn khoahocchonhanong.com.vn