Giúp cam, quýt ra hoa, đậu quả tốt
Tạo thời gian khô hạn đủ dài
Việc ngưng tưới và xiết nước, hay "cắt nước" cho cây thời gian phải đủ dài để cây cảm ứng ra hoa. Thường là khoảng 4-8 tuần tùy tuổi cây và tuỳ chất đất. Cây nhỏ tuổi thì thời gian khô hạn ngắn, cây lớn tuổi thời gian sẽ dài hơn. |
Cung cấp đủ và đúng dinh dưỡng cho cây ra hoa
Giai đoạn trước khi ra hoa cây cần lân nhiều, nên cần bón phân lân dễ tiêu như: DAP, AT2 thì cây mới hấp thụ dinh dưỡng và tạo mầm hoa tốt. Bón kali vừa phải và một ít phân đạm, nếu bón đạm quá nhiều hay phun phân bón lá không thích hợp cây có thể chỉ phát triển đọt non mà ít ra hoa hoặc hoa rất khó đậu. Ngoài nguyên tố đa lượng, cây rất cần một số nguyên tố vi lượng, nhất là Bo và mangan nên bổ sung cho cây bằng cách phun các loại phân bón lá chuyên dùng. Nên bón phân đón ra hoa trước khi xiết nước, không nên bón khi đã tưới nước trở lại sẽ dễ làm cho cây bị vống đọt non.
Chỉ xử lý ra hoa khi cành mẹ đã được 3,5 tháng tuổi trở lên. Cành mẹ là những cành không cho trái ở vụ trước. Sau khi tưới nước lại, từ các cành này sẽ nhú ra những đọt non và trên đọt non đó mang theo hoa. Nếu xử lý khi cành mẹ quá non thì thường cây chỉ cho thêm một đợt đọt non yếu ớt và ít hoa.
* Vậy để giúp cam, quýt ra hoa tốt, cần thực hiện 3 bước sau:
Bước 1: Bón phân đón ra hoa và phun thuốc tạo mầm hoa
- Khi bộ lá đã chuyển sang xanh đậm (từ 3,5 tháng trở lên), bón khoảng 300g DAP + 50g KCl (hoặc AT2)/cây 4 tuổi.
- Đồng thời pha 15g Food-MX2 (5-50-5+ 0,5B) hoặc HVP 10- 50-10, F.Bo/8 lít, phun 2 lần, cách nhau 5 ngày sẽ giúp cho cây tạo mầm hoa tốt.
Bước 2: Bắt cây cảm ứng ra hoa
- Sau khi bón phân đón ra hoa khoảng 2 tuần bắt đầu xiết nước khoảng 4-8 tuần tuỳ vào mỗi vùng cho đến khi cây vừa "xào lá" (còn gọi là cuốn lá kèn), nghĩa là lá hơi héo vào buổi chiều nhưng sáng mai không tươi lại hoàn toàn thì tưới nước đẫm khoảng 3 ngày liên tục, mỗi ngày 1 lần, sau đó tưới rải ra. Có thể tưới nhấp nhẹ trước 1 ngày cho cây quen dần lại rồi mới tưới đẫm.
- Nếu cây xào lá quá nhanh, tưới nhấp nhẹ để chống chịu thêm làm cho cây có đủ thời gian nghỉ, cây cảm ứng ra hoa đạt thì sẽ ra hoa tốt.
Bước 3: Phun thuốc thúc ra hoa đồng loạt
- Sau tưới nước 2-3 ngày, lá tươi lại, pha 35ml ra hoa C.A.T + 15g Food-MX2/8 lít, phun sương đều mặt lá 2 lần, cách nhau 5 ngày để thúc ra hoa đồng loạt.
- Khoảng 10 ngày sau lần tưới đầu cây sẽ ra đọt non và nhú hoa, lúc này khoảng 2-3 ngày tưới 1 lần.
