Đồng bằng sông Cửu Long: Nhân rộng mô hình trồng ổi xen canh cây có múi

Mô hình trồng ổi xen canh cây có múi phòng chống bệnh vàng lá greening đã và đang được nông dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng rộng rãi và đạt hiệu quả cao trong việc hạn chế mật số rầy chổng cánh.

dbscl.bmpCác tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp đã phát triển mô hình trồng ổi xen canh cây có múi với diện tích hơn 150 ha. Qua kết quả khảo sát của các nhà khoa học ở các vườn áp dụng mô hình trên cho thấy: Mật số rầy hiện diện thấp và tỉ lệ cây có múi suy kiệt do bệnh vàng lá greening giảm hẳn. Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp “sinh học” trồng ổi xen canh cây có múi phòng chống bệnh vàng lá greening cũng đạt hiệu quả cao hơn so với các biện pháp khác như nuôi kiến vàng, áp dụng thuốc lưu dẫn...Hơn nữa, khi trồng cây có múi xen cây ổi , nhà vườn sẽ có nguồn lợi “cộng hưởng” từ cây ổi để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

ĐBSCL hiện có hơn 73.000 ha cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi), chiếm 27,4% trong tổng số 282.000 ha cây ăn trái toàn vùng. Các tỉnh có diện tích cây có múi nhiều nhất là Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre...Thời gian qua, tuy diện tích cây có múi ở ĐBSCL vẫn được duy trì, nhưng chất lượng vườn cây có múi ở nhiều địa phương giảm sút đáng kể, chủ yếu là do bệnh vàng lá Greening và bệnh vàng lá thối rễ gây ra.

 

Theo: TTXVN