ĐBSCL chỉ cần 10 - 15 giống lúa chủ lực

Để giúp Việt Nam có thể tạo được lợi thế trong xuất khẩu gạo những năm tiếp theo, ĐBSCL chỉ cần 10 - 15 giống lúa chủ lực thay vì hơn 100 giống lúa đang được trồng như hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc trường Đại học Cần Thơ cho biết tại hội nghị sơ kết sản xuất lúa năm 2010, triển khai sản xuất đông xuân và kế hoạch năm 2011 các tỉnh Nam bộ do Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TPHCM, ngày 13/10.

Theo ông Đệ, mỗi tỉnh tại ĐBSCL cần bố trí, phân vùng sản xuất lúa với 5 - 10 giống lúa chủ lực và khoảng 3 - 5 giống lúa bổ sung, theo tỷ lệ 10% diện tích trồng lúa đặc sản, 60% diện tích lúa chất lượng cao và 30% cho lúa cấp thấp.

"Nếu các tỉnh quy hoạch được những vùng sản xuất lúa như vậy sẽ giúp xây dựng được thương hiệu cho gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu”, ông Đệ nói.

Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng cơ cấu xuất khẩu và phương thức sản xuất lúa gạo vẫn chưa đồng bộ với nhau nên dễ hiểu tại sao Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu gạo chất lượng thấp là chủ yếu.

“Việt Nan có thể xuất khẩu những loại gạo bản địa mang thương hiệu quốc gia như Nàng thơm chợ Đào, gạo Tám thơm Hải Hậu”, ông Bổng nói. Ông Bổng còn cho biết thêm, ĐBSCL có nhiều tiềm năng để trồng các giống lúa hạt dài chất lượng cao trên một diện tích từ 80.000 hécta - 100.000 héc ta tại mỗi tỉnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện gạo xuất khẩu của nước ta chỉ ở dạng gạo 5%, 10% hay 25% tấm mà chưa xuất khẩu dựa theo phẩm chất. Nguyên nhân là do doanh nghiệp phụ thuộc vào lực lượng hàng xáo trong khâu thu mua, nhưng lực lượng này lại không mua lúa theo phẩm chất hạt.

“Để Việt Nam có thể xuất khẩu gạo theo phẩm chất, tôi yêu cầu Hiệp hội lương thực Việt Nam cần sớm kết hợp với thương lái để thu mua lúa theo phẩm từ người dân trong những năm tới”, ông Bổng nói.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết giá thành sản xuất lúa trung bình cả năm là hơn 3.000 đồng/kg, trong khi đó, giá thu mua VFA là 4.080 đồng/kg, như vậy, người trồng lúa đã có lãi trên 30% như yêu cầu đặt ra của Chính phủ.

Tuy nhiên, Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL lại cho rằng, cách tính giá thành sản xuất lúa hiện nay là chưa chính xác, trong đó, có ba tiêu chí chưa được tính vào giá thành là chi phí sử dụng tiền vốn, chi phí sử dụng đất đai và chi phí lao động của nhà nông. Ba chi phí này bằng 34 - 37% giá thành sản xuất.

Do đó, nếu VFA cho rằng người nông dân trồng lúa có lãi trên 30% thì thực chất số lãi này ăn vào chi phí tiền vốn, đất đai và lao động. Chính vì vậy, Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL kiến nghị các cơ quan có liên quan phải xem xét lại cách tính giá thành sản xuất lúa để nông dân được hưởng lợi.

Báo Kinh Tế Sài Gòn