(Nguồn tin: NTNN)
RA HOA TRÁI VỤ KHÔNG SỬ DỤNG THUỐC KÍCH THÍCH
Hầu hết các nhà làm vườn đều biết kỹ thuất cho cam, quýt, buởi ra hoa trái vụ nhưng đa số là sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật... Tuy nhiên, nếu ta quá lạm dụng các loại thuốc này thì chẳng khác nào con dao hai lưỡi do giá thành cao, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ của người sử dụng, làm giảm tuổi thọ của cây... Để khắc phục những yếu kém trên có thể áp dụng những bước chủ yếu sau để tiến hành cho cam ra hoa trái vụ nhưng không sử dụng thuốc kích thích và thuốc trừ sâu mà vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.
* Sau thu hoạch:
- Bón phân khoảng 200g urê + 10g DAP + 10 kg phân chuồng +1kg vôi cho mỗi gốc cây khoảng 5 tuổi, lượng phân này cũng chống lại hiện tượng cây ra trái cách niên (tức năm có năm không)
- Phun phân bón là Biotex hoặc HVP (tiểu lượng theo hướng dẫn trên bao bì).
* Xử lý ra hoa:
- Hái bỏ trái vào khoảng tháng 4 - 5 âm lịch.
- Lợi dụng hạn vào tháng 6 - 7 âm lịch bơm nước trong ao ra và ngưng tưới nước, cho cây có thời gian "ngủ", "nghỉ". Đến khi có mưa đánh thức cây dậy bằng cách cho nước vào ao trở lại và tưới thêm vào những ngày nắng.
- Bón phân: 200g DAP + 50g KCL. Nửa tháng sau cây ra hoa khoảng 50%.
- Tháng 8 âm lịch, bón phân bằng 1/2 đợt vừa rồi cho cam ra hoa đợt hai.
- Tháng 9 bón phân liều lượng bằng đợt vừa bón cho cam ra hoa đợt ba.
* Nuôi trái:
- Bón phân: 200g NPK 20 – 10 - 15 cho một cây.
- Phun phân bón lá: Biotex hoặc ba lá xanh.
- Một tháng sau bón phân bằng 1/2 đợt bón nuôi trái lần đầu và phun phân bón lá lần hai.
- Chống hiện tượng rụng trái: bón thêm 100g NPK 20 – 10 - 15 cho mỗi cây. Đợt này không nên phun phân bón lá vì trái cam không còn lớn và dể tạo điều kiện cho nấm phát triển trái sẽ bị đen.
* Phòng trừ các loại sâu bệnh:
- Nếu có điều kiện dùng túi chuyên dụng 16 x 20 cm bao trái lại vào ngày thứ 45 sau đậu trái nhằm bảo vệ trái không bị da lu, da cám, do nhện, ngài, ruồi, bọ xít, nấm... đeo bám.
- Nuôi kiến vàng: kiến vàng là loài có lợi cho các loại cây có múi vì nó tấn công các loại sâu ăn lá, sâu vẽ bùa, sâu cuốn lá, sâu đục bông, bọ xít, rấy chổng cánh và xua đuổi các loài bướm tới đẻ trứng, kiến vàng còn ăn ấu trùng của sâu, nhện... Vì vậy nếu có điều kiện nên hốt ổ kiến vàng thả nuôi hoặc chăng dây dụ chúng từ các cây khác bò sang vườn cây của mình.
- Tưới nước: tưới bằng mô tơ điện hoặc bơm nước bằng máy dầu ở những nơi không có điện. Phun trực tiếp vào gốc, lá, cây và trái (nếu không bao trái); phun gần sẽ tạo áp lực mạnh làm cho ấu trùng, sâu, nhện đỏ, nhện vàng, nhện trắng ... hạn chế rất nhiều do không có khả năng đeo bám.
* Lưu ý:
- Thu hoạch cam vụ nghịch vào khoảng tháng 1 - 2 - 3 âm lịch là chuyện dễ dàng vì không cần sử dụng phân và thuốc kích thích, cây cam vẫn ra hoa bình thường.
- Điều kiện sao cho cam thu hoạch vào khoảng tháng 4 - 5 âm lịch, lúc thị trường cần và khan hiếm sẽ bán được giá cao hơn vài lần so với chính vụ.
- Nên tuyển chọn hái bỏ bớt trái xấu, giữ lại những trái đẹp, kích cỡ đồng đều sẽ bán được giá cao, cây sẽ kéo dài thêm tuổi thọ.
