Hồng Châu - Giống cà chua chống bệnh vàng xoăn lá

- Là giống cà chua lai F1 dạng bán hữu hạn, sinh trưởng, phát triển khoẻ, chiều cao cây từ 1,2 - 1,4 m. Thời gian từ trồng đến thu hoạch 60 - 65 ngày, thời gian thu hoạch kéo dài từ 30 - 60 ngày (tuỳ theo chế độ chăm sóc).

- Chống chịu được bệnh vàng xoăn lá - TYLCV, bệnh đốm lá.

- Có khả năng chịu nhiệt tốt, có thể trồng được nhiều vụ trong năm đặc biệt thích hợp cho trồng trái vụ ở miền Bắc và mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Khả năng đậu quả rất tốt, sai quả, trọng lượng quả từ 80 - 120g/quả. Năng suất quả trung bình từ 2,5 - 3,0 kg/cây.

- Dạng quả hình trứng (quả hồng), quả chín có mầu sắc đỏ đẹp, thịt quả dầy, quả cứng, không bị nứt quả, ít hao hụt khi vận chuyển xa.

- Độ Brix 4,5 - 5,0% phù hợp với nhu cầu ăn tươi và chế biến.

Những điểm chú ý khi trồng cà chua Hồng Châu:

1. Thời vụ:

- Miền Bắc: Có thể trồng ở nhiều thời vụ khác nhau. Vụ sớm: tháng 7 (dương lịch). Chính vụ: tháng 8 - tháng 10. Vụ muộn: tháng 12 - tháng 2 năm sau.

- Miền Nam: Trồng trong mùa mưa. Gieo hạt tháng 4, 5 thu hoạch tháng 8, 9.

2. Đất trồng:

- Chọn những chân đất thịt nhẹ, đất phù sa cổ, đất cát pha. Ruộng trồng cà chua cần chủ động tưới tiêu. Cần cày bừa kỹ và dọn sạch cỏ dại trước khi trồng. Nên luân canh cây cà chua với các cây trồng khác, không nên trồng cà chua nhiều vụ liên tiếp hoặc trồng trên đất đã trồng các cây họ cà trước đó.

3. Mật độ trồng:

- Trồng luống (hàng đôi) 1,2 - 1,4 m, luống cao 20 - 30 cm, trồng hàng cách hàng 50 - 60 cm, cây cách cây 40 - 45 cm. Luống đơn 0,9 - 1m, trồng cây cách cây 40 - 50 cm.

- Mật độ trồng khoảng 2.200 - 2.500 cây/1.000 m2 tương đương 800 - 900 cây/sào Bắc bộ 360 m2.

4. Chăm sóc:

- Làm giàn: Làm giàn cao 1,6 - 2m, có 2 - 3 tầng giàn ngang (cắm chà cao 1,5 – 2m, giăng 2 tầng).

- Tỉa cành: Mỗi cây giữ lại 1 thân chính và một nhánh bên, tỉa bỏ các nhánh còn lại.

- Tưới tiêu: Phải giữ ẩm thường xuyên cho cây cà chua đặc biệt ở giai đoạn ra hoa và quả non. Cần chú ý thoát nước tốt, tránh ngập úng.

5. Phân bón (lượng dùng cho 1.000 m2):

- Phân chuồng 1.500 kg + 50 kg vôi bột + 40 kg super lân. Bón lót toàn bộ trước khi trồng. (Ở phía Nam có thể bón nhử sau trồng 7-10 ngày với lượng 7-10 kg ure/1.000m2).

+ Thúc 1 (sau trồng 20 - 25 ngày): 15 - 30 kg NPK + 7 - 10 kg Canxi nitrate.

+ Thúc 2 (sau trồng 40 - 45 ngày): 20 - 25 kg NPK + 7 - 10 kg KCl.

+ Sau mỗi lần thu quả cần bón bổ sung cho cây từ 10 - 15 kg NPK.

Chú ý: Hạn chế sử dụng các loại phân đơn bón cho cà chua, đặc biệt không nên bón nhiều đạm. Nên dùng các loại phân NPK phức hợp... Nên căn cứ vào tình trạng cây trên đồng ruộng, có thể bón bổ sung cho phù hợp, có thể sử dụng các loại phân bón qua lá, phân chuyên dụng như Agriviet, Delta... nhằm giúp cho cây tăng khả năng kháng bệnh, tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Trước khi ra ruộng 5 - 7 ngày, dùng Actara 25 WG tưới gốc vườn ươm. Phòng bệnh héo xanh vi khuẩn bằng hỗn hợp 1 lọ Steptomixin + 1 lọ Penicilin + 1 lít nước tưới cây con trước khi trồng 3 ngày.

6. Phòng trừ sâu bệnh:

- Sâu hại: Phòng trừ dòi đục lá bằng Trigard (20cc/16 lít) hoặc Vertimec (20cc/16 lít); sâu xanh da láng, sâu xanh, sâu ăn lá bằng Proclaim (20cc/16 lít), Pegasus (20cc/16 lít); Chú ý phòng trừ rầy mềm đặc biệt là bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh vàng xoăn lá bằng Actara (4g/16 lít).

- Bệnh hại: Phòng trị bệnh đốm vòng hại cà chua bằng Score (10cc/16 lít); Bệnh sương mai dùng Ridomil Gold (50g/16 lít), chú ý phun phòng bệnh sương mai theo định kỳ bằng các loại thuốc gốc đồng (Cu). Bệnh héo xanh do vi khuẩn gây ra, cần áp dụng các biện pháp canh tác để hạn chế bệnh như luân canh trên đất lúa, bón lót vôi bột (500kg/ha), sử dụng màng phủ nông nghiệp, thoát nước tốt trong mùa mưa, nhổ cách ly sớm cây bệnh. Sử dụng Actara 25WG phun khi phát hiện thấy bọ phấn trắng.

- Cỏ dại: Phun Gramoxone (100cc/16 lít) giữa hàng, giữa luống. Chú ý: Tránh phun tiếp xúc lá cà chua.

Nguồn bee.net.vn