Nuôi trồng thành công nấm rơm lụa bạc

Các nhà khoa học thuộc Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên đã nghiên cứu thành công quy trình trồng nấm rơm lụa bạc ở Việt Nam.

1nuoi.jpg

Trồng nấm rơm lụa bạc

Loài nấm rơm mọc trên gỗ

PGS.TS Phạm Thành Hổ, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nấm rơm lụa bạc là loài nấm tự nhiên, ăn rất ngon và có tên trong danh mục nấm lớn của Việt Nam. Tên gọi là nấm rơm nhưng chúng không mọc trên rơm rạ như nấm rơm thường, cũng không mọc trên mùn cưa mới và không mọc trên nguyên liệu đã mùn hóa để trồng nấm mỡ mà chỉ mọc trên gỗ mục.

Trong quá trình trồng nấm bào ngư bằng mạt cưa cao su không khử trùng, người ta phát hiện ngẫu nhiên ở một số bịch nấm để lâu ngày xuất hiện một loại nấm lạ có nụ trắng giống nấm rơm nhưng khi nụ nấm to dần và nấm nở ra thì có màu vàng lụa và mũ nấm có vảy óng ánh bạc.

Điều đáng nói là từ trước đến nay kỹ thuật trồng loài nấm này trên thế giới chưa có vì nhu cầu dinh dưỡng của chúng khá đặc biệt. Do đó, từ trước đến nay chỉ có vài nghiên cứu bước đầu là mô tả một số đặc điểm sinh học của chúng trong phòng thí nghiệm.

Từ năm 1990, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Phạm Thành Hổ đứng đầu đã tiến hành phân lập, trồng nấm và nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi trồng loài nấm rơm lụa bạc ở Việt Nam.

Đến năm 2002, nhóm đã có các công bố đầu tiên về đặc điểm sinh học và kỹ thuật trồng loài nấm này trong phòng thí nghiệm, đó là các kết quả thí nghiệm lần đầu tiên của nấm rơm lụa bạc được phân lập, bảo quản và thử nghiệm khả năng tăng trưởng trên các cơ chất khác nhau ở Việt Nam.

Mở ra một thị trường mới

Sau các công bố đầu tiên tại phòng thí nghiệm này, từ năm 2003, nhóm tiếp tục nghiên cứu về nấm rơm lụa bạc và gần đây nhóm đã có các kết quả của các thí nghiệm sau cùng. Đó là đã đưa ra quy trình nuôi trồng nấm rơm lụa bạc hoàn chỉnh với những thông số cụ thể như sau: Nguyên liệu nuôi trồng: Mùn cưa đã qua sử dụng có bổ sung cám lúa 2%, urê 2‰.  Thời gian từ khi cấy meo đến khi đem tưới là 17 ngày, điều kiện ủ tơ: Nơi thông thoáng, ánh sáng khuếch tán. Thời gian từ lúc bắt đầu tưới đến thu hái lần 1: 7 ngày...

Đặc biệt, với quy trình trên, hiệu quả sinh học của việc trồng nấm rơm lụa bạc không thấp hơn so với nấm rơm thường. Kết quả nuôi trồng thử nghiệm nấm rơm lụa bạc trên cơ chất mùn cưa bã với 2% cám gạo và 2‰ urê cho ra quả ở 100% sô bịch. 

Như vậy, mất gần 20 năm nghiên cứu (từ năm 1990 đến nay), các nhà khoa học đã tìm được nguyên liệu trồng nấm là bã mùn cưa cao su sau khi đã trồng nấm (mộc nhĩ, nấm bào ngư, linh chi,...) hoặc bông phế thải có bổ sung dưỡng chất. Nấm này có hai ưu điểm thuận tiện cho xuất khẩu ở dạng tươi (nấm rơm thường không có) là mũ nấm chậm nở và thời gian bao quản lạnh dài hơn 2 tuần. Thành công này cho thấy Việt Nam có khả năng sản xuất nấm rơm lụa bạc quy mô lớn cung cấp cho thị trường.

                                         (Theo NLĐ)