Biện pháp cải tạo vườn xoài năng suất thấp

Tình trạng xoài trồng đã quá chu kỳ sinh trưởng nhưng không cho quả, hoặc cho năng suất thấp đang trở thành vấn đề thời sự ở nhiều địa phương miền Trung hiện nay. ^Tại huyện An Lão – Bình Định mới đây, nông dân đã chặt đốn hàng trăm cây xoài không thương tiếc. Có nhiều nguyên nhân tác động, nhưng trong đó có 2 nguyên nhân cơ bản được Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Duyên hải (NCNNDH) Nam Trung bộ xác định: Giống và kỹ thuật canh tác chưa đáp ứng.

Theo đó, TT đã chọn vườn xoài cát Hòa Lộc trồng được 6 năm tuổi tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát (Bình Định) để trình diễn mô hình xử lý khắc phục. Sử dụng các chất ức chế sinh trưởng để kích thích – biện pháp kỹ thuật tác động thứ nhất: Được tiến hành theo 4 công thức thí nghiệm, phun thành 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10 ngày. Kết quả cho thấy, khi xử lý KClO3­ thì tỷ lệ chồi ra hoa đạt 22,0%, trong khi đối chứng chỉ có 0,7%; đặc biệt là xử lý Pacloputazol tỷ lệ chồi đạt tới 28,0%, tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 12,1% - 22,1%, cao hơn đối chứng từ 11,6 – 21,6%; theo đó năng suất thu hoạch đạt từ 60,1 – 78,2 quả/ cây, cao hơn từ 57,2 – 75,3 quả/ cây, nhưng trọng lượng vẫn đạt bình quân 500 gam/quả (nếu quy đổi trên đơn vị ha thì năng suất vườn xoài sau khi tác động các chất kích thích đã làm thay đổi năng suất từ 290 kg/ ha lên hơn 6 tấn/ ha, thậm chí đạt tới gần 8 tấn/ ha – đối với Pacloputazol).

Biện pháp thứ hai: Sử dụng phương pháp ghép chồi ở cành cấp 3 hoặc cấp 4 để thay thế giống cũ bằng các giống mới (được TT bình tuyển trước đó: GL1, GL2, Ấn Độ lai, đá trắng, HV1, XDH1 và XDH3). Sau 21 tháng cho thấy, tỷ lệ chồi ra hoa hữu hiệu ở các công thức thí nghiệm đều vượt xa so với giống xoài cũ (không ghép cải tạo) từ 19,5% - 41,7%; trong đó xoài ghép Ấn Độ lai có tới 59% chồi hữu hiệu/ 78,3% chồi ra hoa. Theo đó, năng suất thu hoạch cũng cao hơn nhiều lần: Ấn Độ lai 118,1 quả/ cây, (khối lượng 700 gam/ quả), tương đương quy đổi 16.534 kg/ ha; kế đến là giống HV1: 104,5 quả/ cây (600 gam/ quả), 12.540 kg/ ha … trong khi xoài cát không ghép cải tạo đối chứng chỉ có 2,9 quả/ cây (500 gam/ quả), năng suất đạt 290 kg/ ha, thấp hơn từ 12,0 – 16,0 tấn/ ha. Như vậy, từ kết quả nghiên cứu bước đầu của Trung tâm NCNNDH Nam Trung bộ, có thể rút ra được kết luận hết sức có ý nghĩa: Đối với vườn xoài năng suất thấp, nông dân có thể cải tạo lại theo 2 biện pháp kỹ thuật tác động nói trên mà không phải chặt bỏ lãng phí. Được biết hiện các tỉnh trong vùng Duyên hải MT có tới gần 50% diện tích xoài đã trồng nhưng cho năng suất thấp, phổ biến bình quân từ 3 –3,6 tấn/ ha.

Cây xoài mọc từ hạt

Agroviet, 4/11/2004

 

Tại sao có những cây xoài mọc từ hạt mà không hề thoái hoá? Khi ghép xoài nên dùng cây gì làm cây gốc ghép thì tốt? Có phải dùng muỗm, quéo làm cây gốc ghép thì mắt xoài không tiếp hợp không? Ghép cách nào bảo đảm tỷ lệ cây sống cao?

Rất nhiều giống xoài của ta trong hạt có nhiều phôi - gọi là giống đa phôi. Các phôi đều mọc thành cây. Hầu hết các phôi đó đều là phôi vô tính do các tế bào phôi tâm hình thành. Các cây hình thành từ phôi vô tính đều giữ được đặc tính của cây mẹ, cũng như các cây chiết, ghép hay cây giâm hom. Duy nhất chỉ có một cây phát triển từ phôi hữu tính do quá trình thụ phấn, thụ tinh hình thành. Cây này dễ nhận biết vì nó thường là cây xấu, còi cọc nhất, để loại bỏ.

Cách nhân giống xoài bằng các cây mọc từ phôi vô tính vẫn được nhiều nước trồng nhiều xoài ưa dùng. Vì nó chẳng những không bị mất đi các đặt tính tốt của cây mẹ, mà còn bảo đảm tính đồng đều của các cây con và đặt biệt là cây sống rất lâu. Ở Bang Punjab (Ấn Độ) có cây xoài sống tới cả nghìn năm, chu vi  thân của nó dài gần 13 m, độ che phủ của tán cây chiếm tới 3.000m2. Xoài có thể ghép lên các cây cùng họ như cóc (còn gọi là sấu tây hay sấu Vân Nam – Spondias pinnata Kurz), cây điều (còn gọi đào lộn hột – Anacardium xcidenta L). Cho quả to, hạt nhỏ, thịt quả ngon, nhưng cây nhỏ bé, tuổi thọ kém. Ở nhiều nước, kể cả ở ta, người ta vẫn dùng muỗm, quéo hay cây quéo rừng còn gọi mắc chai làm cây gốc ghép. Hiện tượng vết ghép không tiếp hợp cũng có thể xảy ra ở một vài nơi. Người ta cho đó là do ảnh hưởng của thời tiết hay đất đai. Cẩn thận bạn có thể làm thử trước khi ghép đại trà. Tốt hơn hết là dùng hạt của chính các giống xoài để gieo lấy cây gốc ghép. Chọn giống sinh trưởng khoẻ và đã được trồng nhiều năm ở ngay địa phương mình thì khỏi áy náy gì cả.

