Các giống lúa mới triển vọng phù hợp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Để ứng phó với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long đã dày công nghiên cứu và cho ra đời các giống lúa triển vọng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bao gồm các loại giống ưu việt sau đây:

(1) Giống lúa OM 5472

Giống đã được sản xuất thử trên 5.000ha vụ hè thu 2009 và dự kiến sẽ tăng lên 20.000ha trong vùng ĐBSCL trong năm 2010. Giống OM5472 được chọn từ tổ hợp lai OM2718/Jasmine 85.

Giống có thời gian sinh trưởng của lúa sạ 90-93 ngày trong vụ Đông xuân và 93-95 ngày trong vụ Hè thu; chiều cao cây 95-105cm. Đây là giống lúa có dạng hình đẹp, tương đối cứng cây, khả năng đẻ nhánh khá, lúa trổ tập trung, bông đóng hạt dầy, tỉ lệ lép thấp, trọng lượng nghìn hạt 25-26g. Hạt gạo dài, trong, ít bạc bụng, cơm mềm, có mùi thơm nhẹ; chống chịu Rầy nâu trung bình, nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn, chống chịu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá  khá; tiềm năng năng suất khá cao và ổn định trong cả 2 vụ Đông xuân và Hè thu, từ 5 đến 8 tấn/ha.

(2) Giống lúa OM8923

Được chọn tạo bằng nuôi cấy mô từ giống OM4509. Đây là giống lúa kháng tốt đối với Rầy nâu, bệnh đạo ôn, chống chịu tốt bệnh Vàng lùn, lùn xoắn lá và ít bị nhiễm bệnh vi khuẩn như lem lép hạt, cháy bìa lá. Giống OM2923 có thời gian sinh trưởng của lúa sạ 90-93 ngày trong vụ Đông xuân và 93-95 ngày trong vụ Hè thu, trổ tập trung, chiều cao cây 95-105cm, bông đóng hạt trung bình, ít lép, trọng lượng nghìn hạt 26-27g.

Hạt gạo dài, trong, ít bạc bụng, cơm mềm và có mùi thơm nhẹ. Giống lúa này thuộc dạng giống lúa cho nhiều bông, năng suất khá cao; chống chịu tốt trên đất nhiễm phèn acid sulphat cao, ở độ pH = 3 vẫn cho năng suất trên 4 tấn/ha. Tuy nhiên yếu điểm của giống lúa này là hơi yếu rạ, do đó cần có biện pháp canh tác hợp lý, cân đối để hạn chế đổ ngã. Trong vụ Hè thu năm 2009 giống OM8923 có khoảng 500ha ở các tỉnh phía Nam.

(3) Giống lúa OM5451 

Vụ Hè thu 2009, giống lúa này chiếm 600ha và ước có hơn 2.000ha trong vụ Đông xuân 2009-2010. Giống OM5451 được chọn từ tổ hợp lai Jasmine 85/OM2490, có thời gian sinh trưởng của lúa sạ khoảng 88-93 ngày trong vụ Đông xuân và 90-95 ngày trong vụ Hè thu; trổ tập trung, chiều cao cây lúa 95-100cm. Đây là giống lúa có dạng hình đẹp, tương đối cứng cây, khả năng đẻ nhánh khá, bông đóng hạt dầy, tỉ lệ lép thấp, trọng lượng nghìn hạt trung bình 25-26g.

Hạt gạo dài, trong, ít bạc bụng, cơm mềm. Giống OM5451 chống chịu Rầy nâu, nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn, chống chịu bệnh Vàng lùn, lùn xoắn lá khá; tiềm năng năng suất lúa khá cao và ổn định trong cả hai vụ Đông xuân và Hè thu đạt từ 5 đến 8 tấn/ha.

(4) Giống lúa OM5464

Được chọn từ tổ hợp lai OM3242/OM2490, là giống lúa dễ canh tác, thích hợp trên nhiều loại đất và thời vụ trong năm. Giống có thời gian sinh trưởng ngắn 90-95 ngày, trổ tập trung, dạnh hình đẹp. Cơm hơi chứng, phẩm chất gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là giống có tính khánh Rầy nâu, kháng đạo ôn, ít nhiễm bệnh Vàng lùn, lùn xoắn lá, năng suất cao, ổn định từ 5 đến 7 tấn/ha. Đặc biệt giống có khả năng chịu mặn khá tốt, thích nghi với vùng đất lúa nhiễm mặn nhẹ 3-4%o. Trong vụ Hè thu 2009 giống OM5464 canh tác 1.700ha, trong vụ Đông xuân 2009-2010 ước tăng lên 4.000-5.000ha.

