Sâu đục trái xoài và cách phòng trừ

Trái Xòai ở chỗ chúng tôi thường bị một lọai sâu đục vào bên trong gây hại. Chúng làm cho trái non bị rụng. Khi bổ trái ra thấy bên trong trái có khoang rỗng chứa nhiều cục phân mầu nâu đen và những con sâu nhỏ có thân mình khoang trắng, khoang đỏ xen kẽ. Xin cho biết đó là lọai sâu gì? Xin được chỉ dẫn cách phòng trừ lọai sâu này sao cho có hiệu qủa?

Hùynh Văn Thảnh (Cao Lãnh, Đồng Tháp)

                                                    Và một vài bà con ở Long Khánh (Đ. Nai)

Trả lời: Qua thư của bà con chúng tôi đoán rằng đó là con sâu đục trái (Deanolis  albizonalis). Chúng thuộc họ ngài sáng (Pyralidae), Bộ cánh vẩy (Lepidoptera). Giống như Rầy bông xòai, Rệp sáp, Sâu đục chồi non, đục cành… Sâu đục trái cũng là một đối tượng quan trọng. Ở nhiều vùng trồng xòai thuộc ĐBSCL như Tiền Giang, Đồng Tháp...có những nơi sâu xuất hiện và gây hại trên hầu khắp các vườn, Có những vườn sâu gây hại đến 100% số cây, cá biệt có những vườn  làm  thất thu hòan tòan.

Con trưởng thành là một lọai bướm tương đối lớn, sải cánh rộng đến gần 3 cm, thân mình mầu nâu đỏ, có khoang trắng, đỏ xen kẽ. Cánh trước mầu nâu, cánh sau mầu xám trắng, họat động về ban đêm. Đẻ trứng trên vỏ trái  xòai còn non (cỡ trứng gà, trứng vịt), nhất là những trái nằm khuất  ánh sáng. Trứng hình bầu dục, rất nhỏ (khỏang gần 1 ly) nên mắt thường khó phát hiện.

Sau khi nở sâu non di chuyển dần về phía chóp trái, đục vào bên trong trái để gây hại. Khi còn nhỏ sâu ăn phần thịt trái (là chủ yếu), khi lớn ăn  phần hột là chính, khi đã ăn hết hột chúng chui ra ngòai đục phá trái khác. Nếu trái còn nhỏ đã bị sâu gây hại thì trái sẽ bị rụng. Nếu trái lớn mới bị gây hại thì  mặc dù ít bị rụng nhưng thường bị thối  ở phía đầu trái.

Sau khi đục vào bên trong sâu ăn rỗng trái tạo thành một “căn hầm trú ẩn” vùa cắn phá vừa thải phân ra ngay “căn hầm “ này. Sâu càng lớn “căn hầm” càng rộng. Các đường đục sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm bệnh xâm nhập phát triển, làm cho đầu trái bị hư thối.

Sâu có thể tấn công  trong suốt qúa trình phát triển của trái, nhưng thường gây hại nặng khi trái còn non. Khi bổ trái ra thường thấy bên trong “căn hầm trú ẩn” có một hoặc vài con sâu. Đẫy sức sâu chui ra ngòai rơi xuống đất để hóa nhộng. Nhộng dài khỏang 1-1,2 cm, mầu vàng lợt hoặc vàng nâu (khi sắp vũ hóa).

Muốn phòng trị sâu có kết qủa, bà con  có thể thực hiện một số biện pháp sau:

-Kiểm tra vườn xòai thường xuyên, thu gom và đem tiêu hủy (tốt nhất là đem chôn làm phân) tòan bộ số trái đã bị sâu gây hại còn nằm trên cây hay đã rụng xuống đất để diệt những con sâu còn nằm bên trong, hạn chế bớt mật số sâu tại chỗ và  mật độ sâu ở những vụ kế tiếp.

-Nếu cây xòai còn thấp hoặc những trái ở dưới thấp, sau khi đậu trái khỏang 1-1,5 tháng nên bao trái bằng giấy xi măng, giấy dầu, bao vải hoặc bao chuyên dùng để ngăn chặn không cho sâu tiếp xúc với trái để gây hại. Trước khi bao trái vài ngày nên phun xịt một đợt thuốc trừ sâu, bệnh cho trái.

-Nếu điều kiện cho phép, sau mỗi vụ thu họach trái nên cho nước vào ngâm vườn một vài ngày để tiêu diệt nhộng đang nằm trong đất, hạn chế sâu cho vụ sau.

-Những vườn thường xuyên bị sâu gây hại nặng hàng năm, sau khi tượng trái khỏang 7-10 ngày nên kiểm tra vườn xòai thường xuyên, nếu thấy có trên 2% số trái bị sâu gây hại  thì có thể dùng một trong vài lọai thuốc như: Sumicidin 10EC hoặc 25EC; First 20EC; Sumitigi 30EC; Sumicombi 30EC; Bian 40EC; Sevin 43FW...để phun xịt, (về liều lượng và cách sử dụng bà con có thể đọc hướng dẫn của có in sẵn trên nhanõ thuốc). Sau đó cứ khỏang 10-15 ngày lại xịt tiếp một đợt. Từ khi trái già trở đi phải chú ý bảo đảm đủ thời gian cách ly của thuốc để tránh gây độc hại cho người ăn.