Việc ghép xoài cho kết quả tốt, tỷ lệ sống cao, tuỳ thuộc vào tay nghề hay sự quen làm của từng người với từng cách. Theo chúng tôi, cách ghép đơn giản nhất là ghép nêm trên cây gốc ghép non. Làm cách này, đầu tiên cũng lấy hạt còn rất mới từ các quả xoài tốt, đem rửa sạch, rồi gieo ngay. Khi cây con mọc, đem các cây con ra trồng lên luống đã làm đất kỹ,  bón phân ải với mật độ 35 – 40 cm hoặc trồng vào chậu hay túi bầu có đúc đất tốt trộn phân, rồi chăm cho cây phát triển bình thường. Khi cây cao 40-50 cm lá đã chuyển từ tía sang xanh, thân cây to độ 0,5 cm thì ghép được. Hom ghép lấy từ các cành có đường kính tương đương với cây gốc ghép có tuổi trên dưới 1 năm, mọc ở đầu cành, hom cần dài 10-12 cm, hái bỏ hết lá, bỏ chúng vào các bọc vải sạch thấm ướt hay cắm ngập chân hom trong lọ nước. Lấy vừa đủ làm trong 1-2 giờ cho hom khỏi khô. Khi ghép thì vát 2 bên chân hom với độ dày khoảng 1 cm. Ở cây gốc ghép, cũng cắt bỏ ngọn ở phía trên vị trí của lá thật đầu tiên, sau đó chẻ dọc ở giữa thêm xuống khoảng 1 cm. Nêm hom ghép vào gốc ghép, cuốn băng nilon chặt kín. Sau đó, dùng túi nilon kín một đầu trùm kín hom và vết ghép, làm giàn che nắng mưa. Khi hom ghép nhú chồi thì tháo túi nilon cho chồi phát triển. Chồi lên thành cây cao 75-80cm. Lá chuyển sang màu xanh thì đem trồng được. Mùa ghép và trồng xoài nên tránh lúc quá nắng nóng hay rét, nhiều mưa.

Phòng trừ rầy nhảy trên cây xoài

NNVN, 22/2/2005

Khánh Hoà là một trong những tỉnh có diện tích xoài lớn trong cả nước. Với diện tích khoảng 4.000 ha, cây xoài được trồng tập trung tại TX Cam Ranh gần 2.600 ha, Ninh Hoà gần 570 ha và rải rác ở các huyện khác. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, năng suất xoài không cao mà một trong những nguyên nhân chính là việc đầu tư chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại chưa được quan tâm đúng mức. Trên cây xoài có nhiều đối tượng sâu, bệnh gây hại, trong đó đối tượng nguy hiểm nhất là rầy nhảy-còn gọi là rầy bông xoài, rầy mắt to. Nếu không được phòng trừ tốt, rầy có thể làm mất từ 20-100% năng suất xoài.

Sự gây hại: Rầy xuất hiện và gây hại quanh năm trên cây xoài. Tuy nhiên, chúng chỉ phát triển và gây hại nặng vào giai đoạn cây xoài bắt đầu ra chồi hoa đến khi đậu trái xong (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau). Cả ấu trùng (rầy non) và trưởng thành đều chích hút nhựa cây ở những bộ phận non như ngọn, lá non và đặc biệt ưa thích cuống bông. Bông bị rầy gây hại sẽ bị khô héo, không có khả năng đậu trái. Khi đã có trái non thì sẽ bị còi cọc và rụng. Ngoài ra chất thải của rầy còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát sinh trên lá, bông và trái làm ảnh hưởng tới quang hợp của cây và hình thức trái xoài.

Phòng trừ: có thể dùng phương pháp bẫy đèn để thu và tiêu diệt rầy trưởng thành; làm vệ sinh, xén tỉa cho tán cây thông thoáng để hạn chế sự phát triển. Khi bị rầy gây hại, nhất là giai đoạn ra hoa-đậu quả, thì cần phải phun thuốc hoá học để phòng trừ. Thường phải phun 2 lần: Lần 1 vào giai đoạn hình thành chồi hoa và nụ; lần 2 cách lần 1 từ 7-10 ngày để diệt những ấu trùng mới nở, tránh rầy tái phát. Cần lưu ý: Phun thuốc vào giai đoạn ra nụ và trái non có thể làm khô bông và rụng trái, vì vậy cần lựa chọn các loại thuốc đặc trị sâu chích hút và ít ảnh hưởng tới bông và trái xoài non. Có thể sử dụng các loại thuốc sau: Marshal (0,2%), Karate, Selecron (0,15-0,2%), Confidor, Secsaigon, Actara (1%). Khi hoa nở rộ thì hạn chế phun thuốc để tránh ảnh hưởng tới việc đậu trái. Khi trái đã lớn bằng ngón chân cái thì có thể không cần phun thuốc, vì khi đó rầy không còn khả năng gây hại nặng.