Phương pháp trồng chanh không hạt

Giống chanh không hạt (Bearss lime) được nhập từ bang California (Mỹ) vào nước ta trong một vài năm nay. Đặc điểm cây chanh không hạt khỏe mạnh, lá lớn, không gai, trái chùm, cây có thể cho năng suất trái 150-200 kg/năm, trái chanh to có vỏ mỏng, không hạt, nhiều nước, vị chua mùi thơm

 Ngoài công dụng làm nước giải khát, trong ngành công nghiệp chanh còn được dùng làm hương liệu chế biến thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Cây chanh không hạt được trồng thử tại xã Đông Thạnh (Châu Thành-Hậu Giang) bằng cây ghép nhánh chiết trên gốc chanh Volka đã cho kết quả tốt. Hộ ông Nguyễn Văn Chiến ở ấp Phước Thạnh, trồng khoảng 300 gốc chanh không hạt hơn 2 năm tuổi, trồng thành 2 hàng trên bờ liếp để tiện việc dùng màng phủ đậy mặt đất vào khoảng tháng 6-8, rồi dỡ ra bón phân, xử lý chất kích thích cho ra hoa mùa nghịch, thu hoạch trái vào tháng giêng năm sau bán được giá cao nhất. Cây chanh không hạt ghép trồng khoảng 2 năm có thể thu chừng 40 kg trái/cây, trên 3 năm tuổi có thể thu hơn 100 kg trái/cây, trái tốt tròn đều, chùm nhiều trái bằng nhau, không bị bọ xít đục trái và ghẻ trái, thu hoạch xong bảo quản trong điều kiện bình thường được lâu và vỏ trái vẫn còn màu xanh sáng.

Về cách trồng và chăm bón thì ông Chiến cho biết: Khoảng cách cây 3,5-4m, lấy đất mặt liếp hoặc đất mương đã khô băm nhỏ rồi trộn thêm hỗn hợp phân chuồng hoai, tro trấu và phân lân, một ít thuốc trừ sâu để trị rệp sáp và tuyến trùng rễ, rồi đắp thành mô cao 5 tấc và rộng 5 tấc vuông, móc lỗ đặt cây xuống, mặt đất bầu bằng mặt đất mô, cắm một cây kèm để giữ cho cây mới trồng đứng thẳng không bị gió lay động gốc và giúp cho rễ non mau phát triển. Một thời gian sau, khi đợt đọt non chuyển sang bánh tẻ thì có thể bón một ít phân NPK hoặc xịt thêm phân bón lá để cho cây ra đợt đọt non mới đồng loạt hơn, có thể bấm tỉa những đọt quá dài để tạo tán cây tròn hơn không bị gió làm gãy. Thường thì đọt nhú ra khoảng 2 phân có thể xịt thuốc trừ sâu, đến khi đọt non có nhiều lá lụa có thể xịt thuốc trừ nấm bệnh. Tùy theo tình trạng cây hoặc chu kỳ ra đọt non mà áp dụng phân bón hợp lý. Vừa qua, 300 cây chanh không hạt của ông thu hoạch hơn 1 tấn trái không đủ bán, trái lớn nhỏ bán được giá 5.000 đồng/kg, bình quân 10 trái/kg. Sắp tới, ông sẽ phá hết vườn nhãn da bò để trồng thêm khoảng 1.000 cây chanh không hạt, vì nhẹ công chăm sóc, không bị bệnh chết cây và bán luôn được giá.

Được biết tại HTX Thạnh Phước ở xã Đông Thạnh đang có 30 cây chanh không hạt đầu dòng trên 2 năm tuổi dùng để chiết nhánh ghép. HTX này có 3 nhà lưới 1.000 m2, hàng năm có khả năng sản xuất khoảng 40.000 cây giống sạch bệnh theo quy trình kỹ thuật của Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển giao, riêng chanh không hạt ghép được khoảng 10.000 cây. Những cây chanh không hạt được trợ gía thì nông dân chỉ trả 4.000 đồng/cây, còn Nhà nước hỗ trợ 6.000 đồng/cây. Mục tiêu tới đây của HTX này là muốn cùng các hộ xã viên và bà con nông dân địa phương phát động trồng thành vùng chuyên canh chanh không hạt, để tạo ra lượng hàng hóa đáp ứng cho Công ty GINO tại TP.Hồ Chí Minh.

