Bưởi không hạt: Phương pháp mới của lão nông tri điền

Sau nhiều lần tham dự Hội thi trái ngon khu vực ĐBSCL... bị rớt vì bưởi có nhiều hạt, ông Hai Hoa (Ông Lê Văn Hoa, một lão nông tri điền ở ấp Tân Phú, xã Sơn Định, Chợ Lách Bến Tre) đã kiên trì nghiên cứu và tìm ra cách khắc phục có hiệu quả cao. Đối với vườn bưởi của Ông, tỉ lệ trái chín không hạt đạt gần như tuyệt đối. Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng bưởi trong tỉnh đã làm theo cách của ông Hai Hoa.

Gia đình Ông có 5 công đất vườn chuyên canh cây bưởi da xanh. Tuy nhiên, những hộ canh tác liền kề lại trồng các loại cây ăn trái khác như sầu riêng, cam sành, quýt đường, bưởi năm roi thậm chí cả cây chanh không hạt. Điều tất yếu xảy ra đối với vườn bưởi da xanh của ông Hai Hoa là có khoảng 60 - 70% trái bưởi khi chín mang hạt, mặc dù ông Hai Hoa rất kỹ lưỡng trong khâu chọn giống và canh tác.

Qua tham khảo các tài liệu khoa học trong nước và thông tin trên báo, đài, ông Hai Hoa đã nghĩ ra phương pháp khắc phục hiện tượng mang hạt trên trái bưởi da xanh bằng cách ức chế quá trình thụ phấn chéo khi cây cho trái. Cách làm này được ông Hai Hoa bắt đầu thử nghiệm vào tháng 11 năm 2006, đến nay đã mang lại kết quả khả quan. Cách thức tiến hành của ông Hai Hoa được mô tả như sau: sử dụng một đoạn dây kẽm chiều dài khoảng một mét uốn cong dạng hình thoi làm khung định vị bên ngoài. Khi cây bưởi da xanh ra hoa, các cánh hoa sắp nở, đặt khung kẽm bao quanh chùm hoa, sau đó, dùng tấm lưới nhựa bao ngoài khung kẽm, tấm lưới này có tác dụng ngăn chặn phấn hoa khuếch tán do gió, đồng thời bảo vệ không cho côn trùng đeo bám, chích hút phấn hoa, gây ra hiện tượng thụ phấn chéo.

 Dụng cụ này ông Hai Hoa tự làm, giá thành khoảng 200 đồng mỗi chiếc, có thể sử dụng nhiều năm. Sau hơn một năm thí nghiệm đại trà trên vườn bưởi da xanh của gia đình mình, ông Hai Hoa đã thu được kết quả rất khả quan. Trên cùng một cây bưởi, những chùm hoa được bao lại đều cho trái không mang hạt, trong khi đó, những chùm hoa không được bao, tỷ lệ trái bị mang hạt chiếm đến 60 – 70%.

Bộ lưới bảo vệ ngăn phấn hoang của ông Hai Hoa chỉ gồm một lồng kẽm tựa như cái rọ mõm bò có đường kính 10 - 12 cm, sâu 12 cm, và một miếng lưới nylon, hình vuông 25 - 30 cm và một đoạn dây nylon dài 30 cm. Chọn các chùm nụ để bao, tốt nhất là nụ chưa nở, đang chuyển màu từ xanh nõn chuối sang màu trắng. Dùng rọ chụp nguyên chùm nụ; lấy miếng lưới chụp bên ngoài và dùng dây nylon cột túm bốn góc. Sau từ 3 - 5 ngày, bông bưởi nở và hoàn thành việc tự thụ phấn, khi một số cánh hoa rơi xuống thì gỡ rọ. Tiện tay ông lặt bỏ các nụ chưa nở nhằm tránh thụ phấn chéo và tỉa bỏ các trái dính chùm, thực hiện các công việc phòng, trị nhện hại trái để giữ cho da trái đẹp.

Với chi phí 200.000 đồng, hiện ông Hai Hoa đã chế được 500 bộ dụng cụ để luân phiên chụp cho các chùm nụ hoa bưởi. Cùng với kỹ thuật bón phân, tưới nước, lặt lá cành cho bưởi ra bông (ông đã đoạt giải thưởng sáng tạo kỹ thuật với việc chỉnh vị trí ra hoa cho cây). Thương hiệu bưởi da xanh “2H” trái tròn, ruột hồng, không hạt của ông Hai Hoa đã được Cục sở hữu công nghiệp chứng nhận bảo hộ.

 Theo website Hội nông dân VN