Lợi kép từ tưới phun trên tán cho cây bưởi

Vào mùa khô, đa số các vườn cây có múi đều có nhện đỏ xuất hiện. Đây là một loại sâu bệnh nguy hiểm, gây hại cho cây có múi và đặc biệt trên cây bưởi. Do vậy, nhà vườn phải thường xuyên phun xịt thuốc trừ nhện đỏ, khoảng 8 - 10 ngày/lần. Gần đây, một số nông dân ở huyện Vĩnh Cửu đã áp dụng mô hình tưới phun trên tán cây bưởi để diệt trừ nhện đỏ khá thành công.

* Hiệu quả tưới phun

Đồng Nai hiện có trên 7 ngàn hecta cây có múi, trong đó riêng bưởi là gần 2 ngàn hecta. Hàng năm, cứ vào mùa khô các nhà vườn phải tốn hàng chục tỷ đồng để phun xịt thuốc phòng trừ nhện đỏ trên cây có múi, nhưng hiệu quả đem lại không cao. Nhện đỏ chích hút nhựa trên lá, nụ hoa, cuống hoa, trái non làm cho lá, hoa bị khô héo và rụng, còn trái thì bị sần sùi, chất lượng giảm.

Trong năm 2008, Trạm khuyến nông huyện Vĩnh Cửu đã làm điểm một số mô hình tưới phun trên tán cây bưởi để phòng trừ nhện đỏ. Kết quả cho thấy, các vườn thực hiện mô hình này không còn nhện đỏ, đồng thời cây được cung cấp đủ độ ẩm nên phát triển tốt hơn. Ông Lê Văn Tự ở ấp Bình Lục, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: "Tôi có 8 sào (8.000m2) bưởi đường lá cam năm thứ 5. Trước đây khi chưa lắp đặt hệ thống tưới phun, vào mùa khô tôi phải phun xịt thuốc phòng trừ nhện đỏ 10 ngày/lần, mỗi năm tốn khoảng 400 ngàn đồng/sào.

Nhưng gần 1 năm nay, nhờ có hệ thống tưới phun đã diệt trên 90% nhện đỏ nên tôi không cần phải phun xịt thuốc phòng trừ bệnh, tiết kiệm được trên 3 triệu đồng/năm". Ông Phạm Văn Khánh ở ấp Bến Hiệp, xã Tân Bình, kể: "Tôi đầu tư khoảng 10 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun cho 5 sào bưởi có được hai cái lợi là vườn bưởi hết nhện đỏ, đỡ được tiền thuốc, công phun xịt và giảm được rất nhiều công tưới. Khi chưa có hệ thống tưới phun, cứ 6 - 7 ngày tôi phải mất gần 2 công kéo dây tưới cho vườn bưởi. Nhưng nay chỉ cần mở cầu dao khoảng 2 - 3 tiếng là tưới cho cả vườn bưởi. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp tôi tiết kiệm được gần 1/2 lượng nước tưới, 1/3 chi phí xăng dầu, điện và một số vật tư đầu vào khác".

Từ thực tế cho thấy, hệ thống tưới phun không chỉ giúp các nhà vườn trị được nhện đỏ, giảm công lao động, chi phí đầu vào, mà còn giúp cây bưởi phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu các loại sâu bệnh khác, do đó năng suất và chất lượng của trái tăng cao.

* Lợi ích rõ nhưng không dễ nhân rộng

Hiệu quả của mô hình tưới phun trên cây bưởi đã được Trạm khuyến nông Vĩnh Cửu tổ chức hội thảo, vận động để các nhà vườn áp dụng cho vườn bưởi của mình. Nhưng sau 1 năm, chỉ có gần 10 hộ thực hiện với diện tích khoảng 20 hecta. Anh Nguyễn Đình Văn, cán bộ Trạm khuyến nông Vĩnh Cửu, cho biết: "Trạm khuyến nông huyện thường xuyên vận động bà con những xã trồng bưởi thực hiện mô hình tưới phun, song rất ít hộ áp dụng. Do nhiều vườn bưởi quá già, lại trồng xen với một số cây trồng khác nên không thể lắp đặt hệ thống tưới phun và còn nhiều hộ vẫn giữ thói quen sản xuất cũ, không muốn bỏ ra một khoản tiền khá lớn để đầu tư lắp đặt hệ thống...

Số tiền lắp đặt hệ thống tưới phun khoảng 20 - 25 triệu đồng/hecta, nhưng nếu nông dân sử dụng loại ống nhựa tái chế có thể giảm được 1/3 chi phí và chỉ một năm sau có thể hoàn vốn. Ông Võ Văn Phi, Chi cục phó Chi cục bảo vệ thực vật Đồng Nai, nói: "Sử dụng hệ thống tưới phun ngoài diệt được nhện đỏ và một số loại nhện hại cây có múi còn giúp các nhà vườn giảm được gần 10 triệu đồng/hecta chi phí đầu vào, gồm công phun xịt thuốc trừ nhện, công tưới, điện và một số nhiên liệu. Bên cạnh đó còn giúp vườn cây phát triển tốt hơn và dễ dàng xử lý cây cho trái nghịch vụ giúp cho nhà vườn có thu nhập cao hơn".

Ở một số tỉnh như An Giang, Tiền Giang, mô hình tưới phun được các nhà vườn trồng bưởi, cam, quýt, chanh... sử dụng khá rộng rãi và hiệu quả kinh tế đem lại rất cao. Trong điều kiện lao động nông thôn thiếu như hiện nay, mô hình tưới phun giúp giảm được 2/3 công lao động, đồng thời hạn chế được việc dùng thuốc BVTV, chất lượng trái đảm bảo vệ sinh, mẫu mã đẹp, như vậy sẽ thuận lợi trong thực hiện mô hình VietGAP trên cây bưởi.

                                       Theo: http://www.nongthon.net