Chăm sóc nhãn cho năng suất cao
Ở Hà Nam nhãn được trồng nhiều ở khắp nơi trong tỉnh và chiếm tỷ lệ đáng kể trong tập đoàn cây ăn quả lâu năm. Tuy nhiên để khai thác hết tiềm năng kinh tế của cây nhãn cần phải có những biện pháp chăm sóc thích hợp để nhãn cho năng suất cao và chất lượng tốt. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc để cho năng suất cao và khắc phục hiện tượng quả cách năm đối với các giống nhãn ở miền Bắc.
Hàng năm cây nhãn phải huy động một lượng dinh dưỡng khá lớn tập trung cho ra hoa và nuôi quả, nếu không được bổ sung phân bón thường xuyên cây dễ bị kiệt sức năm sau sẽ cho quả kém hoặc không ra quả. Vì vậy việc bổ sung dinh dưỡng hàng năm cho cây nhãn là rất cần thiết. Việc chăm bón cho cây cần dựa vào các cơ sở sau:
- Tuổi cây và mức độ sinh trưởng của cây.
- Nhu cầu phân bón trong từng giai đoạn sinh trưởng.
- Mục đích sử dụng phân bón.
Cây nhãn một năm ra nhiều đợt lộc nhưng cây ra hoa cho quả chủ yếu trên cành ra lộc vào mùa thu năm trước (80%). Số cành xuân vừa ra lộc, vừa ra hoa ngay rất ít (20%) nếu nhãn ra nhiều lộc đông thì năm sau cây thường không ra hoa. Chính vì vậy cần tác động kỹ thuật để cây ra nhiều lộc thu mới có cơ hội cho năng suất cao và hạn chế việc ra quả cách năm. Cần định ra các chế độ chăm bón khác nhau đối với từng mức độ sinh trưởng của cây và tuỳ tuổi cây.
1. Đối với các cây đã ra hoa quả bình thường
a/ Bón thúc lần 1 sau khi thu quả
Lưu ý: Khi thu hoạch không nên hái cành quá sâu, sau khi thu cần đốn, tỉa những cành quá già cỗi, cành nhỏ mọc phía trong tán. Tiến hành bón bổ sung dinh dưỡng sau khi thu hoạch quả 15 ngày. Đây là đợt bón chủ lực trong năm nhằm cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây ra lộc thu.
Lượng bón gồm: 30 - 40 kg phân chuồng + 2 - 3 kg phân lân + 0,5 - 0,7 kg urê + 0,5 kg kali. Tuỳ tuổi cây dưới 5 năm rút lượng phân xuống 1/2. Với cây trên 10 năm cần tăng lên 1,5 lần.
Cách bón: Đào rãnh hoặc cuốc hốc xung quanh tán cây sâu 30 cm rộng 50 cm trộn đều phân chuồng với các loại phân vô cơ dải đều theo rãnh sau đó lấp đất bằng phẳng.
b/ Bón thúc lần 2:
Vào tháng 2 chủ yếu bằng phân lân và Kali, mỗi cây 0,5 kg Kali + 2 kg lân Supe nên hoà với nước phân chuồng để tưới (có thể dùng phân vi lượng giành cho nhãn, vải phun vào thời kỳ ra hoa).
c/ Bón thúc lần 3:
Mục đích để thúc quả nhanh lớn. Bón vào tháng 4, lượng bón: 0,5 kg urê + 0,5 - 0,7 kg Kali + 2 kg lân. Bón đúng, bón đủ và cân đối cây sẽ cho năng suất cao và chất lượng quả ngon.
2. Một số biện pháp xử lý đối với cây ra quả cách năm:
Cây ra quả cách năm có nhiều lý do: Do chế độ dinh dưỡng, thời tiết, một số ít do đặc tính giống. Những cây này thường xuyên không ra hoa, hoặc ra hoa rất nhiều nhưng không đậu quả, nên chặt bỏ thay bằng nhãn ghép hoặc cải tạo bằng những giống đã được chọn lọc.