Nguồn: theo Bản tin Canh nông, ngày 15/2/2005.
Hạn chế cam quýt bị chết do úng nước
Cứ mỗi khi mùa mưa đến, nhất là những đợt mưa kéo dài nhiều ngày, cam quít ở chỗ chúng tôi thường dễ bị chết (mặc dù đã có xẻ rãnh thóat nước). Xin cho biết có cách nào để khắc phục?
Để hạn chế tác hại của ngập úng với cây cam quýt, các bạn có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau:
- Đào mương lên liếp: Ngoài tác dụng nâng cao độ dầy của tầng canh tác, hạ thấp tầng phèn, có mương để chứa nước tưới cho vườn cây trong mùa khô... còn có tác dụng hạ thấp mực thủy cấp trong đất, tránh bị ngập úng trong mùa mưa. Chiều sâu của mương nên để khoảng 1-1,2m, còn chiều rộng của mương thì tùy theo độ cao của đất so với mực thủy cấp cao nhất trong năm, nếu đất cao thì chiều rộng của mương hẹp và ngược lại (miễn sao có đủ lượng đất đắp lên liếp để từ mặt liếp đến mực thủy cấp cao nhất trong năm vào khoảng 0,3m trở lên là được). Đắp mặt liếp có hình mai rùa để có thể thoát nước nhanh trong mùa mưa (có thể xẻ rãnh thoát nước như các bạn đã làm).
- Đắp mô để trồng: Để tăng cường thêm độ cao từ bộ rễ tới mực thủy cấp cao nhất trong năm, sau khi đã phân khỏang cách trồng, các bạn nên đắp mô cao rồi mới trồng cây lên những mô đó. Sau khi trồng khoảng 6 tháng thì dùng đất tốt đắp phụ thêm vào xung quanh chân mô để rễ mọc dài thêm và cứ khoảng 6-7 tháng sau lại bồi thêm chân mô một lần. Từ năm thứ 3 trở đi thì bồi thêm mặt liếp mỗi năm cao khoảng 2-3 cm bằng bùn mương, đất phù sa hoặc đất mặt ruộng đã được phơi khô.
Cam quýt trồng bằng hạt hay gốc tháp có rễ cọc mọc sâu dễ bị ảnh hưởng bởi nước ngầm, nên ở Cần Thơ bà con có kinh nghiệm đôn gốc hoặc chặt bớt rễ cọc. Ở Châu Thành, Tiền Giang bà con lại có kinh nghiệm trồng nghiêng cây. Sau đây là cách làm của họ, các bạn có thể tham khảo và áp dụng thử.
- Đôn gốc, chặt bớt rễ cọc: Sau khi trồng 1 năm, vào đầu mùa mưa bứng gốc lên, đắp thêm đất tốt để nâng cao mặt mô rồi trồng cây trở lại lên trên đó. Cũng có người không bứng gốc mà moi đất để chặt bớt rễ cọc nằm ngang gần sát mặt đất rồi bồi thêm đất vào (để rễ ăn cạn trên mặt đất) sau đó tưới nước và chăm sóc chu đáo.
-Trồng cây nằm nghiêng: Khi trồng đặt cây nằm nghiêng một góc khoảng 30 độ so với mặt đất, như vậy sẽ tạo cho rễ cọc nằm ở vị trí gần mặt đất hơn, sau này rễ sẽ ăn cạn trên mặt đất. Do tính hướng quang của cây, theo thời gian cây sẽ dần dần mọc thẳng trở lại, hoặc những tược mọc ra sau này sẽ mọc thành cây thẳng đứng.
-Trồng bằng nhánh chiết: Do không có rễ cọc, nên cây được trồng từ nhánh chiết sẽ có bộ rễ ăn cạn hơn cây được trồng bằng hạt hay gốc tháp, do đó bộ rễ ít bị ảnh hưởng bởi nước ngầm hơn.
NNVN
Quản lý dinh dưỡng trên vườn cam, quýt
Trước đây, do chúng ta sử dụng giống địa phương năng suất không cao và không thâm canh nên với điều kiện của thiên nhiên thì có thể cung cấp đủ dưỡng chất cho cây trồng mà không cần phải bổ sung thêm.