(5) Giống lúa OM6976

Là giống mới triển vọng được chọn từ tổ hợp lai IR68144/OM997/OM2718. Đây là giống được giới thiệu từ vụ Hè thu 2009, có hàm lượng vi chất sắt trong hạt gạo khá cao, cơm mềm và ngọt; thời gian sinh trưởng của lúa gieo sạ vụ Đông xuân  95-97 ngày, vụ Hè thu 98-100 ngày.

Giống OM6976 thấp cây 95-105cm, dạng hình đẹp, rất cứng cây, đẻ nhánh ít, bông to chùm, đóng hạt dầy, trong lượng nghìn hạt trung bình 25-26g. Gạo hạt dài trung bình, trong, ít bạc bụng.

Giống OM6976 thuộc nhóm giống lúa bông to, thân rạ to, thích nghi rộng trên nhiều loại đất, từ phù sa ngọt đến nhiễm phèn; chống chịu Rầy nâu và bệnh đạo ôn tốt, chống chịu bệnh Vàng lùn, lùn xoắn lá khá. Tiềm năng năng suất giống OM6976 cao và ổn định trong cả hai vụ Đông xuân và Hè thu có thể đạt tới 9 tấn/ha. Khi canh tác giống OM6976 cần có biện pháp bón phân hoặc phun thuốc nuôi hạt để có tỉ lệ hạt chắc bông cao. Đây là giống lúa được nông dân và cán bộ nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL bình chọn xếp hạng nhất trong vụ lúa Đông xuân vừa qua tại Viện lúa  ĐBSCL.

(6) Giống lúa OM8232

Được chọn từ tổ hợp lai (OM2490/IR72046/OM3556-1-9). Đây là giống lúa thơm nhẹ, chất lượng cao, mới được giới thiệu trong vụ Hè thu 2009; thời gian sinh trưởng trong vụ ĐX 93-95 ngày; chiều cao cây 95-100cm, dạng hình đẹp, thân rạ gọn thẳng, cứng cây, đẻ nhánh khá, bông đóng hạt dày, trong lượng nghìn hạt trung bình 26-27g. Hạt gạo dài, trong, ít bạc bụng, cơm dẻo mềm. Giống OM8232 chống chịu Rầy nâu và bệnh đạo ôn tốt, chống chịu bệnh Vàng lùn, lùn xoắn lá khá; bộ lá thẳng và rất sạch bệnh. Giống OM8232 được ghi nhận là thích nghi với điều kiện thâm canh, đất phù sa ngọt và phèn nhẹ, năng suất ổn định trong cả hai vụ Đông xuân và Hè thu từ 5 đến 8 tấn/ha.

(7) Giống lúa OM6932

Là giống mới triển vọng vụ Đông xuân 2009-2010, được chọn từ tổ hợp lai OM4088/OM5472, có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày vụ Đông xuân, cao 90-95cm; đẻ nhánh khá, trong lượng 1.000 hạt 26-27g. Hạt gạo trong, không bạc bụng. Quan sát ngoài đồng trong vụ Đông xuân vừa qua cho thấy OM 6932 ít bị Rầy nâu tấn công, không bị bệnh đạo ôn và bệnh vàng lùn. Đây là giống lúa có dạng hình đẹp và năng suất cao.

(8) Giống lúa OM6922

Giống mới triển vọng vụ Đông xuân 2009-2010 được chọn từ tổ hợp lai OM3536/OM5472, có thời gian sinh trưởng 93-98 ngày vụ Đông xuân; cây lúa cao 90-95cm, đẻ nhánh khá, trọng lượng 1.000 hạt 27-28g. Hạt gạo trong không bạc bụng. Quan sát ngoài đồng ruộng vụ Đông xuân vừa qua cho tấh OM 6922 ít bị Rầy nâu tấn công, không bị bệnh đạo ôn và bệnh Vàng lùn. Giống lúa này có dạng hình đẹp và tiềm năng năng suất cao.

Theo: TTTTNNNT