PHƯƠNG PHÁP LÀM “SẠCH” BỆNH CÂY CÓ MÚI BẰNG KỸ THUẬT GHÉP MÔ
Theo khảo sát, hiện hầu hết các giống cây ăn quả đặc sản đều đang rơi vào tình trạng suy thoái như cam sành, quýt chum (Hà Giang), cam Canh, bưởi Diễn (Hà Nội), cam Xã Đoài, cam Sông Con (Nghệ An), bưởi Phúc Trạch, cam bù Hà Tĩnh, cam Bố Hạ (Bắc Giang)... Chính vì thế theo TS. Ngô Vĩnh Viễn- Phó Viện trưởng Viện BVTV: "Việc tạo ra được những loại cây ăn quả không nhiễm bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi không chỉ nâng cao được năng suất, chất lượng cây trồng, mà còn tạo ra được các loại cây sạch bệnh đáp ứng được thị trường xuất khẩu”.
Kỹ thuật sản xuất
Công nghệ sản xuất cây có múi sạch bệnh bao gồm sử dụng kỹ thuật vi ghép mô phân sinh của đỉnh sinh trưởng để làm sạch bệnh cho giống, chẩn đoán và kiểm tra cây giống bằng các phương pháp phân tử bệnh cây như PCR, ELISA, sử dụng các vật liệu mới trong sản xuất giống: hệ thống nhà lưới ba cấp với khung nhôm sắt có lưới chống côn trùng, dùng các giá thể từ các chất hữu cơ thực vật (vỏ lạc, bã mía...) cộng với phân bón tổng hợp và cát sạch để trồng cây trong bầu...
Để hoàn thiện công nghệ này, các nhà khoa học đã tiến hành xây dựng hệ thống nhà lưới ba cấp, trong đó nhà lưới cấp 1 chuyên dùng bảo quản cây giống gốc sạch bệnh (S0). Kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo ra được các cây S0. Những cây giống gốc sạch bệnh S0 được giữ và chăm sóc trong nhà lưới chống côn trùng cấp 1. Nhà lưới cấp 2 có chức năng bảo quản các cây S1 nhân mắt ghép sạch bệnh. Những cây S0 cung cấp mắt ghép để ghép lên các gốc ghép thích hợp cho ra các cây S1, những cây này được bảo quản trong nhà lưới cấp 2 để nhân hàng loạt mắt ghép sạch bệnh. Những cây S1 cũng được giám định bệnh thường kỳ 3 tháng/lần. Những cây dương tính tiếp tục được loại bỏ. Cây S1 sẽ được lấy mắt ghép để nhân giống trong 3 năm, sau đó phải thay đợt cây S1 mới. Nhà lưới cấp 3, sản xuất cây giống sạch bệnh để cung ứng cho sản xuất và bước vào giai đoạn sản xuất cây giống sạch bệnh với các quy trình chính:
Chuẩn bị gốc ghép: Chọn giống làm gốc ghép, có thể dùng bưởi chua để làm gốc ghép cho các loại bưởi, dùng chấp hoặc cam 3 lá để ghép cho các loại cam và quýt. Nền đất gieo hạt gốc ghép: gồm 1/3 đất màu + 1/3 cát vàng + 1/3 mùn hữu cơ được hấp khử trùng bằng hơi nước nóng 1000C trong 60 phút. Kế đó tiến hành gieo hạt, mật độ gieo khoảng 3x3cm, gieo xong lấp hạt lại bằng đất nhỏ mịn dày 1cm, sau đó dùng ván ấn chặt mặt luống, tưới nước đủ ẩm hàng ngày.