Nhưng ngày nay, chúng ta sử dụng các giống cải tiến, năng suất rất cao và trồng thâm canh nên dưỡng chất tự nhiên không cung cấp đủ cho cây trồng và chúng ta cần phải bổ sung thêm cho nó. Việc bón phân cho cây trồng không thể định lượng được mà phải căn cứ theo điều kiện đất đai ở từng nơi và còn tuỳ loại cây trồng. Mặt khác, nếu cung cấp dưỡng chất không đúng và không cân đối thì sẽ gây ức chế sự hấp thụ một chất khác dẫn đến tình trạng cây trồng thiếu chất bị ức chế đó.
Theo PGS. TS. Nguyễn Bảo Vệ - Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, để xác định được những triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên cây cam quýt, bà con có thể tiến hành theo 5 bước:
Thứ nhất là nhận diện được triệu chứng bất thường trên cây trồng bằng cách so với một số hình ảnh mẫu về các triệu chứng thiếu dinh dưỡng để định hướng cây đang thiếu chất gì.
Thứ hai là sau khi đã định hướng được thiếu chất gì rồi thì cần phải lấy mẫu lá gửi cho các phòng thí nghiệm để khẳng định lại cho chính xác.
Thứ ba là bổ sung chất mà cây trồng đang thiếu, nên chừa lại một cây đối chứng vẫn giữ nguyên không cung cấp thêm bất cứ loại phân bón nào.
Thứ tư là kiểm tra lại xem trên những cây đã xử lý có khắc phục được tình trạng thiếu dinh dưỡng hay không bằng cách so sánh với cây đối chứng còn lại. Nếu cây vẫn không khắc phục được thì có thể là do sâu bệnh gây hại dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng thì lúc này phải có hướng phòng trị sâu bệnh.
Thứ năm là lập ra một qui trình quản lý dinh dưỡng cho vườn cây cam quýt để áp dụng cho những năm sau.
Phân biệt các triệu chứng thiếu đạm, kẽm và sắt trên cây cam quýt : Thiếu đạm thì lá già có màu vàng, còn thiếu kẽm thì lá non có màu vàng nhưng gân lá vẫn còn xanh, kích thước lá nhỏ lại. Thiếu sắt thì cũng thể hiện ở lá non có màu vàng, gân lá xanh nhưng kích thước lá vẫn bình thường. Trường hợp cây thiếu đạm thì có thể bón phân urê vào đất hoặc phun lên lá (pha 1/1 lít nước). Còn thiếu kẽm thì có thể sử dụng sunfat kẽm (ZnSO4), cũng pha khoảng 1g / 1 lít nước và phun trực tiếp lên lá. Thiếu sắt thì sử dụng từ 2 - 4g EDTA sắt pha trong 1 lít nước và phun đều lên cây.
Cam quýt bị vàng lá gân xanh thì triệu chứng giống với thiếu kẽm, bởi vì vi khuẩn gây bệnh vàng lá gân xanh sống trong mạch nhựa của cây cũng làm cho chất kẽm trong đất trở nên không hữu dụng trong cây, nên cây cũng có triệu chứng thiếu kẽm. Cây bị bệnh vàng lá gân xanh thì không thể phun bổ sung chất kẽm là cây phục hồi được mà trước hết nên cắt bỏ những cành bắt đầu bị bệnh, cắt sâu vào trong gần sát thân cây mẹ. Những cây bị bệnh nặng thì nên mạnh dạn nhổ bỏ và tiêu huỷ.
Các bài viết khác...
- - Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
- - Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
- - Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
- - Cách trị bệnh chổi rồng, vàng lá trên cây ăn quả
- - Kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh
- - Lắp đặt tưới tiết kiệm cho cây ổi - Lợi nhuận tăng gấp đôi
- - Dùng kiến vàng để diệt sâu cho vườn cây ăn trái
- - Trồng xen măng cụt trong vườn cây ăn trái khác cho hiệu quả kinh tế cao
- - Dòi hại đọt bưởi - Côn trùng mới
- - Canh tác ca cao trên đất nhiễm mặn
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...