Với những cây do chế độ dinh dưỡng sẽ có hai trường hợp xảy ra hoặc thừa hoặc thiếu. Cần quan sát kỹ mức độ sinh trưởng để có biện pháp chăm sóc hợp lý.
a/ Cây quá xanh tốt: Lá to xanh mềm, mỏng. Đây là hiện tượng cây bị lốp.
- Cách xử lý:
+ Biện pháp 1: Từ tháng 10 đến tháng 11 dương lịch hàng năm ngắt tất cả các đầu cành khoảng 2 - 3 lá búp để triệt tiêu chồi dinh dưỡng gây tức nhựa, đồng thời kích thích cây ra kích tố sinh sản và nếu thời tiết thuận lợi năm sau cây ra hoa, quả tốt.
+ Biện pháp thứ 2: Khi quan sát thấy cây ra lộc đông vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 mới nhú ra 1 cm tiến hành đào rãnh xung quanh gốc cây theo chiều rộng tán sâu 30 - 40 cm, rộng 15 cm, để phơi 1 tuần không tưới nước lộc sẽ tự thui đi.
b/ Trường hợp thiếu dinh dưỡng: Đối với cây quá xấu, đất cằn cỗi không có khả năng ra hoa, kết quả cần bổ sung dinh dưỡng đặc biệt là Kali và lân trộn thêm xỉ than, tro bếp bón đều quanh gốc, cần xới xào từ gốc đến hết chiều rộng tán lá rồi mới rải phân lên đó. Sau đó rải một lớp bùn hoà mỏng, quấy kỹ và lưu ý đắp gờ để giữ ẩm. Khi bùn dạn chân chim tiến hành tưới nhử rễ, dùng nước phân chuồng hoặc nước tiểu và phân NPK khoảng 2kg hoà lẫn tưới đều lên mặt bùn.
Với những cây khi thấy chất lượng quả kém dần thì dùng phân bón lá phun lên lá vào thời kỳ ra lộc non, kết hợp bón xung quanh gốc bằng tro bếp + xỉ than + NPK theo chiều rộng tán ở độ sâu 1 - 3 cm.
Trên đây là một số biện pháp chăm bón để cây nhãn có khả năng ra hoa kết quả, song muốn cây có năng suất cao đến khi thu hoạch cần giữ an toàn cho cây tránh khỏi các đối tượng sâu bệnh hại.
3. Các đối tượng sâu bệnh hại nhãn và cách phòng trừ:
+ Bọ xít cần lưu ý ngay từ đầu vụ. Bắt bọ xít qua đông từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau. Ngắt các ổ trứng trên lá, diệt bọ xít vào tháng 4 khi cây có quả non bằng các loại thuốc hoá học như Dipterex; Sherpa; Fastax; Bestox.
+ Sâu tiện thân nhãn: Thường gây hại vào mùa xuân và mùa thu. Phải dùng dao nhọn khoét lỗ sâu có thể dùng gai mây hoặc sợi dây thép ngoáy vào trong lỗ kéo sâu ra hoặc bơm Politrin hay Sumicidin (0,2%) vào trong lỗ sâu, dùng nước vôi đặc quét lên thân cây không cho sâu trưởng thành đẻ trứng.
+ Rệp hại hoa, quả non: Xuất hiện từ khi nhãn ra hoa đến khi có quả non, gây dụng hoa và quả hàng loạt. Khi thấy rệp xuất hiện nên dùng Sherpa; Trebon hoặc Actara phun đều lên tán chủ yếu vào các chùm hoa, quả.
+ Bệnh sương mai, bệnh thán thư hại hoa quả là loại bệnh nguy hiểm thường xuất hiện ngay từ khi cây bắt đầu ra hoa đến khi đậu quả non. Bệnh lan truyền nhanh, phát triển mạnh khi có mưa phùn, ẩm độ không khí cao, trời âm u (từ tháng 1 - tháng 3) dùng Boócđô 1%, Ridomil 0,2%, Score 0,05% nên phun hai lần. Lần 1 trước khi hoa nở, lần 2 khi hoa đã nở 1 tuần.
+ Bệnh vàng lá chết đứng. Nguyên nhân:
- Do nấm hại rễ.
- Do trồng quá sâu.