Chăm sóc cây con: Khi cây có 4 lá thật, bắt đầu phun phân bón lá để thúc cây sinh trưởng khoẻ (dùng loại phân bón lá có các nguyên tố vi lượng). Cây con cao 12 - 15cm có 5 - 6 lá thật là đủ tiêu chuẩn ra ngôi, cây được chuyển qua giai đoạn ra ngôi chờ ghép. Cây con gốc ghép được cấy vào các túi bầu polyetylen đựng hỗn hợp nuôi cây. Hỗn hợp trong túi bầu ươm cây con gồm: 1/3 đất màu + 1/3 cát vàng + 1/3 mùn hữu cơ + 100g/bầu phân NPK. Cây gốc ghép phải có chiều cao 40- 50cm, đường kính gốc đạt 0,3cm, cây mọc thẳng, khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh hại.
Chuẩn bị mắt ghép: Mắt ghép phải được lấy từ các cây S1, chỉ dùng mắt thức (mắt đã nổi rõ), không lấy mắt ghép trên cành còn non (cành phải được 3 tháng tuổi trở lên). Ghép theo phương pháp mắt nhỏ có gỗ hoặc ghép nêm. Vị trí ghép cách mặt bầu 20cm. Thời vụ ghép từ tháng 3- 10. Sau đó chuyển sang giai đoạn chăm sóc cây sau ghép bằng cách tỉa bỏ chồi mọc ra từ gốc ghép. Phân loại cây con theo từng lô đồng đều về sinh trưởng để các cây không che khuất lẫn nhau. Bấm ngọn tạo tán ngay từ khi chồi ghép cao 20 cm, có 5 - 6 lá, để lại 2 - 3 chồi tạo cành cấp 1 sau này cho cây. Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời.
Đến nay, Viện BVTV đã sản xuất được một tập đoàn các giống cây có múi sạch bệnh gồm các loại cam, quýt, bưởi tại Nghệ An, Tuyên Quang, Hà Giang với số lượng lên đến 145.000 cây/năm như cam sành, cam Bố Hạ, cam Canh, quýt chum, bưởi đường, quýt Bù, bưởi Phúc Trạch, bưởi Diễn, cam Mật...
Những điểm cần chú ý
1- Xây dựng hệ thống nhà lưới nhân cây giống cây có múi sạch bệnh cách vùng bệnh ít nhất 3km.
2- Dùng nước nóng để xử lý hạt gốc ghép (550C trong 50 phút).
3- Dùng mắt ghép sạch bệnh lấy từ vườn nhân mắt ghép S1.
4- Không được đưa nguồn bệnh vào vườn ươm bằng bất cứ con đường nào.
5- Xung quanh vườn ươm phải có hàng rào chắn gió.
6- Không cho người lạ vào thăm, trừ khi họ đã được khử trùng dày dép, quần áo, mũ... 7- Khử trùng dụng cụ dao kéo trong quá trình làm việc trong nhà lưới bằng nước Javen 10%.
8- Luôn luôn phân cách phần cũ và phần mới của vườn ươm hoặc các vùng gồm các cây khác nhau.
9- Định kỳ 3 tháng/lần giám định bệnh cho tất cả các lô cây giống, xác định và loại bỏ ngay các cây có kết quả dương tính (bị bệnh) với các loại bệnh: greening, tristeza, loét vi khuẩn, exocortis, tatter leaf, psorosis...
10- Các cây giống phải có phiếu ghi rõ tên cây gồm gốc ghép, mắt ghép
Nguồn:http://rauhoaquavietnam.vn
Các bài viết khác...
- - Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
- - Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
- - Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
- - Cách trị bệnh chổi rồng, vàng lá trên cây ăn quả
- - Kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh
- - Lắp đặt tưới tiết kiệm cho cây ổi - Lợi nhuận tăng gấp đôi
- - Dùng kiến vàng để diệt sâu cho vườn cây ăn trái
- - Trồng xen măng cụt trong vườn cây ăn trái khác cho hiệu quả kinh tế cao
- - Dòi hại đọt bưởi - Côn trùng mới
- - Canh tác ca cao trên đất nhiễm mặn
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...