Trồng bí đỏ

Bí đỏ khá dễ trồng, có khả năng chịu hạn khá nhưng nếu khô hạn quá dễ bị rụng hoa và trái non. Cây không kén đất nhưng cần thoát nước tốt, vì chịu úng kém.

Có 2 giống được ưa chuộng, là: bí Vàm Răng, trồng nhiều ở Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng. Trái tròn dẹp, có khía, nặng 3- 5kg, trái già màu vàng, vỏ hai da, thịt dày, dẻo, màu vàng tươi, phẩm chất ngon. Giống bí trái dài Ban Mê Thuộc, trồng miệt miền Đông Nam Bộ. Trái bầu dục dài, nặng 1- 2kg, vỏ vàng xanh hay vàng, trơn láng hay sần sùi, thịt mỏng, màu vàng tươi đến vàng cam, ít dẻo, ngon ngọt.

Bí đỏ trồng được quanh năm. Mùa khô gieo tháng 11- 1 dl, thu hoạch tháng 3- 4 dl; mùa mưa gieo tháng 5- 6, thu hoạch tháng 8- 9 dl. Trồng trên đất bờ hoặc đất ruộng sau mùa lúa đều được, làm đất như trồng dưa hấu. Mặt luống rộng 0,7m, cao 0,2- 0,3m, mương rộng 0,4- 0,6m. Khoảng cách cây 0,5  x  0,7m.

Bón phân cho 1.000m2: 20-25kgN + 15-20kg P205 + 9-10kg K20. Ngoài ra, có thể phun phân bón lá như HVP, Komix, Bioted,... từ 7-10 ngày/lần.

Khi dây bí dài 1m, lấy đất đắp đoạn thân giúp dây phát triển rễ phụ tăng khả năng hút chất dinh dưỡng, chỉ nên chừa 2- 4 nhánh tốt nhất/dây. Tỉa bớt lá chân hoặc lá vàng úa, để ong bướm dễ tìm hoa hút nhụy, tăng tỷ lệ đậu trái.

Hoa đực ở bí đỏ rất nhiều gấp 20 lần hoa cái, có sớm hơn hoa cái vài ba ngày. Khoảng 35 ngày sau khi trồng hoa cái bắt đầu nở. Hoa nở vào buổi sáng sớm, thường thì hoa đực và hoa cái trên một cây nở hoa không cùng lúc mà hạt phấn chỉ thụ tinh trong vài giờ, vì vậy thụ phấn nhân tạo rất cần thiết để đảm bảo năng suất. Ngắt hoa đực, bỏ hết đài và cánh hoa, quét nhị đực lên nướm vòi nhụy. Không nên phun thuốc trừ sâu xông hơi mạnh trong thời gian chấm nụ. Mỗi dây để 1- 3 trái. Phòng trừ sâu bệnh cũng giống như dưa leo, khổ hoa. 

Có thể thu trái non (khoảng 30 ngày sau khi đậu trái), trái thu non hái được nhiều trái và dây lâu tàn.

Nguồn www.baovinhlong