- Do mất cân bằng dinh dưỡng vì bón quá nhiều đạm.
Với trường hợp này cần phải bón cân đối đạm, lân, kali.
+ Xỉ than. Nếu trồng sâu cần cào bới đất ra. Nếu do nấm thì cần dùng BenlatC hoặc Rizocid lượng dùng 8 - 10 lít thuốc đã pha tưới vào gốc cây.
Trung tâm khuyến nông Quốc gia
CÁCH XỬ LÝ NHÃN RA HOA THEO Ý MUỐN
Nguồn tin: NNVN
Nghe nói người ta đã tìm cách xử lý cho nhiều loại cây ăn trái như bưởi, cam quýt, xòai, mận... ra hoa theo ý muốn để có thể thu được lợi nhuận cao. Xin cho biết đối với cây nhãn liệu có thể làm được như vậy không? Nếu được xin được chỉ dẫn cách làm?
Trừ trường hợp đặc biệt đối với một vài giống còn hầu hết các giống nhãn đang được trồng hiện nay đều có thể ra hoa kết quả bình thường, tuy nhiên nếu trồng nhãn trên diện rộng theo kiểu trang trại mang tính chất sản xuất hàng hóa như hiện nay muốn cho cây nhãn cho hiệu quả kinh tế cao các nhà vườn thường áp dụng những biện pháp xử lý để cây nhãn cho nhiều trái và cho trái vào những thời điểm theo ý muốn. Tùy theo tình hình sinh trưởng của cây tốt hay xấu, tuổi cây già hay non..., thời tiết khí hậu ở từng vùng mà áp dụng biện pháp xử lý sao cho thích hợp, nhìn chung bà con nhà vườn thường áp dụng một vài cách sau đây:
- Sau khi thu hoạch xong trái cắt bớt 10-20 cm chiều dài của đầu những cành vừa bẻ để thu trái, kích thích cho cây ra đợt đọt mới, xới nhẹ đất rồi bón cho mỗi gốc1,5-2 kg phân NPK (loại 20-20-15), tưới giữ ẩm thường xuyên, sau khi bón phân khoảng 15-20 ngày cây ra đợt đọt thứ nhất, khoảng 30-40 ngày sau đó cây ra đợt đọt thứ 2, khi đợt đọt non thứ 2 già thì áp dụng biện pháp khoanh vỏ theo vòng tròn kín hoặc vòng tròn hở (xoắn chôn ốc) rộng 5 mm để hạn chế sự tăng trưởng của cây, kích thích cây ra hoa, khoảng 30-40 ngày sau cây sẽ ra hoa. Khi khoanh vỏ nhớ mỗi cây phải để lại một số cành không được khoanh vỏ để làm "nhánh thở", nếu không có thể làm cho cây bị suy yếu, nếu nặng có thể bị chết, số cành không khoanh vỏ này phải có số lá chiếm khoảng 1/5 tổng số lá trên cây.
- Nhãn tiêu da bò là giống nhãn phải áp dụng biện pháp xử lý thì cây mới ra hoa kết trái nhiều, biết được đặc điểm này nhà vườn ở Nam bộ cũng đã tìm được những biện pháp xử lý thích hợp. Sau đây là kinh nghiệm xử lý của một số bà con nhà vườn ở Châu Thành, Tiền Giang.
