Hoa Sĩ Hiền chủ nhân của 12 giống lúa mang tên quê hương “Tân Châu”

Hưởng ứng phong trào xã hội hoá giống lúa của tỉnh, sau 5 năm tâm huyết, mài mò nghiên cứu, anh Hoa Sĩ Hiền, ở xã Tân An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, lai tạo thành công 6 giống lúa mới chất lượng cao, kháng sâu rầy.

Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật thành công đưa ra thị trường 12 giống lúa mang tên quê hương “Tân Châu”, đã giúp cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh có được những giống lúa mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, giải quyết được nguồn giống lúa đang kham hiếm, đáp ứng kịp thời trong qui trình sản xuất hiện nay. Các giống lúa có ưu điểm là năng suất cao, chống chịu tốt với những bất lợi về thời tiết, dịch hại, có phẩm chất phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu, cho lợi nhuận cao gấp 3 lần giống lúa thương phẩm hay sản xuất lúa thịt, hiện giống lúa do anh sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường.

Anh Hiền tuy trình độ văn hóa không cao nhưng bù lại rất siêng năng và cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi và có nguyện vọng lớn nhất là làm ra giống mới đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con địa phương, có hiệu quả kinh tế cao. Anh xác định là nông dân sống và vươn lên từ nghề trồng lúa nên đã chủ động tham gia tất cả các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa theo tiến bộ khoa học kỹ thuật, các lớp sản xuất lúa giống FFS (chương trình dạy nghề cho nông dân), chương trình sản xuất lúa 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G); kỹ thuật làm giống xác nhận (chương trình kỹ năng chọn tạo giống cộng đồng). Vì vậy từ suy nghĩ đúng đắn về chủ trương của Đảng, Nhà nước và phát động của Hội nông dân Việt Nam đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở nông thôn và thực hiện công tác xã hội hóa giống lúa cộng đồng, do Trung tâm khuyến nông kết hợp với Viện hệ thống canh tác Trường đại học Cần Thơ tổ chức năm 2004, anh Hiền tham gia nhiều lớp tập huấn ngắn hạn sản xuất giống, kỹ thuật thâm canh cây lúa đến phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM 3 giảm 3 tăng, kỹ thuật làm giống lúa... Nên khi tỉnh phát động phong trào XHH giống lúa, anh đã mạnh dạn dành ra 0,4 ha tiến hành lai tạo giống mới theo qui trình đã học được, nhằm thay đổi bộ lúa giống địa phương đã thoái hóa đang giảm dần hiệu quả. Sau 3 năm anh đã thành công cho ra 4 dòng giống lúa mới lấy tên điạ phương từ Tân Châu 1 đến Tân Châu 4 đã được bà con nông dân trong tỉnh chấp nhận, phấn khởi trước thành công lần đầu tiên, anh tiếp tục lai tạo thêm 25 cặp giống bố mẹ và chọn dòng phân ly từ những thế hệ khác nhau của từng dòng. Đến vụ đông xuân 2008 anh tiếp tục thành công với 2 giống mới Tân Châu 5, Tân Châu 6, hai giống này được nông dân đia phương sử dụng chiếm 30% diện tích và các tỉnh lân cận như huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), Mộc Hóa (Long An), Bình Thủy, Ô Môn (thành phố Cần Thơ) chấp nhận, từ đó đến nay anh thành công thêm 6 giống lúa mới từ Tân Châu 7 đến Tân Châu 12. Phấn khởi nhất là các giống lúa trên đã được Trung tâm Khuyến nông An Giang tiếp nhận làm khảo nghiệm tại 11 huyện, thị trong tỉnh. Riêng giống Tân Châu 2 được Bộ Nông nghiệp chứng nhận giống quốc gia năm 2009.

Sau năm năm quyết, tâm bất chấp những khó khăn, thử thách anh đã đạt được kết quả như mong muốn, được Trung ương hội Nông dân Việt Nam tặng 1 bằng khen; Viện nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI cấp tặng chứng chỉ đạt thành tích xuất sắc trong quá trình tạo giống lúa; liên tục được công nhận là nông dân giỏi cấp tỉnh 2005 - 2010, UBND tỉnh An Giang tặng 6 bằng khen và 5 giấy khen của UBND huyện Tân Châu./.

                                                                        Agroviet