Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng tấn công cây nhãn chủ yếu ở các lộc non và chồi hoa. Khi cây bị nhiễm bệnh thì đọt non và bông bị biến dạng, xoăn tít lại giống như bó chổi, khiến cho các bộ phận này không phát triển được, nên khả năng đậu trái kém, năng suất giảm sút nhiều, thậm chí mất trắng. Qua nghiên cứu của các nhà chuyên môn thì bệnh chổi rồng phát sinh và phát triển nhanh trên cây nhãn là do một loài vi khuẩn sống ký sinh trên cây ký chủ, chúng lây truyền bệnh chủ yếu qua vết thương của côn trùng chích hút trên cây. Đối tượng nhện lông nhung được khẳng định có liên quan rất mật thiết với dịch bệnh này. Hiện, dịch chổi rồng đã phát triển tràn lan ở khắp nơi, hầu như vườn nào ít nhiều gì cũng bị nhiễm. Không chỉ gây hại trên cây lớn, bệnh chổi rồng còn tấn công cả các cây còn nhỏ. Bệnh chổi rồng hiện đã trở thành một đại dịch, gây thiệt hại nặng nề cho các nhà vườn trồng nhãn ở Kế Sách nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Để khắc phục và ngăn chặn sự phát triển của bệnh chổi rồng trên cây nhãn, Trạm Bảo vệ thực vật cùng Hội Nông dân huyện Kế Sách vừa phối hợp với Công ty cổ phần Nông dược HAI - Chi nhánh Sóc Trăng tổ chức buổi tọa đàm để triển khai các biện pháp phòng trị bệnh chổi rồng trên nhãn. Trước đó, ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện đã tiến hành các biện pháp phòng trừ dịch bệnh chổi rồng trên nhãn với nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức lễ phát động ra quân phòng chống bệnh chổi rồng, các buổi tọa đàm hay các cuộc hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật... Toàn huyện Kế Sách hiện có khoảng 2.400 ha chuyên nhãn; dịch bệnh chổi rồng vừa qua có khoảng 2.000 ha bị nhiễm, trong đó nhiều nhất là ở các xã: Phong Nẫm, An Lạc Thôn, An Lạc Tây và Nhơn Mỹ. Đồng chí Huỳnh Ngọc Hạp - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách cho biết: “Vừa qua, huyện được tỉnh hỗ trợ trình diễn 10 mô hình áp dụng các quy trình phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn, đến nay các mô hình này đều phát huy hiệu quả tốt. Mô hình trình diễn đã triển khai các bước cơ bản theo giai đoạn sinh trưởng của cây nhãn gồm: Hướng dẫn nhà vườn cách cắt tỉa bỏ tất cả các cành nhãn bị nhiễm bệnh, kỹ thuật chăm sóc cây trồng khỏe, quản lý dịch hại, bổ sung các loại dinh dưỡng cho cây và phun thuốc vào thời điểm thích hợp để diệt nhện lông nhung… Như vậy, thông qua việc áp dụng các quy trình phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn đến nay, toàn huyện chỉ còn khoảng 400 ha nhiễm nặng, số diện tích còn lại cơ bản được khống chế và không lây lan”. Tại buổi tọa đàm, các nhà vườn trên địa bàn huyện được ông Đỗ Nguyễn Trường Đức Minh - Giám đốc Công ty cổ phần Nông dược HAI - Chi nhánh Sóc Trăng giới thiệu tóm tắc về quy trình phun thuốc xử lý nhãn chổi rồng. Theo đó sẽ có các bước cơ bản như: Cắt tỉa cành, vệ sinh vườn. Sau khi cắt tỉa cành cần phun thuốc rửa vườn, pha 100ml Carbenda Supper cộng với 100ml Takare cho 100 lít nước. Sau đó, kết hợp phân bón gốc lần 1 (đối với cây nhãn 6 năm tuổi): 100gr Ure cộng 500gr lân cộng 300 gr Kali cộng 100gr HAI Chyoda bón cho 1 gốc. Ngoài ra, trong quá trình xử lý cần tiến hành phun thuốc 6 lần. Trong đó, có 2 lần cơi đọt gồm: cơi đọt 1 lúc nhãn vừa nhú đọt khoảng 5mm và sau khi phun lần 1 khoảng 7 ngày; cơi đọt 2 lúc nhãn vừa nhú và sau khi phun lần 3 khoảng 7 ngày... “Trong quá trình nuôi trái, bà con nhà vườn có thể sử dụng phân bón Calci Nitrate và HAI Chyodo để nuôi trái, ngoài ra nên sử dụng PBL King và Dekamon để phun dưỡng trái. Bên cạnh đó, bà con có thể sử dụng các loại thuốc Nurelle D, Altach, Oncol, Nouvo và Mospilan để trừ sâu, rệp sáp và bọ xít nhãn và sử dụng Carbenda Supper để trừ bệnh cho trái nhãn”. Đồng chí Huỳnh Khởi - Quyền Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Hơn 80 nhà vườn đến từ các xã có diện tích trồng nhãn lớn trên địa bàn huyện tham dự buổi tọa đàm và đại đa số đồng tình với các giải pháp mà ngành chuyên môn và đại diện Công ty cổ phần Nông dược HAI - Chi nhánh Sóc Trăng đưa ra. Buổi tọa đàm đã giúp cho người trồng nhãn xây dựng được quy trình và kỹ thuật chăm sóc phù hợp, từ đó rút ra những kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế, làm hạn chế tác hại của bệnh chổi rồng, giảm bớt thiệt hại cho bà con nông dân”.
Hiện nay, tuy chưa thể loại trừ triệt để bệnh chổi rồng, nhưng qua việc thực hiện các “mô hình quản lý bệnh chổi rồng trên nhãn” và thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo... về bệnh chổi rồng ở Kế Sách cho thấy khả năng khống chế khá tốt sự xuất hiện và lây lan trên diện rộng của chúng. Kết quả trên, bước đầu cho phép xác lập được quy trình kỹ thuật tạm thời để quản lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các nhà khoa học, sự quan tâm của ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện cùng các cấp chính quyền địa phương và sự tham gia phòng chống tích cực của bà con nông dân, thì bệnh chổi rồng sẽ được khống chế và từng bước bị tiêu diệt, đảm bảo an toàn cho các vườn nhãn, giữ vững nguồn thu nhập cho nhà vườn.
Nguồn: http://web.soctrang.gov.vn
Các bài viết khác...
- - Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
- - Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
- - Cách trị bệnh chổi rồng, vàng lá trên cây ăn quả
- - Kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh
- - Lắp đặt tưới tiết kiệm cho cây ổi - Lợi nhuận tăng gấp đôi
- - Dùng kiến vàng để diệt sâu cho vườn cây ăn trái
- - Trồng xen măng cụt trong vườn cây ăn trái khác cho hiệu quả kinh tế cao
- - Dòi hại đọt bưởi - Côn trùng mới
- - Canh tác ca cao trên đất nhiễm mặn
- - Trồng bưởi da xanh trong vườn dừa, thu nhập hàng năm 170 triệu đồng
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...