Sau khi thu hoạch trái 10 ngày dùng cuốc xới nhẹ đất xung quanh tán lá (cách gốc 0,5 m) rồi rải bón cho mỗi gốc 0,5 kg phân DAP và 10 kg phân hữu cơ mục (với cây có đường kính tán lá khoảng 3 mét). Sau khi bón10 ngày tỉa cành tạo tán, 15 ngày sau khi tỉa cành bón thêm mỗi gốc 1 kg NPK (loại 20-20-15), đồng thời pha 10 gram phân bón lá Grow more (loại 15-30-15) và một gói Atonic cho một bình 8 lít xịt ướt đều tán lá để cây bắn tược mạnh. Khi tược dài khoảng 10 cm thì lẩy bỏ bớt, chỉ để lại mỗi cành 3 tược (với cành lớn cỡ ngón tay), nếu cành nhỏ hơn thì chỉ để lại hai tược. Khi lá của đợt đọt thứ nhất vừa già (chưa kịp nhú đợt đọt thứ hai) bón cho mỗi gốc 1 kg DAP và 0,5 kg Kali. Chờ khi lá của đợt đọt thứ hai có mầu xanh đọt chuối thì dùng 30 gram phân bón lá MKP (loại 0-52-34) pha cho một bình 8 lít xịt ướt đều tán lá để lá già đồng loạt và kích thích cho cây tạo mầm hoa, sau khi bón phân phải tưới nước giữ ẩm đất thường xuyên. Khi lá chuyển từ mầu xanh đọt chuối sang mầu sậm thì xới nhẹ một dải đất thẳng hình chiếu của mép tán lá xuống (trước khi xới ngưng tưới nước 4-5 ngày) rồi tiến hành xử lý KClO3 bằng cách nếu cây có đường kính tán lá 2 mét thì dùng 60 gram, 3 mét thì dùng 90 gram, trên 3 mét thì dùng 100 gram KClO3, hoà vào một thùng tưới 10 lít tưới đều vào dải đất vừa được xới nhẹ. Sau khi tưới KClO3 cần tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho đất. Năm ngày sau pha 5cc phân bón lá RA HOA XANH và 10 gram RA HOA BỘT cho một bình 8 lít xịt ướt đều tán lá. Sau khi xử lý 20-25 ngày (nếu là mùa khô) hoặc 30-35 ngày (nếu là mùa mưa) thì cây nhãn sẽ nhú mầm hoa đồng loạt. Muốn trục phát hoa phóng ra dài và đậu nhiều trái thì phun thuốc tăng đậu trái và chống rụng trái non HPC-B97 ba lần, lần đầu khi mầm hoa vừa nhú 1-2 cm, lần hai khi mầm hoa dài 15-20 cm, lần ba khi trái non vừa hình thành.
Khi trái non lớn bằng đầu đũa bón thêm cho mỗi gốc 0,5 kg NPK (loại 20-20-15) và xịt phân bón lá TOBA-FRUIT với lượng 10-15 cc/bình 8 lít, sau10 ngày xịt lần 2. Khi trái lớn cỡ đầu ngón tay thì cứ 10 ngày xịt một đợt xen kẽ giữa TOBA-FRUIT và TRÁI LỚN (25 cc/bình 8 lít) cho đến trước khi thu hái trái khoảng 15 ngày.
Ngoài vụ nhãn chính cho thu hoạch trái vào khoảng tháng 5-7, ở Nam bộ bà con nhà vườn còn có kinh nghiệm xử lý cho cây ra thêm một vụ trái thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán (gọi là nhãn nghịch mùa) để bán được giá cao, bằng cách sau khi thu hoạch xong trái ở vụ chính thì tiến hành những biện pháp như đã nêu ở phần trên tức là cũng cắt bớt 10-20 cm chiều dài của đầu những cành vừa bẻ để thu trái, kích thích cho cây ra đợt đọt mới, xới nhẹ đất rồi bón cho mỗi gốc1,5-2 kg phân NPK (loại 20-20-15), tưới giữ ẩm thường xuyên,... sau khi cây ra hoa thì áp dụng các biện pháp chăm sóc tiếp theo để bồi dưỡng và bảo vệ trái, đợt trái này sẽ cho thu hoạch vào dịp trước, sau Tết Nguyên đán, bán được giá rất cao, có khi gấp vài lần so với lúc chính vụ.
Các bài viết khác...
- - Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
- - Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
- - Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
- - Cách trị bệnh chổi rồng, vàng lá trên cây ăn quả
- - Kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh
- - Lắp đặt tưới tiết kiệm cho cây ổi - Lợi nhuận tăng gấp đôi
- - Dùng kiến vàng để diệt sâu cho vườn cây ăn trái
- - Trồng xen măng cụt trong vườn cây ăn trái khác cho hiệu quả kinh tế cao
- - Dòi hại đọt bưởi - Côn trùng mới
- - Canh tác ca cao trên đất nhiễm mặn
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...