Giống ngô bắp siêu dài LVN146

Giống ngô lai đơn LVN146 là một sản phẩm mới của Viện Nghiên cứu Ngô, tham gia mạng lưới khảo nghiệm sản xuất vụ thu đông 2009 tại các tỉnh phía Bắc, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

    Từ vụ đông 2009, các nhà khoa học đã xây dựng mô hình trình diễn giống ngô lai đơn LVN146 tại 5 tỉnh với 11 điểm trình diễn, kết quả khảo nghiệm VCU và sản xuất cho thấy: LVN146 có thời gian sinh trưởng trung bình sớm: ở các tỉnh phía Bắc vụ xuân từ 120 - 125 ngày, vụ đông từ 105-110 ngày và ở các tỉnh phía Nam từ 95 - 100 ngày. Khả năng chống chịu: LVN146 nhiễm nhẹ các bệnh khô vằn, gỉ sắt và bệnh cháy lá lớn.

    Chống chịu sâu đục thân và đục bắp khá; chống đổ, chịu hạn khá. LVN146 có dạng hình cao cây (220 - 230 cm), đóng bắp cao (90 - 110cm), bộ lá xạnh bền, chịu thâm canh cao. Năng suất trung bình của LVN146 tại các điểm khảo nghiệm trên toàn quốc đạt 69,6 tạ/ha, có 66% số điểm khảo nghiệm có năng suất cao hơn cả 2 đối chứng, năng suất có thể đạt 110 tạ/ha. Năng suất của LVN146 ở các điểm khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất và xây dựng mô hình đều vượt giống đối chứng từ 10 - 12%. LVN146 có khả năng thích ứng rộng. Đó là những điều trong báo cáo, còn thực tế thì sao?

    Chúng tôi có mặt tại mô hình trình diễn giống LVN146 ở xã Lương Lỗ (Thanh Ba, Phú Thọ). Anh Lê Văn Ngạc - Trưởng Trạm khuyến nông Thanh Ba thú thực với tôi rằng, lúc đầu vụ, thời tiết hạn hán kéo dài, thiếu nước trầm trọng nên đặng chẳng đừng huyện mới đưa cây ngô vào diện tích không cấy lúa được mà cũng chẳng dám hy vọng gì mấy. Đất kém, thiếu nước, bà con lại chỉ bón có 6-8kg đạm/sào chưa đủ sức “ăn uống” của anh chàng vốn có thể chất vâm vam cao lớn là LVN146. Ấy vậy mà LVN 146 tỏ ra quá “hiền lành”, dễ tính và có những đặc tính quý của con nhà khó.

    Nó có độ đồng đều cao, bộ rễ chân kiềng phát triển mạnh, chống đổ, chống hạn tốt, trỗ cờ phun râu tập trung, bộ lá xanh bền đến lúc thu hoạch. Điều mà bất cứ cán bộ nông nghiệp hay bà con nông dân nào khi tham quan mô hình ở Lương Lỗ, khi tận tay lột từng lớp vỏ ra đều dùng gang tay để đo rồi trầm trồ, xuýt xoa rằng: “Ngô gì mà bắp dài thế”. Có những bắp chính tay tôi đo được dài cỡ 25-27cm, còn trung bình cứ diễn đều từ 18 - 22 cm với 14 - 16 hàng hạt.

    Chiều dài bắp này hơn hẳn những giống đối chứng cỡ 3-5cm. Đã thế bắp còn sâu cay, hạt màu vàng cam, lá bi bao kín bắp, tỷ lệ hạt/bắp từ 78 - 80%, khối lượng 1.000 hạt lớn hơn 300 gram. Trong cùng điều kiện kham khổ của thời tiết khắc nghiệt đặc biệt vụ xuân 2010 đã là một cuộc thí nghiệm tuyệt vời cho khả năng chịu đựng của các giống ngô trên cánh đồng Lương Lỗ. LVN146 tỏ ra trội hơn hẳn với năng suất trung bình 232kg/sào. Điều ấy bộc lộ rõ qua những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười roi rói, những cái bắt tay thật chặt của nông dân nơi đây với những người đi chuyển giao giống.

    TS. Bùi Mạnh Cường - tác giả của LVN146 bật mí trong điều kiện thâm canh có tưới giống có thể đạt được năng suất tối ưu là 10 tấn/ha. Để có được năng suất đỉnh cao ấy, ông có ba “lá bùa” tặng bà con. Tôi tò mò muốn biết trong ba lá bùa ấy vị tiến sĩ viết những gì. Hoá ra cũng đơn giản. Thứ nhất là thời vụ trồng tốt nhất vào vụ xuân và thu đông. Thứ hai trồng đúng mật độ, khoảng cách. Thứ ba bón đủ liều lượng (đạm cỡ 12kg/sào, phân các loại đủ khuyến cáo), đúng thời kỳ sinh trưởng (cây con, giai đoạn 5 lá, giai đoạn trước trỗ) và đúng cách. Vậy thôi.

Theo NN