Cách trị bệnh chổi rồng, vàng lá trên cây ăn quả

Người dân thu hoạch nhãn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN) Nhiều giải pháp phòng, trị sâu bệnh chổi rồng trên cây nhãn và bệnh vàng lá trên cây cam sành, đang được ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long chủ động phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu, áp dụng.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long cho biết chi cục đang phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện, chuẩn bị báo cáo và nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu bệnh chổi rồng trên cây nhãn.”

Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Long có gần 3.000/7.000 ha nhãn đang bị nhiễm bệnh chổi rồng với tỷ lệ gây hại từ 9 đến 40%.

Qua nghiên cứu bước đầu, Chi cục đã phát hiện loài nhện lông nhung - loại nhện thích râm mát, sợ ánh sáng - có liên quan đến bệnh chổi rồng trên cây nhãn.

Bệnh xuất hiện trên các chồi lá non và ngay cả trên hoa, làm cho chồi lá, hoa không phát triển được và mọc thành chùm, các lá này không lớn lên được và cụm lại như bó chổi; nếu trên hoa thì làm cho hoa kém phát triển và khả năng đậu quả rất kém.

Chi cục khuyến cáo và tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nhà vườn các biện pháp quản lý bệnh chổi rồng bằng cách cắt bỏ khoảng 50cm những cành có lá, hoa bị bệnh, phun nước thường xuyên, tổng vệ sinh vườn...

Khi nhãn ra cơi đọt làm bông chuyển màu xanh lụa, bón phân với hàm lượng lân và kali cao, khi đọt chuyển sang già đồng đều thì tiến hành xử lý bằng clorua kali.

Đặc biệt, khi cây nhãn ra hoa và trong giai đoạn nuôi hoa đến khi cây đậu trái cần phun ngừa thuốc định kỳ như giai đoạn sau thu hoạch.

Bón phân cân đối, đúng cách trong từng giai đoạn ra đọt, hoa và trái; kết hợp phun xịt thuốc diệt nhện lông nhung cho giai đoạn khi cây chuẩn bị ra đọt và trong giai đoạn ra đọt non.

Đối với cây có múi như cam sành, bưởi Năm Roi trên địa bàn Vĩnh Long, sâu bệnh hiện nay chủ yếu là bệnh vàng lá, tỷ lệ bệnh từ 7 đến 20%, gây hại tập trung ở các huyện Tam Bình, Mang Thít, Trà Ôn, Vũng Liêm.

Trong năm 2009, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đã được Ban điều phối dự “Tăng cường hoạt động khuyến nông để áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây có múi cho nông dân nghèo 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” chọn xây dựng mô hình khắc phục bệnh vàng lá trên diện tích 1ha cam sành.

Hiệu quả bước đầu là dự án đã giúp địa phương nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng diện tích trồng cam sành theo hướng bền vững.

Huyện Trà Ôn cũng là địa bàn trọng điểm phát triển cây có múi. Năm 2010, trên địa bàn huyện Trà Ôn đã có khoảng 25% diện tích cam đang bị bệnh vàng lá làm ảnh hưởng đến thu nhập kinh tế của nhà vườn và chỉ tiêu phát triển cây cam sành chủ lực của huyện./.

Theo Vietnam+