(Nguồn tin: NNVN

                  Phương pháp tạo giống chanh trái vụ

 - Điều kiện cần thiết để tạo ra chanh trái vụ.
1. Phải có giống chanh ra quả quanh năm (chanh tứ thời, tứ quý).
2. Cây chanh phải trải qua một thời gian nắng hạn, kìm hãm khả năng ra hoa vào lúc chưa cần thiết (những năm có mưa lai rai trong tháng 7 thường ảnh hưởng không tốt đến chanh trái).
3. Cần có tác động kỹ thuật đúng lúc để cây ra hoa, quả tập trung vào lúc cần thiết và tạo điều kiện cho cây ra nhiều lộc, cành đủ sức nuôi dưỡng hoa và quả.
Biện pháp kỹ thuật tạo được một vụ chanh trái vụ
1. Với giống chanh tứ thời, chọn các cây có cành nhặt mắt không có gai và tốt nhất là có quả chùm, ít vết bệnh trên cành lá, dùng biện pháp chiết thông thường hoặc giâm cành mà lấy cây con để trồng.
2. Trồng cạn khi đặt bầu ở vùng có mạch nước ngầm cao (đất cát ven biển): vun đất màu thành mô cao 20-30cm, bón phân chuồng rồi đặt bầu. Ở vùng có mạch nước ngầm sâu, đồng bằng ven sông lớn, chân đồi: sau khi bón phân lót, đặt bầu làm sao khi lấp đất, cố rễ vừa ngang mặt đất. Làm như vậy để giảm ảnh hưởng của mạch nước ngầm trong thời kỳ bắt cây phải làm quen với điều kiện sống này trước khi được kích thích ra hoa.
3. Bón phân và chăm sóc đúng lúc: chia làm 2 lần bón chủ yếu là :
Lần thứ nhất: trong tháng 4 khi chanh trái vụ quả đang lớn, bón đợt này có tác động làm cho cây sẽ đâm lộc và tạo cành đủ sức đón đợi hoa, quả ra sau tiết lập thu. Bón trên mặt sau khi cào nhẹ vừa trông thấy rễ cám là được, không nên chạm mạnh đến rễ quá. Bón 80-100kg phân chuồng/gốc, có thể trộn thêm 0,5kg phân lân càng tốt. Bón phân xong, phủ lên một lớp rạ mỏng để giữ độ ẩm trong cây.
Lần thứ hai: Mục đích kích thích chanh ra hoa đúng lúc. Trước ngày tiết Lập thu khoảng 1 tuần (cuối tháng 7 đầu tháng 8 dương lịch) cào nhẹ lớp phân rải ra 2 bên, rắc đều mỗi gốc 0,3-0,5kg urê. Tốt nhất là trộn phân với đất bột để bón cho đều. Sau khi bón 7-12 ngày thấy mầm ra hoa nhiều thì coi như kết thúc đợt bón. Nếu hoa ra ít mà gặp mưa thì rắc thêm một lượt đạm bổ xung 0,2-0,3kg/ gốc.
4. Tưới nước: Giữa 2 đợt bón phân trên đây không tưới nước để tránh hiện tượng ra hoa rải rác. Trừ khi nắng hạn quá gay gắt mới dùng biện pháp tưới, còn không thì dù cây cây có bị héo lá vài hôm cũng không tưới.
Ngược lại, sau khi bón phân đợt 2, đến Lập thu nếu hạn hán có xu hướng kéo dài, phải tưới từng gốc thật đẫm để đạt thời điểm ra hoa đúng lúc ta cần.

Hướng dẫn làm kinh tế gia đình phát triển VAC - VN2629/04

"ĐHNN1"